Năm nay nhiều trường ĐH sẽ tham gia xét tuyển theo nhóm thay vì xét riêng như các năm trước.
Sau khi các trường phía nam thống nhất nhóm xét tuyển lên đến hơn 60 trường, hôm qua (8.5) đoàn công tác của Bộ GD-ĐT cùng 42 trường ĐH phía bắc đã họp bàn về việc lập nhóm tuyển sinh khu vực này.
Giảm tối đa thí sinh ảo
Trước đó, phát biểu trong buổi thảo luận trực tuyến ngày 3.5 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng năm nay việc cho phép thí sinh (TS) đăng ký nhiều nguyện vọng (NV) sẽ khiến các trường khó khăn đảm bảo xét tuyển vừa đủ chỉ tiêu. Việc lập các nhóm xét tuyển sẽ giúp các trường thực hiện khâu tiền lọc “TS ảo” trước khi tới bước lọc ảo cuối cùng trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Nếu năm nay thực hiện thành công thì năm sau Bộ sẽ giao hết việc xét tuyển cho các nhóm và không can thiệp vào hoạt động tuyển sinh của các trường nữa.
Cũng theo ông Ga, nguyên tắc của xét tuyển theo nhóm là loại được TS trúng tuyển ảo, đồng thời cùng lúc vào các trường trong nhóm. Khi đó, một TS trúng tuyển vào trường trong nhóm chỉ có thể xảy ra 2 trường hợp: chỉ trúng tuyển một trường trong nhóm hoặc vừa trúng tuyển vào một trường trong nhóm vừa trúng tuyển một trường ngoài nhóm. Số ảo sau khi xét trong nhóm giảm đi rất nhiều. Sau đó, khi các trường đưa được danh sách TS này lên cổng thông tin của Bộ, quá trình lọc ảo sẽ tiếp tục diễn ra một lần nữa giữa trường trong nhóm và ngoài nhóm.
Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết trường tham gia nhóm sẽ có được thông tin xét tuyển của các trường trong nhóm, nếu không tham gia chỉ nhận dữ liệu đơn lẻ của trường mình. Ngay khi hoàn tất, Bộ sẽ gửi dữ liệu cho trường chủ trì trong nhóm, các trường cùng ngồi với nhau để thảo luận việc điều chỉnh, xác định điểm chuẩn phù hợp với từng trường.
Tại cuộc họp ở Hà Nội hôm qua, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng căn cứ vào dữ liệu đăng ký dự tuyển có thể thấy TS đăng ký tập trung vào 2 nhóm lớn. Nhóm phía nam từ Quảng Bình trở vào, nhóm phía bắc từ Hà Tĩnh trở ra. “Việc thành lập nhóm hoàn toàn không ảnh hưởng tới quyền tự chủ của các trường. Không chỉ các trường mà ngay cả TS cũng có lợi. Khi các trường xác định được điểm chuẩn vào từng ngành hay vào trường mình một cách sát với thực tế thì rõ ràng sẽ giảm thiểu tối đa lượng TS bị trượt oan”, ông Ga phân tích.
Theo PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, những kinh nghiệm tổ chức nhóm GX (nhóm tuyển sinh chung, gồm một số trường ĐH và học viện trong khu vực Hà Nội) năm ngoái sẽ được áp dụng cho nhóm trường miền Bắc năm nay với mục tiêu giảm hiện tượng “ảo”. Nguyên tắc xét tuyển của nhóm sẽ thực hiện hoàn toàn theo quy chế, nghĩa là TS chỉ trúng tuyển vào một NV ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các NV đã đăng ký. Nếu TS trúng tuyển theo 1 NV xếp trên thì sẽ không được xét các NV sau nữa. Điểm trúng tuyển vào một nhóm ngành chỉ căn cứ trên kết quả điểm thi của TS và chỉ tiêu đã được ấn định.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng việc hình thành các nhóm xét tuyển chung sẽ tạo thuận lợi cho các trường lẫn TS. Quy chế năm nay cho phép TS đăng ký không giới hạn NV nhưng chỉ có một cơ hội trúng tuyển, nên dù tham gia xét tuyển trường trong hay ngoài nhóm cũng không ảnh hưởng đến quyền lợi TS. Tuy nhiên, trên cơ sở các trường xác định điểm trúng tuyển sớm và chính xác sẽ giúp việc gọi TS chính xác hơn, tránh những lo ngại có thể xảy ra như điều chỉnh điểm chuẩn ở thời điểm cuối ảnh hưởng đến trường khác và bản thân TS.
