(hieuhoc_hieuhoc.com) Trong môi trường làm việc hiện nay, là nhân viên, bạn phải làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi? Sợ bị khiển trách, bị sa thải hay sợ mắc kẹt trong công việc buồn chán khiến bạn luôn cảm thấy lo lắng và bất an. Đặc biệt, khi nhiều nhà quản lý lợi dụng điều này để kiểm soát và ép nhân viên làm việc quá sức.
Dưới đây là những nỗi sợ hãi thường gặp trong môi trường làm việc và cách nhận biết để vượt qua:
Bị sa thải
Với tỉ lệ thất nghiệp cao như hiện nay, bị sa thải là một thực tế đáng lo ngại đối với rất nhiều nhân viên. Tuy nhiên, bạn có thể đối mặt với nỗi sợ này bằng cách tích cực xây dựng mạng lưới quan hệ.
Tiến sĩ Michael Woodware, một chuyên gia nghề nghiệp, khuyên: “Dù bạn không biết trước liệu mình có bị sa thải hay không, nhưng hãy chủ động liên kết với cộng đồng nghề nghiệp của mình. Bạn nên tham gia các hiệp hội nghề nghiệp, câu lạc bộ hay tổ chức chuyên nghiệp… Hãy nhớ rằng người mất việc nhưng có chuẩn bị sẵn sàng sẽ nhanh chóng tìm được việc mới, bạn khác với người thất nghiệp ở chỗ: bạn có được một mạng lưới quan hệ mạnh mẽ”.
Sợ không đảm nhận được công việc
Khi công ty cắt giảm ngân sách hay thu nhỏ quy mô, một số nhân viên sẽ bị sa thải. Khi đó những nhân viên tốt sẽ phải đảm nhận thêm nhiều công việc hơn. Đây có thể là một cơ hội để mở rộng kỹ năng và làm tăng giá trị bản thân trong tương lai. Nhưng đồng thời điều này sẽ gây ra sự mệt mỏi trong công việc, đặc biệt nếu nhiệm vụ mới không phù hợp với nền tảng kỹ năng của bạn dễ dẫn tới tình trạng quá tải, stress.
Trong tình huống này, Woodward khuyên bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ sếp và đồng nghiệp. Thay vì đắm chìm trong sự căng thẳng, hãy mạnh dạn đề nghị sếp giúp bạn sắp xếp và phân chia thứ tự ưu tiên công việc.
Sợ không được thăng tiến
Thông thường, nhân viên trẻ tuổi sẽ cảm thấy như bị “mắc kẹt” khi không được giao những dự án nhiều thử thách giúp họ thăng tiến trong công việc. Còn nhân viên có kinh nghiệm hơn thoát khỏi tình trạng đó bằng cách “nhảy việc”, bởi thật khó chấp nhận nếu cứ tiếp tục làm việc như một nhân viên quèn với việc photo tài liệu hay pha cà phê.
Myers đưa ra lời khuyên cho những người rơi vào nỗi sợ này: “Nhân viên thông minh không chỉ làm như những gì sếp nói. Bạn nên kiên trì thực hiện những việc nhỏ nhặt, tiến lên từng bước với dự án nhiều thách thức hơn. Nhớ rằng giờ không còn là thời thụ động chờ đợi sếp tiến cử. Đã đến lúc bạn tự quyết định bước tiếp theo của mình”.
Sợ bị trách mắng
Việc bị sếp mắng hoặc chỉ trích trước mặt người khác có thể sẽ tác động xấu tới tinh thần làm việc của bạn. Myers khuyên nhân viên nên chọn cho mình một văn hóa làm việc phù hợp, và hãy mạnh dạn thảo luận với sếp về cách tương tác giữa sếp với nhân viên, giữa nhân viên với nhau trong công sở.
Và khi bị sếp lớn tiếng, hãy cố gắng giữ bình tĩnh, tránh phản ứng và chỉ giải thích khi sếp nói xong. Tất nhiên, tình huống này chỉ xảy ra khi bạn phạm sai lầm và nếu làm việc tốt, đây sẽ không phải là nỗi lo.
Xây dựng lòng tự tin cho chính mình.
Riêng trong môi trường làm việc, còn có những nỗi sợ hãi khác tùy theo hoàn cảnh từng người, có thể đó là sự lo sợ chính đáng, cũng có thể chỉ là nỗi lo sợ mơ hồ, tự làm khó cho bản thân. Vì vậy, để vượt qua nỗi sợ, phương cách tích cực nhất là nhận biết nó và xây dựng lòng tự tin cho chính mình.
– Dù bạn là ai và bạn đã đạt được những gì trong cuộc sống, thì sẽ luôn có người khác hơn bạn, họ có thể đẹp hơn, nhiều tiền hơn và thành công trong sự nghiệp hơn… Để không phải chịu nhiều ưu tư do ghen tị, bạn “Đừng so sánh mình với người khác”,đừng so sánh mình với bất kỳ ai mà hãy hiểu mình là ai và trân trọng những gì bản thân có.
– Có thể bạn thường cảm thấy sợ hãi vì luôn buồn phiền với những nhược điểm có thật và không có thật của bản thân. Hãy học cách nhận biết, đánh giá đúng bản thân , lập một danh sách những ưu điểm của bản thân, tập trung và phát huy những thế mạnh, bạn sẽ thành công và thoải mái hơn bằng cách của riêng mình.
– Sống cởi mở sẽ giúp bạn có thêm sức khỏe, không sợ bị buồn chán vì cô đơn, luôn nhận được sự giúp đỡ lúc bạn khó khăn… Những khi bạn được khuyến khích và chấp nhận, bạn cảm thấy tích cực, thì bạn sẽ cảm thấy mình tự tin hơn.
Bạn không thể vượt qua nỗi sợ bằng cách tránh né nó, mà hãy nhận biết nỗi sợ qua những thách thức trong cuộc sống. Khi bạn hành động – bất kể kết quả sau đó thế nào, bạn cũng sẽ cảm thấy tốt hơn về bản thân, ít nhất là khi bạn đã cố gắng hết sức. Bởi vì, khi bạn có thái độ tích cực thì bạn sẽ có kết quả tích cực. Vì vậy, để vượt qua nỗi sợ, bạn hãy luôn hành động, sẵn sàng chấp nhận để thay đổi và xây dựng lòng tự tin cho chính mình.
Chúc bạn thành công
Gia Nghi (hieuhoc_hieuhoc.com)