Trong xu thế nhiều người ở các tỉnh đổ dồn về các đô thị lớn thì một số người ở thành phố lại sẵn sàng bỏ các điều kiện thuận lợi đang có như nhà ở, công việc thu nhập tốt, khả năng thăng tiến… để về các tỉnh lẻ hoặc nông thôn làm việc. Đơn giản, họ muốn tạo lối đi riêng cho mình và tự trả lời câu hỏi: Tôi cần gì?
Khám phá bản thân, khẳng định sức trẻ
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành ngoại thương, Nguyễn Hoàng Độ, chàng trai chính gốc Hà Nội, lại chọn nghề hướng dẫn viên du lịch tại Phan-xi-păng, đỉnh núi cáo nhất Đông Dương và cách nơi mình sinh ra và lớn lên tới 400 km.
Ít nói và càng không muốn nói nhiều về bản thân nhưng luôn là một hướng dẫn viên tận tình hướng dẫn và giới thiệu cặn kẽ về lịch sử, văn hóa cũng như tập tục của con người và vùng đất Lào Cai. “Có lẽ nó đã ngấm vào máu mình rồi. Ngày nào không đi hướng dẫn đoàn là ngày ấy thấy trông trống thế nào”, Độ nói.
Những ngày không có tour hướng dẫn khách leo núi, Độ lại khoác ba lô đi vào các bản ở sâu trong núi để giao lưu và tìm hiểu thêm phong tục của người Dao, người H’Mông… Nhiều hôm đến tận khuya mới về. “Đi bộ cả ngày nhưng không thấy mệt bằng phải ngồi tiếp rượu. Đồng bào ở đây còn nghèo nhưng hiếu khách lắm, từ chối là bị xem thiếu chân tình. Họ cứ mời uống suốt mà không cho về, có nhà còn nói sẽ ‘bắt’ làm rể nữa”. Độ vừa nói vừa tủm tỉm cười. “Cũng nhờ những chuyến đi thực tế như vậy mà kiến thức của mình về con người và vùng đất này thêm phong phú và hiểu sâu hơn. Mặt khác, mình cũng muốn kết hợp đi để có thể liên kết với người dân tại đấy làm du lịch. Một số khách, nhất là khách người nước ngoài, sau khi leo núi muốn đến xem và tìm hiểu thực tế cuộc sống, các nét văn hóa thường ngày của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây như thế nào”.
Nhắc đến chuyện vì sao không chọn làm ở Hà Nội với nhiều cơ hội và điều kiện tốt hơn, Độ hơi trầm ngâm một chút rồi kể: “Ban đầu, chỉ là ý định chinh phục đỉnh núi cao 3.143 mét tại đây. Thế rồi, sau chuyến đi hai ngày một đêm ấy, mình cảm giác vùng đất này có sức hút kỳ lạ. Quyết định quay lại tìm việc làm tại Sapa đã bị gia đình ngăn cản kịch liệt vì với chuyên ngành đã học, không khó để tìm một công việc có mức thu nhập khá ở Hà Nội, cần gì phải lên xứ ‘khỉ ho cò gáy’ ấy. Một điều khác mình là con trai duy nhất trong nhà, bố mẹ không muốn cho đi xa như thế”.
Sau một thời gian thuyết phục, phân tích, Độ đã làm bố mẹ cậu xiêu lòng nhưng kèm theo điều kiện: hai tuần phải về nhà một lần. “Ở Hà Nội từ bé đến lớn, mình thấy điều kiện sống ngày càng kém đi dù kinh tế có đi lên. Ngán ngẩm sự chật chội và ô nhiễm, lúc nào cũng chực gây nên sự căng thẳng mệt mỏi không cần thiết. Một điều quan trọng khi chọn nghề hướng dẫn viên du lịch vì mình rất muốn thử sức trong lĩnh vực hoàn toàn mới, không kém phần thú vị trên vùng đất mù sương Sapa này. Cuộc sống ở đây yên bình trôi đi chậm rãi nhưng lúc cần thì cũng sôi nổi và mạnh mẽ không kém”, Độ phân tích.
Ở lại với đam mê
“Có đi và thực tế nhìn thấy những cây thông đỏ hàng nghìn năm tuổi bị đốn hạ mới thấy xót xa và đáng tiếc như thế nào”. Chính vì thế mà ngay sau khi ra trường vào năm 2008, cậu thanh niên 23 tuổi tên Hồng Lam đã gạt bỏ những ưu đãi về điều kiện sống cũng như cơ hội việc làm ở Sài Gòn, khăn gói lên đường xin làm nhân viên giữ rừng.
Ngay từ khi còn theo học năm thứ ba tại cơ sở 2 của trường đại học Lâm nghiệp tại Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, Lam cùng nhóm bạn đã có những chuyến đi dài ngày đến Vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà, khu vực Núi Voi của huyện Lâm Hà, Lâm Đồng để thực hiện đề tài nghiên cứu bảo vệ các quần thể cây thông đỏ hiếm hoi còn sót lại. Sau vài chuyến xuyên rừng với không ít khó khăn, 2/5 thành viên của nhóm nghiên cứu đã phải bỏ cuộc giữa chừng và đề nghị không làm đề tài này nữa. Không đành lòng thấy loại cây quý có nguy cơ bị triệt phá, Lam thuyết phục hai thành viên còn lại tiếp tục triển khai đề tài và âm thầm tiếp cận nhờ sự giúp đỡ của một số anh kiểm lâm.