(hieuhoc_hieuhoc.com): Đảm bảo sự vận hành trơn tru cho website, kịp thời giải đáp thắc mắc của khách hàng trực tuyến là những công việc thường nhật của webmaster. Ẩn mình đằng sau những trang web, công việc của họ là âm thầm nhưng vô cùng quan trọng.
Webmaster – anh là ai?
Đến với một website, người ta thường thấy một địa chỉ email nho nhỏ để liên hệ với người quản trị web, thường là webmaster@abc.com hay admin@abc.com. Cái “chức danh” webmaster nghe có vẻ quen thuộc với hầu hết cộng đồng internet. Nhưng ít ai hiểu rõ webmaster là ai, làm những việc gì, càng không biết đó là một nghề quản lý hẳn hoi. Internet băng rộng càng phát triển, nhu cầu online trong cộng đồng người dùng net càng tăng, webmaster đang là một nghề hot ngầm rất hấp dẫn đối với người yêu mạng. Không xuất hiện trước công chúng, không lên truyền hình, không hội họp rầm rộ, không cần văn phòng riêng, webmaster vẫn là người quản trị cao cấp nhất của một website theo đúng nghĩa đen của nó. Webmaster có thể không là người chủ trang web. Tương tự như chủ một công ty chưa chắc là người điều hành công ty.
Công việc của người quản trị website
Nhiều người đứng trước một ngành nghề mới đều không khỏi tò mò muốn biết công việc cụ thể của người làm việc. Webmaster là một công việc quản lý, có nhiều điểm tương đồng với những công việc quản lý khác nhưng cũng có những đặc trương riêng. Nhìn chung, công việc quản trị web bao gồm:
– Quản trị về kỹ thuật
– Quản trị về mặt nội dung
– Quản trị về mặt kinh doanh
Do tầm cỡ của các website rất khác nhau và lĩnh vực trên internet cũng hết sức đa dạng nên không thể nói công việc của người webmaster là cụ thể là làm việc gì. Ở những website nhỏ, webmaster có thể kiêm luôn công việc là người lập trình web, nhập liệu, nhưng ở những website lớn, có cơ sở dữ liệu lớn và thay đổi liên tục, người quản trị web không thể tự mình làm mọi thứ mà chỉ quản lý điều hành công việc chung, sao cho website ngày càng phát triển về chất cũng như lượng người truy cập.
Cần có những kiến thức gì để làm tốt công việc quản trị web?
Câu hỏi này cũng như câu hỏi làm thế nào để trở thành giám đốc. Không có trường lớp cụ thể nào đào tạo người ta làm giám đốc, nhưng để trở thành giám đốc giỏi thì phải học qua những trường lớp đào tạo quản lý và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong quá trình làm việc. Công việc của người quản trị web là điều hành cả về mặt kỹ thuật, nội dung lẫn kinh doanh cho website, anh ta có thể không giỏi trong từng mặt cụ thể nhưng hiểu rõ từng chi tiết của website là điều cần thiết.
– Webmaster thường xuất thân từ vị trí thiết kế, lập trình web hay từ vị trí biên tập viên. Webmaster cần có kiến thức về mạng, an ninh mạng và kỹ thuật mạng để giải quyết những vấn đề bảo mật hay công nghệ cho trang web. Đối với những website lớn, sắp xếp bố cục trang web, lập trình thiết kế web theo công nghệ nào, ngôn ngữ nào là vấn đề lớn. Làm sao cho trang web của mình phản ứng nhanh với nhu cầu người dùng mà vẫn an toàn, hiệu quả.
– Webmaster phải am hiểu về lĩnh vực mà website mình đang cung cấp. Có thể người quản trị web không có khả năng biên tập, nhưng phải hiểu rõ nội dung đang tải trên website, dịch vụ website mang đến cho khách hàng và tình cảm mà người dùng dành cho trang web. Từ đó có những thay đổi, cập nhật kịp thời về mặt nội dung, đáp ứng nhu cầu của người theo đúng sự phát triển của thị trường.
– Người quản trị web còn phải có khả năng quản lý. Chắc chắn một người không thể thông thạo và gánh vá nổi tất cả công việc để tạo nên một trang web, nên mỗi người, mỗi bộ phận sẽ chịu trách nhiệm một phần. Mảng lập trình, mảng thiết kế banner, mảng biên tập,… người quản trị web phải quản lý được tất cả những con người này và hướng họ làm việc theo đúng kế hoạch phát triển của website. Từ đó mang lại lợi nhuận cho trang web, cũng là lợi nhuận cho từng thành viên của trang web đó.
Con đường để trở thành một webmaster?
Nhìn vào công việc cụ thể mà webmaster phải đảm đương, không ai dám cho rằng đây là một nghề nhàn hạ dễ xơi. Đúng vậy, quản lý chưa bao giờ là việc dễ. Một số người đến với công việc webmaster qua trường lớp, nhưng nhiều người khác lại đến với công việc này thật tình cờ. Ngày nay, lương tháng của một webmaster cho một trang web loại khá, có tương tác người dùng hay nhằm mục đích kinh doanh là khá cao, có thể trên 10 triệu đồng. Tuy nhiên, mức lương này còn thay đổi tùy theo quy mô và lĩnh vực hoạt động của trang web.
Bạn không thể trở thành một webmaster với mức lương cao chót vót ngay trong một thời gian ngắn. Bạn cần thời gian để tích lũy kỹ năng chuyên môn cũng như kinh nghiệm để có thể làm tốt với nghề. Hãy theo học những khóa học về công nghệ thông tin, quản trị mạng ở những địa chỉ đáng tin cậy trên Hiếu Học, làm tốt công việc của mình một vài năm, rồi học thêm nhiều khóa học khác về lập trình web, tích lũy thật nhiều kinh nghiệm, bắt đầu ở vị trí webmaster cho những trang web nhỏ. Sau vài năm, bạn sẽ có được vị trí cũng như mức lương mà nhiều người mong ước.
Nhìn chung, webmaster là một nghề mà điều kiện cần không nhất thiết phải gồm tấm bằng đại học. Nếu bạn là người yêu thích công nghệ thông tin, thường xuyên tìm hiểu về internet, có hoài bão làm chủ thế giới số, hãy bắt đầu ngay để thực hiện ước mơ của mình – trở thành webmaster chuyên nghiệp, một ngày nào đó, bạn sẽ quản lý trang web của riêng mình.
Học nghề webmaster ở đâu?
Bạn có thể học chuyên ngành Công nghệ thông tin trong các trường ĐH như ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Hùng Vương, Hồng Bàng… hoặc ở các trường cao đẳng, trung cấp. Bạn cũng có thể học các khóa học Lập trình hay Hệ thống mạng mà thông tin đã được Hiếu Học đăng tải.
Minh Đức