Xuất ngoại để thực tập?

(Hiếu học). Một học kỳ thực tập trước khi ra trường là cơ hội để sinh viên (SV) chứng tỏ mình với hy vọng lọt vào mắt xanh của doanh nghiệp. Không chỉ thực tập trong nước, nhiều SV đã chọn phương án xuất ngoại để thực tập với mức chi phí lên tới vài chục triệu đồng.

Giấc mơ xa vời!

SV Nguyễn Thị Hoài Hương (ngành Địa lý du lịch – ĐH KHXH&NV TP.HCM) đòi gia đình chu cấp tiền để mình được xuất ngoại thực tập như nhiều bạn bè. Sau ba tháng thực tập, tốn vài chục triệu đồng, do không chịu nổi cường độ và thời gian thực tập tại một khách sạn cao cấp, cô về nước với cái vốn nghiệp vụ và ngoại ngữ chẳng là bao.

Không riêng Hương, 70 SV trường ĐH Hoa Sen cũng vừa chi 1.500 USD/người để đi thực tập tại Mỹ. Trước đó, trường đã đưa được 22 SV đi. Những ngành thực tập là quản lý du lịch, nghiệp vụ nhà hàng khách sạn, Anh văn thương mại, quản trị kinh doanh, kế toán… Tiêu chuẩn để được đi thực tập khá dễ dàng, chỉ cần có tiền và tiếng Anh giao tiếp được. ĐH Tôn Đức Thắng cũng đã hợp tác với các trường ĐH ở Trung Quốc từ năm 2006, để đưa SV thực tập (các ngành tiếng Trung, mỹ thuật công nghiệp, quản trị kinh doanh quốc tế và tài chính). Mỗi khóa thực tập kéo dài bốn tháng, tốn 900 – 1.000 USD (học phí, ký túc xá, bảo hiểm y tế). Tương tự, các trường ĐH Văn Hiến, ĐH Nông Lâm cũng có các chương trình thực tập ở nước ngoài.

Công nghệ trong nước để SV thực tập không kém gì nước ngoài. (Hình PNO).

Ra nước ngoài phải mất 20-30 triệu đồng/người. Trong khi đó, chi phí để SV thực tập trong nước thường là miễn phí. Đành rằng, theo nhận xét của các trường có chương trình đưa SV thực tập ở nước ngoài, thì đa số SV đều năng động hơn, trình độ ngoại ngữ cũng nâng cao; nhưng con số SV sẽ “năng động” này chưa tới 1/10 so với sĩ số cả trường ĐH, CĐ. SV Nguyễn Thị H. nói: “Việc đi thực tập nước ngoài chỉ dành cho SV “quý tộc”, với SV tỉnh lẻ như chúng em, đó chỉ là giấc mơ… xa vời”.

Không thiếu cơ hội trong nước.

Nếu SV mới tốt nghiệp yếu kém môn ngoại ngữ và các kỹ năng mềm như sự độc lập, linh hoạt, tính chủ động và phát triển năng lực… thì những chuyến xuất ngoại thực tập có “trám” được “lỗ hổng” này?

Chị Nguyễn Hải Trường An – chuyên viên Khoa Kinh tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: Trung tâm Hỗ trợ Sinh viên & Quan hệ Doanh nghiệp cũng được nhiều lời mời từ các trung tâm tư vấn du học – thực tập nước ngoài. Tuy nhiên, chúng tôi chưa hợp tác vì chưa kiểm soát được chương trình thực tập của họ; chưa đảm bảo rằng các em sẽ được thực tập ở những ngành chuyên môn, chưa kể có thể bị lợi dụng sức lao động và mức chi phí quá túi tiền với đa số SV.

Một lý do nữa, ở trong nước có những đơn vị tuyển thực tập sinh định kỳ uy tín như: Unilever, CocaCola, Intel, Nestle, KPMG, Hoa Sen Group… Nếu được thực tập theo kiểu “tiêu chuẩn ngoại, chi phí nội”, SV sẽ có kỹ năng, nghiệp vụ không thua gì thực tập nước ngoài. Điều này sẽ tạo cơ hội đồng đều cho tất cả SV – chị Trường An nói.

