“Tôi vượt qua được thử thách đơn giản vì biết kiên trì với đam mê”, – cô thủ khoa tốt nghiệp xuất sắc ĐH Bách khoa Hà Nội tiết lộ bí quyết học giỏi của mình:
Bản lĩnh vì có tuổi thơ dông bão
Sinh ra và lớn lên ở miền trung du Phú Thọ, mẹ làm việc ở một bệnh viện trên tỉnh, bố công tác tại Hà Nội, Thư và em trai sống cùng ông bà nội, từ nhỏ đã phải tự lập nhiều thứ, từ sinh hoạt hằng ngày đến chuyện học hành. Học đến lớp 9, cả nhà quyết định chuyển Thư xuống Hà Nội cùng bố, ba năm Thư theo học phổ thông tại một trường ở huyện ngoại thành Từ Liêm.
Một thời gian dài cô học trò tỉnh lẻ nhút nhát đã phải thu mình lại trước môi trường mới xa lạ. Mấy năm sau, bố mẹ Thư tích cóp mua được căn nhà ở thị xã Hà Đông, thêm một lần Thư chuyển chỗ ở mới, lại phải làm quen cuộc sống mới từ đầu. “Bố đi làm tối ngày, mẹ và em trai ở quê, nhiều lúc thấy buồn và tủi thân vì xung quanh mình chẳng có người thân…”, Thư nhớ lại. Thế nhưng chính hồi đó thấy bố mẹ phải vất vả bươn chải, chịu nhiều thiệt thòi đã khiến cô càng ý thức được phải sống tốt để đỡ đần cho gia đình. “Cuộc sống khó khăn, thiếu thốn tình cảm càng giúp mình bản lĩnh hơn”, Thư chia sẻ.
Khi Thư chuẩn bị thi ĐH, cả gia đình họp lại, bố mẹ khuyên Thư nên học ngành tài chính ngân hàng hoặc một ngành gì đó về kinh tế, thế nhưng Thư vẫn một mực thi vào ngành khoa học và công nghệ vật liệu của ĐH Bách khoa. Năm đó khoa lấy 22,5 điểm thì Thư thi đỗ với 28,5 điểm. Thư là một trong ba cô gái theo học ngành vật liệu – vốn bị coi là khô khan và “khó xơi”.
Cô học trò ngoan… hay cãi
Bạn bè thường đùa ngành Thư đang theo học là ngành “nam học”, xếp ngang với các ngành điện, điện tử, cơ khí… Ở lớp tài năng của Thư, tất cả giáo trình, giảng dạy đều sử dụng tiếng Anh. Thư cho biết nhiều tiết học thực hành ở xưởng, nhiều giờ thí nghiệm cô phải hì hục đánh vật với những con bulông, ốc vít cồng kềnh, thô ráp. Thế nhưng, cuối cùng những thao tác phay, bào, tiện, mài bóng, lấy ren… vốn khiến con trai sức vóc cũng toát mồ hôi hột thì Thư vẫn làm xong ngon lành, đơn giản “chỉ vì mê”.
Từ hồi còn học cấp II Thư bị bạn bè nhận xét là hay “bật”, bất cứ chuyện gì Thư cũng đưa ra quan điểm riêng của mình và bảo vệ quan điểm ấy đến cùng. Nhiều tiết học nhóm ở nhà bạn hay trên giảng đường, Thư luôn tìm tòi cách giải bài riêng ngắn gọn và thú vị hơn nhưng cùng cho ra một đáp số. Hài lòng với cô học trò thông minh, nhiều giáo viên từng mắng yêu Thư là “cô học trò ngoan… hay cãi”.
Thư cho biết cô vừa hoàn thành phỏng vấn thi tuyển làm giảng viên tại Trường ĐH Bách khoa. Hiện Thư đang hoàn tất các thủ tục để nhận công tác tại trường. Trước đó, Thư đã phải đứng trước một lựa chọn khó khăn, khi từ chối cơ hội về làm trợ lý cho một giám đốc công ty là người nhà với lời hứa hẹn thu nhập cao và cơ hội thăng tiến, để quyết định đứng trên bục giảng. “Cuộc sống trước mắt của giảng viên trẻ chắc chắn còn nhiều vất vả, khó khăn, nhưng đã lỡ mê rồi không bỏ được, lại phải tiếp tục đưa “cái mê” ra để chọi với khó khăn thôi”, Thư lạc quan chia sẻ.
Thiếu mẹ bên cạnh nhưng vẫn mạnh mẽ
Khi nhắc đến con gái, bà Nguyễn Tuệ Anh – mẹ Thư – đã bật khóc vì xúc động. Bà Anh cho hay do điều kiện công việc nên từ nhỏ Thư không có mẹ ở bên cạnh thường xuyên, phải chịu nhiều thiệt thòi và vất vả. Thế nhưng, Thư đã mạnh mẽ lo toan mọi việc và tự mình phấn đấu để đạt đến thành công. “Gia đình bà đặt trọn niềm tin vào con gái hiếu thảo”, bà Tuệ Anh xúc động nói.
Theo: (Nhịp sống trẻ/TTO)