Nhân lực ngành Tài nguyên và Môi trường.

(Hiếu học) Xây dựng đề án tổng thể về đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực là một trong những yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với ngành Tài nguyên và Môi trường trước thực trạng thiếu hụt cả về chất và lượng.

Đây là nội dung chính tại buổi làm việc chiều 26/2 giữa Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác đào tạo nguồn nhân lực của ngành trong giai đoạn 2010-2020.


Nhu cầu nhân lực cấp bách.

Báo cáo của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên cho thấy thực trạng về trình độ đội ngũ cán bộ, công chức của ngành ở địa phương không đồng đều, cán bộ chuyên môn cấp huyện và cấp xã còn yếu kém, phần lớn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác.

Tỷ lệ cán bộ quản lý trên các lĩnh vực đang mất cân đối, ví dụ trong lĩnh vực rất rộng là quản lý đất đai, lực lượngcán bộ về môi trường, địa chất, khoáng sản, tài nguyên nước, quản lý biển, hải đảo, biến đổi khí hậu, khí tượng thủy văn lại rất mỏng. Đội ngũ cán bộ, chuyên gia, cán bộ giỏi được đào tạo cơ bản hầu hết đều đã nghỉ hưu hoặc sắp nghỉ hưu, trong khi đó, đội ngũ cán bộ kế cận và thay thể chưa được chuẩn bị.

Trong tổng số trên 1.000 công chức đang công tác tại các đơn vị quản lý nhà nước và khoảng 12.000 viên chức, người lao động làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp có 11% đạt trình độ tiến sĩ, 21% thạc sĩ, 59% đại học. Bên cạnh đó còn khoảng 6.000 cán bộ làm công tác chuyên môn về bảo vệ môi trường tại các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước.

Sẽ có trường Đại học Tài nguyên – Môi trường.

Trước nhu cầu rất lớn về nhân lực của ngành trên nhiều lĩnh vực, từ nay đến năm 2020, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm cho thành lập 2 trường đại học chuyên ngành Tài nguyên – Môi trường trên cơ sở nâng cấp các trường Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và Cao đẳng Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh. Kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng Đề án “ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”.

Đánh giá cao sự chủ động về công tác đào tạo nguồn nhân lực và công tác dự báo nhu cầu của ngành Tài nguyên và Môi trường trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chỉ ra nhiều nhóm giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực của ngành TNMT.

Theo Phó Thủ tướng, ngành cần quan tâm tới việc đào tạo theo hợp đồng, đào tạo theo nhu cầu cụ thể và lồng ghép vào những chương trình đào tạo mới, kiến thức mới sao cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Phó Thủ tướng đề nghị, trong tháng 8/2010, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị toàn quốc về cung ứng nguồn nhân lực cho toàn ngành.

Về việc thành lập 2 trường đại học chuyên ngành Tài nguyên-Môi trường, Phó Thủ tướng cho biết, giữa tháng 3/2010, Chính phủ sẽ ban hành quyết định đồng ý về nguyên tắc cho phép thành lập trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội trên cơ sở tờ trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tiếp theo, tháng 9/2010, sẽ có quyết định chính thức thành lập trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Nguồn: (Chinhphu.vn).

Bài liên quan:

Ngành môi trường: Yêu thiên nhiên và phải dấn thân.

Chọn trường đăng ký dự thi: Nên chọn ngành nghề phù hợp.

Tiềm năng ngành nghề có đủ cho mọi bậc học.

Nghề “khám bệnh ông trời”

Kỹ sư Môi trường – Nghề hot thời công nghiệp

Cùng chuyên mục