(Hiếu học). Học cách xã giao, hành xử thích hợp giúp học sinh rất nhiều khi áp dụng vào một số tình huống xã hội khác nhau sau này, khi nó đã trở thành thói quen đúng mực. Sau đây là câu chuyện một giáo viên hướng dẫn học sinh học cách giao tiếp với nhau tại lớp học, rất cụ thể và thực tế.
Năm trước, tại một trường trung học cấp 3 Arizona (Mỹ), các nam sinh đã được học cách mở cửa giùm nữ sinh, kéo ghế mời bạn nữ ngồi và đứng lên khi một cô bạn bước vào lớp.
Việc đưa các bài học về phép xã giao vào lớp học là sáng kiến của Cord Ivanyi, giáo viên dạy tiếng Latin tại Gilbert Classical Academy – một trường công dự bị đại học cách Phoenix khoảng 48 km về phía đông.
“Tôi dạy những vấn đề hết sức cơ bản, có vẻ đã lỗi thời”, thầy Ivanyi phát biểu trên AOL News. “Nhưng tôi không nghĩ mình đang làm hại ai bằng cách thúc đẩy những nét truyền thống cổ điển”.
Là giáo viên suốt 14 năm qua, Ivanyi nói: “Tôi thấy hứng thú với việc bắt đầu chứng minh những gì mình cho là phép xã giao chuẩn mực, sau khi chứng kiến cảnh xử sự thô lỗ với bạn học nữ của một số nam sinh. Các trò nam đối xử với trò nữ khá cộc cằn”, anh kể. “Và rất dễ thấy trong lớp có sự chia rẽ, nên tôi quyết định phải làm gì đó để xử lý chuyện này!”
Vậy là những bài học không chính thức bắt đầu bằng “sự kiện” vào ngày nọ, Ivanyi đứng dậy sau khi một nữ sinh ra khỏi lớp để đi vệ sinh. Khi em này quay về phòng học, thầy vui vẻ mở cửa chào đón. “Cô bé buồn cười ra mặt”, Ivany nhớ lại. “Và những em khác cũng cười khúc khích”. Tuy nhiên, Ivanyi đã sớm dạy cho nam sinh lớp 10 biết mời nữ sinh “an tọa” bằng cách kéo ghế ra và đẩy vào vừa tầm trước khi bạn nữ ngồi xuống. Để thể hiện sự tôn trọng, các chàng trai được khuyến khích đứng dậy bất cứ khi nào một cô bạn của họ bước vô lớp.
Cách cư xử từng được cho là rất xa lạ nay đã trở thành thói quen. “98% nam sinh giờ đây thường đứng lên khi có bạn gái nào đó đặt chân vào phòng học. Còn các nữ sinh thì rất thích điều đó!”, Ivanyi chia sẻ. Kết quả của việc nhấn mạnh phép lịch sự là không khí trong lớp thay đổi đáng kể.
“Có một chiều hướng chung khác biệt tại lớp này, một kiểu lực hút gắn liền với các cô gái. Phe tóc dài càng lúc càng nữ tính hơn trong mắt những bạn nam”, Ivanyi nhận xét. “Tất cả nữ sinh đang đọc tiểu thuyết Jane Austen trong lớp. Với các em, kiểu nam nhi lịch lãm không hề lỗi thời chút nào!”
Melissa Leonard, một trợ giáo về phép xã giao ở New York có thâm niên giảng dạy 13 năm, hết lời khen ngợi nỗ lực của đồng nghiệp Ivanyi: “Tôi nghĩ thật tuyệt khi cho các em thực tập các nghi thức xã giao!”. Theo Leonard, việc học cách hành xử thích hợp giúp học sinh rất nhiều khi áp dụng vào một số tình huống xã hội khác nhau, nhưng đáng buồn là quá ít em hiểu được những điều căn bản.
“Có vài nguyên tắc cơ bản quan trọng mà trẻ em cần học, chẳng hạn như nhìn vào mắt người đối diện khi trò chuyện cùng họ”, Leonard phân tích. “Và nhà trường nên dạy những điều ấy, đặc biệt khi nghi thức xã giao không được giáo dục tại nhà”. Nhưng liệu việc dạy xã giao thiên về giới tính như thế có tạo thêm định kiến về phân biệt giới tính?
Hiệu trưởng trường Gilbert là Brian Rosta nhấn mạnh các bài học của thầy Ivanyi không thuộc chương trình giảng dạy chính thức của trường. Rosta chưa có kế hoạch mở rộng việc rèn luyện phép lịch sự, nhưng ông tin chắc trường học có thể đóng vai trò chủ chốt trong việc chỉ dẫn học sinh cách cư xử đúng mực.
“Chúng tôi thường sử dụng cụm từ Latin “Loco parentis” (thay cho cha mẹ), thỉnh thoảng chúng tôi nhận thấy mình cần lấp đầy khoảng trống mà nhiều phụ huynh đã bỏ lỡ”, ông Rosta phát biểu. “Nếu có bất kì kỹ năng sống nào giáo viên của trường có thể hướng dẫn cho học trò, tôi sẽ rất khuyến khích”.
Hơn nữa, phụ huynh của những em học trong lớp thầy Cord Ivanyi cũng không cảm thấy phiền lòng. (Thầy Cord Ivanyi và chú chó cưng Toby. -”Tôi bắt đầu tích hợp các bài học xã giao, lịch sự để đáp ứng hiện trạng đáng buồn trong lớp học của chúng tôi).
Hiệu trưởng Rosta tươi cười tiết lộ: “Điều lo ngại duy nhất tôi từng nghe là nhiều cha mẹ gọi tới vì họ muốn và để đảm bảo con gái họ biết nói “lời cảm ơn” tới các chàng trai!”
Theo: Teacher Emphasizes Old-Fashioned Etiquette (AOL News)
Nghi Quân. (hieuhoc_hieuhoc.com).