Không chỉ vượt khó, hai tân sinh viên nghèo ở tỉnh Khánh Hòa này còn vượt qua chính mình để tiếp tục đến trường. – Đó là Nguyễn Đại Nghĩa – tân sinh viên hệ chính quy ngành công nghệ thông tin Trường ĐH Nha Trang (Khánh Hòa) và Nguyễn Toản – tân sinh viên ngành xây dựng Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM.
Quá khứ học sinh cá biệt…
Ba bị bệnh rồi qua đời năm 2007. Mẹ bán rau quả “chui” ở chợ, rồi đi làm thuê nuôi ba anh em ăn học. “Có lẽ gia cảnh như vậy tạo cho em một cá tính lạ. Suốt những năm cấp I và cấp II em không chịu học, chỉ ham nói chuyện, đánh lộn, quậy phá… Em trở thành học sinh cá biệt!” – Nghĩa nhớ lại. Dù vậy, Nghĩa vẫn được nhà trường ưu ái cho lên lớp và tốt nghiệp THCS. Song khi thi chuyển cấp lên THPT, Nghĩa rớt ngay, nhận điểm 0 cả hai môn toán và văn nên phải theo học cấp III tại Trường bổ túc trung học Nha Trang 2.
“Giữa năm học lớp 10, như anh chị của mình, em đi làm thêm tự kiếm tiền học. Em phục vụ một quán cà phê vào ban đêm, mỗi tháng nhận 600.000 đồng. Chính từ đây, nhận thức về việc học tập của em đã thay đổi” – Nghĩa tâm sự. Trong quán cà phê, Nghĩa lặng lẽ quan sát cuộc sống, suy nghĩ về thân phận khác biệt của người có tri thức với những người thất học và hạ quyết tâm: phải học. Vừa ôn lại kiến thức cũ, nạp kiến thức mới và phải đi làm thêm, nhưng Nghĩa tự tiếp sức cho mình bằng ý chí: “Không bao giờ được buông xuôi!”.
Cô Nguyễn Thụy Xuân Như, giáo viên dạy toán cho Nghĩa suốt ba năm cấp III, kể: “Nghĩa có sự biến chuyển khá nhanh trong tính cách cũng như kết quả học tập. Tôi thử nâng dần độ khó của bài tập về nhà và Nghĩa chịu khó đầu tư để giải”. Học lực của Nghĩa được cải thiện, lớp 10 chỉ đạt trung bình thì lớp 11 đạt hạng khá, và lớp 12 Nghĩa là học sinh giỏi duy nhất trong lớp có 36 học sinh.
Thi đại học là thách thức quá lớn đối với một học sinh từng mất kiến thức căn bản, chỉ học trường bổ túc, lại phải vừa học vừa tăng ca làm thêm. “Em tìm ra cách học riêng cho mình để nắm bắt những điều căn bản nhất của môn học. Hai tháng trước ngày thi, em nghỉ làm thêm để vào một lớp luyện thi cấp tốc và tự học suốt ngày đêm” – Nghĩa kể.
Quyết tâm, ý chí của Nghĩa đã được đền đáp khi em đỗ đại học hệ chính quy. Hiện Nghĩa làm phục vụ bàn cho một nhà hàng ở Nha Trang vào ban đêm để có tiền tiếp tục lo việc học tập.
“Tiểu ngư phủ” vào trường kiến trúc
18 tuổi nhưng cậu cả Nguyễn Toản (xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) đã có “thâm niên” sáu năm làm chài lưới trên biển. Từ mùa hè năm lớp 7, mỗi đêm Toản cùng ba chèo thuyền ra biển thả lưới “ba màng” – một loại lưới đánh bắt cá nhỏ ven bờ – để sáng chèo vào bờ đưa mẹ mang cá lên chợ quê bán. Với thu nhập bấp bênh như vậy, cái nghèo cứ đeo đẳng gia đình Toản. Bi kịch hơn, cách đây bốn năm, khi em út mới lên 1 tuổi, mẹ Toản đã bỏ nhà ra đi…
Vậy nhưng ngọn lửa quyết tâm học tập của cậu học trò nhỏ làng biển không bao giờ tắt. “Trời trở lạnh, chiếc xuồng nhỏ của ba không thể ra biển được, cả nhà có khi phải chịu đói. Chính sự nghèo khó đã thôi thúc em quyết tâm phải học giỏi, vào đại học để sau này lo cho ba và các em” – Toản thổ lộ. Nhà không có tiền đong gạo hằng ngày nên Toản không đi học thêm. Mãi đến giữa lớp 12 Toản đánh liều xin thầy Thái Văn Thọ (giáo viên dạy toán của Trường THPT Tô Văn Ơn) được học thêm mà… không trả thù lao!
Không phụ lòng mọi người, Toản liên tục là học sinh giỏi trong ba năm THPT, đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn hóa học và thi tốt nghiệp THPT loại giỏi. Ngày Toản nhận giấy báo trúng tuyển vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM, bốn cha con mừng rơi nước mắt.
Ông Nguyễn Toàn, cha Toản, nghèn nghẹn: “Toản vào đại học không chỉ là ước mơ của cháu, mà là ước mơ của cả cuộc đời tui. Tui vay mượn của mấy người bà con và hàng xóm được hơn 4 triệu đồng để cháu nhập học. Mai sau nếu phải bán cái nhà nhỏ này để lo cho Toản tui cũng chấp nhận”. Còn Toản mới vô Sài Gòn đã tính đến việc đi dạy thêm, phát tờ rơi để giảm gánh nặng cho ba.
Theo: DUY THANH (Nhịp sống trẻ/TTO)