(hieuhoc_hieuhoc.com). Làm việc gì, nếu xác định rõ mục tiêu đúng đắn thì mới dẫn đến thành công. Riêng với “việc học” ngày càng phức tạp, “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, thậm chí có nhiều thứ hoàn toàn không cần thiết để học, chúng ta lại càng cần phải xác định rõ mục tiêu nào là thiết thực nhất để ưu tiên cho học tập.
Con người không ai là hoàn mỹ và cũng bởi khả năng chỉ có giới hạn nên không thể ôm đồm học tất cả, nhất là phí thời gian để học những “kỹ năng sống” như “rửa chén, quét nhà”! Phụ giúp gia đình là việc tốt, rửa chén, quét nhà là việc nên làm khi cần làm, nhưng đó không phải là kỹ năng sống gì cả, lại càng không cần tốn công “rèn luyện” (vì đến lúc cần, tự khắc sẽ làm được).
Nên có định hướng, xác định rõ mục tiêu thiết thực cần để học, đó là:
Kiến thức: Những gì cần biết và những gì cần phải học cho tốt ở trường (cho dù là không thích).
Thái độ: Cách nhìn nhận cuộc đời và tự đánh giá bản thân.
Thích nghi và sáng tạo là hai phẩm chất quan trọng của con người trong thời đại ngày nay. Việc làm quen với các môn học về kỹ năng sống như: Giao tiếp, thuyết trình, làm việc theo nhóm, khả năng lãnh đạo, tổ chức, giải quyết các vấn đề khác trong cuộc sống… sẽ giúp bạn thêm tự tin, biết cách xử lý mọi tình huống trong cuộc sống và quan trọng hơn là khơi gợi những khả năng tư duy sáng tạo, biết phát huy thế mạnh của bản thân… Nhưng đó chỉ là sự khởi đầu, bởi kỹ năng sống là “thái độ thích nghi” với nhiều vấn đề phức tạp trong cuộc sống, đó là biết chấp nhận, biết yêu thương và không sợ hãi; biết tôn trọng mình và tôn trọng người, đó là cái học lâu dài suốt đời. Kỹ năng sống này không thể có được từ lý thuyết suông, lại càng không phải là những “kỹ năng” như xếp dọn mùng mền gối chiếu!.
Kỹ năng nào cũng được “quảng cáo” là hay ho! “Lui cui rửa chén quét nhà” được đề cao là kỹ năng cần thiết để “quan tâm người khác”, “xếp dọn mùng mền” là để “quản lý bản thân”, họ nói thế. Nhưng mặc kệ, bạn không cần quan tâm (để khỏi tốn tiền, phí thời gian) mà nên xác định rõ mục tiêu thiết thực nhất mà bạn cần phải hoàn thành. Một khi mục tiêu đó là học kiến thức ở nhà trường, thì phải dành thật nhiều hoặc tất cả thời gian và tâm trí cho nó trước đã. Nếu nghiêm túc trong học tập thì chắc chắn cơ hội thành công của bạn trong công việc sau này sẽ lớn hơn.
Thế nào là thích nghi với việc học hiện tại? Than thở, trách móc, chán ngán không phải là cách hành xử của “tính thích nghi”. Nào là: kiến thức từ các trường học không có chất lượng, chỉ toàn là kiến thức kiểu nhồi nhét, v.v… Ừ! Các bạn có quyền “a-dua” phê phán để thể hiện “tư duy sâu sắc” của mình, nhưng phê thì phê, phán thì phán, nhiệm vụ ưu tiên số 1 vẫn nên là và phải là học thật tốt chương trình “phải” học đó. Vả lại, chẳng phải bạn đang học là để có bằng cấp càng cao càng tốt đó sao? Và trên thực tế, n hà tuyển dụng không cần những người “cái gì cũng biết”, lại càng không quan tâm đến kỹ năng quét rác, dọn dẹp nhà cửa của bạn, mà cái đánh giá ban đầu của họ chính là điểm số của tấm bằng (xem bạn đã học hành như thế nào).
Ngoài ra, bạn cũng nên dành thời gian đáng kể cho ngoại ngữđể đào sâu chuyên môn (ít nhất một ngoại ngữ). Không ngoại ngữ, chuyện trở thành “nhân sự cao cấp” chỉ là chuyện xa vời…. Nhất là trong những chuyên ngành về khoa học-kỹ thuật, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các công nghệ mới cũng như làm các đề án nghiên cứu hay luận văn chuyên sâu. (Học hành không chỉ đòi hỏi sự say mê, chuyên cần, mà còn tiêu tốn rất nhiều thời gian). Vì thế, bạn cần phải biết chọn những mục tiêu ưu tiên để đầu tư công sức. Đừng đòi hỏi con người hoàn mỹ, đừng a-dua, ôm đồm “chạy” học lung tung thứ. Học kỹ năng sống nhưng không cần phải đóng tiền, không cần tập trung lại để học cách rửa chén, quét nhà. Bạn có thể học kỹ năng sống ngay trong môi trường chung quanh bạn, ngay tại đây và ngay bây giờ:Đó làcách quan hệ đối xử của bạn với mọi người chung quanh và cụ thể, dễđánh giá nhất chínhlà thái độ “học” của bạn.
Hẳn nhiên cũng tùy hoàn cảnh của mỗi người, có những bạn phải kiếm sống, phải phụ giúp gia đình nênkhông có nhiều thời gian để học. Nhưng nếu bạn có điều kiện thì hãy dành tất cả cho việc học chuyên ngành của mình, đừng quá ôm đồm. Sự phân công, sự chuyên nghiệp hóa ngày càng rõ rệt trong xã hội. Ví dụ:đâu phải ai cũng có thể tự chữa bệnh, tự bào chế thuốc cho mình, mà phải nhờ các bác sĩ, các dược sĩ (các vị này lại nhờ người khác khi gặp việc khác). Nên nếu bạn không biết xây nhà, không biết sửa xe, không thể móc cống – hút hầm … mà phải nhờ người khác thì cũng là chuyện bình thường. Vì thế, không cần học lung tung đểtrở thành”người tháo vát” làm gì (để rồi chẳng có cái học nào ra cái học nào)!
Tóm lại, để thực hiện được điều mình muốn, các bạn trẻ cần học cách làm chủ bản thân. Đó là nhân cách, là thái độ sống: Biết thích nghi, không sợ hãi và có lòng tự trọng, đó là cái học cần duy trì liên tục suốt đời. Còn nhiệm vụ trước mắt là phải xác định rõ mục tiêu cụ thể nhất, mục tiêu cần thiết nhất ngaylúc này.Ưu tiên dồn nhiều thời gian và tâm trí để phấn đấu hoàn thành mục tiêunày trước đã, từng bước như vậy bạn mới có thể đi đến thành công.
Chúc các bạn đạt nhiều thành tựu trong học tập.
Văn Hoàng Chương (hieuhoc_hieuhoc.com).