Nhóm sinh viên VN của ĐH Văn Hiến thực tập công việc “làm phòng” ở Nhật. (Hình: TTO)

Trên thực tế, tại VN, có rất nhiều nhà hàng, khách sạn đạt tiêu chuẩn 4-5 sao quốc tế, có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp từ nước ngoài sang làm việc, thì tại sao SV chúng ta lại phải lặn lội sang nước bạn thực tập ở những môi trường tương tự, để rồi tốn một “đống” cho chi phí ăn, ở, di chuyển?

Ông Nguyễn Tử Anh – GĐ Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực Tập đoàn Hoa Sen cho biết: nhiều công ty và tập đoàn đa quốc gia ở trong nước đạt tiêu chuẩn quốc tế, tác phong chuyên nghiệp, là nơi thực tập cho SV tốt không hề thua kém như ở nước ngoài. Chưa kể một số công nghệ ở nước ngoài chưa có ở VN. Thực tập xong để đó, cũng không ứng dụng được.

Tuy nhiên, tìm được một suất thực tập tại các tập đoàn đa quốc gia rất khó. Doanh nghiệp chỉ nhận từ 5 – 10 SV thực tập, nhưng luôn có 400 – 500 SV nộp hồ sơ, nên phải thi thố, cạnh tranh để trúng tuyển. Phải chăng vì vậy mà nhiều SV đã “nghiến răng” chọn con đường xuất ngoại để thực tập?

Theo: Xuất ngoại thực tập. (Lê Uyên Phương/PNO).

Bài liên quan

Từ cơ hội thực tập đến việc làm.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Chủ động tự đi tìm việc làm là điều rất tốt. Nhưng liệu công việc tại thương hiệu mà mình thích đó có phù hợp với kỹ năng và kiến thức đã học của mình hay không? Vậy làm sao bạn tìm được? - Có thể đó là trực tiếp đến các công ty, xem tờ rơi, thông tin tuyển dụng trên các báo, website hoặc người quen giới thiệu... và đặc biệt là từ cơ hội đi thực tập.

Sinh viên đi thực tập cần chuẩn bị những gì?

(hieuhoc_hieuhoc.com). Khó khăn nhất của sinh viên thực tập là tìm được cơ quan cho thực tập đúng chuyên ngành và vấn đề thứ hai là thường phải chịu sự nhàm chán, bị coi như người thừa tại cơ quan đang thực tập. Vì vậy, sinh viên cần chuẩn bị những gì khi đi thực tập để có được kết quả thuận lợi hơn?  

Tìm hiểu kiến thức ngành nghề liên quan trước khi ra trường.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Bạn hiểu biết như thế nào về yêu cầu của thị trường lao động đối với ngành nghề của bạn? Nhiều doanh nghiệp không chỉ đơn giản là đòi hỏi bằng cấp hay loại tốt nghiệp mà còn phỏng vấn thêm kiến thức ngành nghề liên quan. Chính vì thế, sinh viên ngoài việc học chuyên ngành của mình thì cũng nên tìm hiểu thêm kiến thức ngành nghề liên quan để thích nghi trước khi ra trường. 

Cẩm nang cho người mới bắt đầu đi làm.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Những ngày đầu tiên của người mới bắt đầu đi làm luôn tràn đầy nhiệt tình, háo hức với công việc. Nhưng trong thực tế, đôi khi chỉ vì không thích nghi với những việc nhỏ cũng gây nên cảm giác thất vọng, làm thui chột ý chí phấn đấu gây tác hoại không nhỏ cho sự nghiệp.

Có nên kinh doanh tại nhà, tự mình làm việc cho mình?

(hieuhoc_hieuhoc.com). Bạn muốn tự mình làm chủ một công việc kinh doanh? Bạn cảm thấy rằng mình có khả năng kiếm được nhiều tiền hơn khi tổ chức kinh doanh tại nhà, tự mình làm việc cho mình? Hoặc làm nghề tự do với nhiều yếu tố hấp dẫn như tự do hơn, thoải mái hơn, thu nhập lại cao gấp nhiều lần so với đi làm công ty?  

Cùng chuyên mục