Cán bộ tuyển sinh của một trường ĐH tại TP.HCM cũng cho rằng điều này sẽ giải quyết được lo ngại của nhiều trường trước đó về những bất cập có thể xảy ra ở thời điểm cuối nên việc công bố điểm chuẩn sẽ gần như chính xác.
Xét tuyển theo học bạ hay kết quả thi ?
Tuy nhiên, việc xét tuyển theo nhóm cũng gây băn khoăn cho các trường có nhiều phương thức xét tuyển. Ông Thái Văn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Vinh, lo lắng khi nhiều trường có 2 loại chỉ tiêu (1 loại xét theo kết quả thi THPT quốc gia, 1 loại xét theo học bạ) trong khi nguyên tắc trúng tuyển 1 NV cao nhất lại chỉ áp dụng với diện xét kết quả thi. Do đó vẫn không loại trừ được ảo cho dù chính các trường này có tham gia nhóm. Ông Thanh đề xuất: “Nên chăng những trường này xét diện học bạ trước và yêu cầu TS xác nhận nhập học trước khi xét kết quả thi, xem như NV học bạ của TS là NV1?”.
PGS Hoàng Minh Sơn thì cho rằng Bộ cần xem lại việc một số trường xét học bạ đưa ra yêu cầu TS trúng tuyển phải xác nhận nhập học sớm trước khi có kết quả của các trường xét tuyển căn cứ vào điểm thi. Như thế là làm khó cho TS và không công bằng với các trường khác. Ông Sơn nói: “Nếu TS không xác nhận nhập học thì cũng sẽ lo, lỡ không đỗ trường yêu thích xét bằng kết quả thi. Còn xác nhận nhập học cũng dở vì biết đâu sẽ đỗ trường sau?”.
Vấn đề này cũng được các trường phía nam đặt ra. Theo đại diện một trường ĐH tại TP.HCM, việc chống ảo chưa thực sự hiệu quả nếu dữ liệu xét tuyển không lọc ra được số lượng TS đã trúng tuyển bằng các phương thức khác trước khi tham gia vào phần mềm xét tuyển chung như xét tuyển học bạ, xét tuyển thẳng… Đặc biệt, trong năm nay bên cạnh số lượng lớn TS trúng tuyển bằng học bạ vào các trường ngoài công lập, nhiều trường ĐH công lập lớn cũng tuyển thẳng học sinh giỏi các trường phổ thông từ kết quả học bạ.
Theo Bộ GD-ĐT, các trường ĐH tốp trên dùng kết quả học bạ là một trong các tiêu chí để xét tuyển TS giỏi thường sẽ ra thông báo trúng tuyển trước kế hoạch của Bộ, nên Bộ sẽ xem đề án tuyển sinh cụ thể từng trường để loại ra khỏi dữ liệu xét tuyển chung những TS đã trúng tuyển bằng phương thức khác. Như vậy, năm nay học sinh các trường THPT chuyên, năng khiếu và trường có điểm thi THPT quốc gia cao 2 năm trước sẽ chỉ còn một cơ hội trúng tuyển. Nếu đã trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển học bạ, TS đó không được tham gia xét tuyển bằng kết quả thi.
Theo: (Giáo dục/TNO)