(hieuhoc_hieuhoc.com). Việt Nam hiện nằm trong nhóm những nước chịu tác động lớn nhất từ biến đổi khí hậu toàn cầu nên vấn đề môi trường ngày càng trở nên cấp bách. Trong khi tỉ lệ người hoạt động trong lĩnh vực môi trường ở Việt Nam còn rất thấp, chỉ khoảng vài chục người trên một triệu dân thì tại các các nước phát triển như Hàn Quốc, tỉ lệ này lên tới 2000 người/triệu dân. Ngoài ra, kinh tế phát triển sẽ kéo theo nhu cầu về xử lý môi trường tăng, vì vậy dự báo ngành môi trường sẽ là một trong những lĩnh vực “hot” trong những năm tới.
Sẽ “bùng nổ” nhu cầu nhân lực?
=> Nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường.
Nhóm ngành học về môi trường gồm: Kỹ thuật môi trường, Kinh tế và Quản lý môi trường, Khoa học môi trường, Công nghệ môi trường, Kiểm soát và Bảo vệ môi trường.
Nhà môi trường làm việc trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp. Các cơ quan quản lý và nghiên cứu về môi trường các nhà máy xí nghiệp (với vai trò kỹ sư môi trường: nghiên cứu, tư vấn và xử lý vấn đề môi trường cho đơn vị mình) các tổ chức trong nước và quốc tế về môi trường các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành về môi trường… Bên cạnh đó, ngành môi trường còn có thể gắn với một số công việc đặc thù như thiết kế, vận hành hệ thống cấp thoát nước, du lịch sinh thái…
Theo yêu cầu của Chính phủ, hiện nay tất cả các nhà máy, khu công nghiệp phải có bộ phận phụ trách môi trường nhằm đánh giá và ngăn chặn các tác động tiêu cực tới môi trường. Đặc biệt khi tham gia thị trường thế giới thì yêu cầu về môi trường từ phía đối tác đặt ra rất chặt chẽ. Và chính vì lượng người không đáp ứng đủ nên yêu cầu tuyển dụng thực sự cũng không quá khắt khe.
Cuộc sống của người làm trong ngành môi trường thường gắn bó với các phòng thí nghiệm và địa bàn thực tế. Đặc điểm công việc đòi hỏi nhà môi trường khi thì phải đi lại rất nhiều, lúc lại bỏ hàng tháng trời trong phòng thí nghiệm. Nhà môi trường không làm việc đơn độc một mình mà thường làm việc theo nhóm, có sự cộng tác chặt chẽ của các chuyên gia trong các lĩnh vực khác như nông nghiệp,sinh học, hoá học, địa chất học v.v…
Trong ngành này, bạn có thể trở thành nhà khoa học môi trường, kỹ sư môi trường, nhà sinh thái môi trường, chuyên viên nghiên cứu… Trường hợp SV có chuyên môn giỏi và ngoại ngữ tốt thì có thể xin làm ở các tổ chức phi chính phủ hoặc công ty nước ngoài với mức lương “ngàn đô”.
Phẩm chất và kỹ năng: Yêu thiên nhiên môi trường xung quanh và phải “dấn thân”.
– Năng động, nhiệt tình, sáng tạo và tự tin.
– Cẩn thận, kiên nhẫn.
– Khả năng làm việc tập thể.
– Khả năng thuyết trình.
– Can đảm, chấp nhận khó khăn thử thách.
Ngoài kỹ năng chuyên môn về môi trường:
+ Đối với tuyển dụng làm thiết kế: Cần SV có khả năng sử dụng máy tính thành thạo (các phần mềm Auto Cad, Office, Project…), có một chút khả năng ngoại ngữ, chịu được áp lực công việc, học lực khá.
+ Đối với tuyển dụng làm thi công: Cần SV có sức khỏe tốt, có khả năng giao tiếp, sử dụng được phần mềm Auto Cad, Office…và có thêm khả năng ngoại ngữ.
Thông thường, 95% SV ra trường đáp ứng được yêu cầu công việc nhưng phải sau thời gian hướng dẫn, đào tạo. Để làm tốt công việc, các kỹ sư phải mất tối thiểu khoảng nửa năm.
Một số địa chỉ đào tạo:
Các ngành học liên quan đến môi trường khá phong phú với các chuyên ngành khác nhau tuỳ theo lĩnh vực đào tạo của trường. Năm 2010, một số trường ĐH đã tăng chỉ tiêu tuyển sinh của ngành môi trường.Các trường thường tuyển sinh khối A, B, và vài trường tuyển sinh thêm khồi D1 (ĐH Kinh tế Quốc Dân, ĐH Nông lâm TP.HCM).
Nhóm ngành môi trường học hiện được đào tạo ở 48 trường ĐH và 9 trường Cao đẳng như: ĐH Thái Nguyên, ĐH Cần Thơ, ĐH Huế,ĐH Đà Nẵng, ĐH Xây dựng, ĐH Kiến trúc, ĐH Nông nghiệp I, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh), Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Tp. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Mỏ Địa chất, Trường Đại học Thuỷ Lợi, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Giao thông Vận tải, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Trường Đại học CầnThơ, Trường Đại học An Giang v.v…
Riêng hai trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh sẽ nâng cấp thành 2 trường Đại học chuyên ngành Tài nguyên-Môi trường.
Môi trường hiện đang là mối quan tâm chung của toàn xã hội. Đặc biệt, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nước ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro môi trường, rất cần sự đóng góp công sức của các nhà môi trường. Điểm hấp dẫn nhưng cũng có thể là hạn chế lớn khi làm việc trong ngành này là đi nhiều nơi, thâm nhập thực tế cuộc sống ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Vì vậy, để “dấn thân” vào ngành môi trường, ngoài kiến thức vững về các môn khoa học, thì lòng yêu thích, khám phá thiên nhiên sẽ là động cơ tốt cho nghề nghiệp rất nhiều.
Tuấn Phong Tổng hợp/(hieuhoc_hieuhoc.com).
Bài liên quan:
– Nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường.
– Chọn trường đăng ký dự thi: Nên chọn ngành nghề phù hợp.
– Ngành có tiềm năng nhưng không tuyển được sinh viên.