Nhiều trường ĐH đang tính đến khả năng không tổ chức tuyển sinh hệ liên thông chính quy, để dành toàn bộ chỉ tiêu tuyển sinh hệ đào tạo 4 năm.
Tiến sĩ Nguyễn Phương, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết những năm qua, trường tuyển sinh hệ đào tạo liên thông từ kết quả kỳ thi THPT quốc gia nhưng không được nhiều. Năm nay, trường tổ chức thi tuyển sinh liên thông riêng nhưng khả năng 1-2 năm tới, trường ngưng tuyển sinh liên thông. Nhiều trường ĐH khác cũng dự kiến sẽ không duy trì hệ đào tạo này.
Đổi chủ quản, liên thông ỉu xìu
TS Nguyễn Phương cho biết lâu nay khi các trường CĐ còn trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thì chương trình không khác nhiều so với ĐH và các trường cũng đã xây dựng chương trình đào tạo hệ liên thông. Nhưng 2-3 năm tới, muốn tuyển sinh hệ liên thông thì trường phải xây dựng lại chương trình đào tạo cho phù hợp. “Nghiên cứu chương trình CĐ nghề để xây dựng chương trình đào tạo liên thông ĐH mất rất nhiều thời gian trong khi hiệu quả mang lại không nhiều” – TS Phương nói và cho biết tới đây, trường sẽ dành toàn bộ chỉ tiêu để tuyển sinh cho hệ đào tạo 4 năm chứ không tuyển sinh hệ liên thông chính quy.
TS Phan Ngọc Minh, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết vài năm nay, mỗi năm trường dành khoảng 200 chỉ tiêu để tuyển sinh hệ liên thông chính quy nhưng kết quả tuyển sinh cũng không tốt. Đối tượng tuyển sinh hệ chính quy liên thông vẫn là sinh viên đã tốt nghiệp CĐ chuyên nghiệp chứ không tuyển sinh viên của trường CĐ nghề. Trong 2 năm tới, những sinh viên CĐ thuộc chương trình tuyển sinh của Bộ GD-ĐT vẫn còn nên trường vẫn duy trì tuyển sinh liên thông, còn sau đó thì trường đang xem xét và chờ các hướng dẫn của cấp trên.
PGS-TS Nguyễn Đức Minh, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TP HCM, thông tin 3 năm nay, trường đã không tuyển sinh hệ đào tạo liên thông chính quy mà chỉ đào tạo hệ liên thông vừa học vừa làm. Tới đây, trường phải xây dựng lại chương trình dù tuyển sinh hệ này rất ít ỏi.
TS Nguyễn Chí Thông, Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM, cho biết hiện nay trường chỉ tuyển sinh liên thông ngành kỹ thuật cơ khí cho sinh viên tốt nghiệp CĐ ngành bảo dưỡng công nghiệp của trường. Trường không tuyển sinh liên thông cho đối tượng sinh viên bên ngoài.
Con đường học lên cao sẽ trắc trở
Dù học sinh, sinh viên học trung cấp hay CĐ đều có nhu cầu nâng cấp trình độ bằng con đường liên thông. Nhưng nếu con đường liên thông trắc trở sẽ làm ảnh hưởng đến chính sách phân luồng học sinh, sinh viên.
ThS Phạm Thái Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết tuyển sinh liên thông là cách để các trường có thêm nguồn tuyển nhưng tương lai, nhiều trường đã tạo được uy tín có khả năng sẽ không tuyển sinh liên thông nữa mà dành toàn bộ cho hệ chính quy. Việc này sẽ thuận lợi hơn cho các trường.
ThS Lê Lâm, Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, cho rằng 2 năm qua, con đường vào ĐH đối với những học sinh đã tốt nghiệp THPT rất rộng mở nhưng nhiều em vẫn chọn học CĐ hay trung cấp vì nhà nghèo nên muốn học nhanh ra trường tìm việc làm để có thu nhập rồi học lên cao… “Nếu con đường liên thông bị tắc sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu nâng cao trình độ của các em cũng như ảnh hưởng đến tình hình tuyển sinh của trường CĐ” – ông Lâm lo ngại.
Theo TS Trần Mạnh Thành, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Bách Việt, ngay khi làm việc về vấn đề chuyển hệ thống trường CĐ, trung cấp sang Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, ông đã đặt vấn đề phải tạo điều kiện tối đa cho việc liên thông dọc nhưng việc này sau đó được trả lời là phải đợi Thủ tướng quyết định. Theo TS Thành, việc chuyển đổi chương trình như thế nào không phải là vấn đề lớn ảnh hưởng tới liên thông bởi khi liên thông lên ĐH, các trường sẽ xem xét sinh viên còn thiếu gì để bổ sung. Vấn đề hiện nay là Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội và Bộ Giáo dục – Đào tạo không tìm được tiếng nói chung. “Nếu con đường liên thông gặp khó khăn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hệ giáo dục nghề nghiệp” – TS Thành lo ngại.
Theo: (Giaoduc/NLD)