Vui buồn homestay

Theo lời một số du học sinh có kinh nghiệm, không phải homestay nào cũng cho bạn cơ hội thực hành tiếng Anh hay được sống trong không khí gia đình như lời quảng cáo bởi các công ty môi giới.

* Những mặt trái của homestay

Theo kinh nghiệm của một số người đã và đang ở homestay, khi quyết định ở homestay, bạn cần chuẩn bị tinh thần cho những vấn đề không mong muốn sau đây.

Không có cơ hội thực hành tiếng Anh

Trái với những lời quảng cáo, bạn ít khi được xếp vào ở với gia đình người bản xứ mà chủ yếu là những người nhập cư như Trung Quốc, các nước Nam Mĩ hay Trung Đông và không phải tất cả các gia đình chủ (host) đều có vốn tiếng Anh tốt. Ngay cả khi bạn được may mắn ở với người bản xứ, nên chủ động giao tiếp với họ, vì người Tây thường thích sự riêng tư. Sau cả ngày đi làm và về nhà ăn bữa tối, nhiều người sẽ về phòng riêng đóng cửa, do đó bạn sẽ có rất ít thời gian nói chuyện với họ. Nếu gia đình chủ mời bạn đi chơi thì đừng bao giờ bỏ lỡ vì đó là cơ hội tốt nhất để nâng cao kỹ năng giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ.

Ăn không đủ no hoặc không đủ chất

Thảo, sinh viên Đại học Melbourne, cũng than thở: “Mình sống với một bà người Trung Quốc. Vì chỉ có hai người một nhà nên bà ấy nấu nướng rất tiết kiệm và đơn giản quá mức. Một nồi cơm nấu lên ăn cả tuần và ngày nào cũng một món xào duy nhất”.
Khi gia đình chủ quá tính toán chuyện tiền nong

Trang, sinh viên Đại học Sydney, tưởng mình may mắn khi được ở với gia đình người bản xứ. Thế nhưng cô đã phải chuyển ra ngoài chỉ sau một tháng chỉ bởi gia đình chủ quá vật chất. “Gia đình ấy đang dùng Foxtel, khi mình chuyển vào thì họ yêu cầu mình phải chia tiền thì mới cho xem cùng. Họ đi chơi hai ngày cuối tuần, bảo mình ở nhà tự nấu nướng nhưng lại không cho mình ăn đồ ăn của bà ấy mà phải tự đi mua, trong khi theo hợp đồng mình đã đóng cả tiền ăn cuối tuần. Rồi gia đình chủ còn tự ra quy định một ngày không được uống quá một cốc sữa, hay trong bữa sáng không được ăn quá một lát bánh mì”.
Khi gia đình chủ không thực sự quan tâm đến sinh viên

Anh Thư, Đại học Sydney, vẫn còn nhớ cái cảm giác như người thừa khi sống homestay. “Trong bữa ăn, gia đình họ nói chuyện với nhau, không bao giờ đả động đến mình. Mình đã bắt chuyện với họ nhưng mọi người chỉ trả lời qua quýt và rồi lại lờ mình đi.”
Đây không phải trường hợp hiếm gặp, bởi nhiều người coi homestay là cơ hội kiếm tiền và khi đó homestay chỉ là một căn nhà cho thuê chứ không còn là nơi trao đổi văn hóa theo nghĩa thông thường nữa.

* Làm gì?

Tuyền, Đại học Sydney, chia sẻ: “Chọn được homestay tốt hoàn toàn là việc may rủi. Khi mình liên hệ với trường hoặc các công ty môi giới, họ xếp mình vào nhà nào thì đành theo thôi. Cũng có một số công ty cho gặp host trước khi quyết định nhưng chỉ một vài buổi gặp thì đâu nói lên được gì. Ai cũng tỏ ra thân thiện, dễ mến, có sống với nhau lâu dài mới biết được hết các thói xấu.”

Vậy thì làm thế nào để giải quyết vấn đề khi lâm vào những trường hợp tương tự như trên? Dung, sinh viên Đại học Curtin, trả lời: ” Nếu gia đình chủ quá coi trọng tiền bạc, hay can thiệp quá đáng vào chuyện riêng của bạn và bạn không thể giải quyết được thì hãy chuyển ra ngoài. Nếu bạn sống không thoải mái thì không thể tập trung học hành tốt được.”

Tuy nhiên, có những vấn đề mà bạn có thể chấp nhận và học cách sống chung với nó bởi ai cũng có mặt tốt mặt xấu. Điều quan trọng là bạn có bỏ qua được mặt xấu đó mà tiếp tục chung sống với gia đình chủ được không. Hà My, trường Taylors College, chia sẻ: “Người Úc vốn ăn uống đơn giản, nhất là khi gia đình có ít người. Từ khi sống homestay, mình hình thành thói quen ăn uống đơn giản, gọn nhẹ như thế, tiết kiệm được thời gian và tiền bạc. Khi phải đối mặt với bất kỳ sự xích mích nào, bạn nên nói chuyện thẳng thắn với họ, đừng giữ trong lòng.”

Anh Thư cho rằng bạn đã học được nhiều điều khi sống ở homestay mà ở Việt Nam bạn không để ý tới. “Hồi trước, mình luôn cho rằng cách sống của mình khá dễ chịu, những ai ở cùng sẽ chẳng có gì phải phàn nàn. Tuy nhiên, từ khi ở homestay, mình mới thấy còn nhiều điều phải sửa. Khi mình đi chơi, mình thông báo với gia đình chủ ngay cả khi mình đã quá 18 tuổi vì điều đó thể hiện sự tôn trọng những người sống cùng. Khi mỗi người đã về phòng riêng của mình, cho dù còn sớm chưa ai đi ngủ, thì mình cũng bật nhạc nhỏ. Trước đây mình là người làm việc tùy tiện, ngẫu hứng nhưng bây giờ mình phải làm việc có kế hoạch và khoa học hơn vì mọi việc mình làm sẽ ảnh hưởng đến người khác, từ việc sử dụng nhà bếp đến nhà vệ sinh. Mình cũng học cách sống khoan dung hơn, không cho mình là đúng nữa, mà luôn đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, có như vậy mới hiểu được tại sao họ lại hành động như vậy.”

Rất ít khi bạn có thể tìm được một homestay đáp ứng được tất cả tiêu chí đặt ra: cơ hội rèn luyện tiếng Anh, sự hòa nhập với các nền văn hóa khác, sự quan tâm chăm sóc như gia đình, di chuyển thuận lợi. Có những lúc bạn sẽ phải xác định tiêu chí nào là quan trọng nhất, từ đó quyết định xem có nên tiếp tục gắn bó lâu dài với homestay đó không. Trang, Đại học Sydney, sau khi ‘thoát’ khỏi gia đình người Úc, đã tìm được một gia đình khác người Trung Quốc mà bạn khẳng định muốn gắn bó suốt 3 năm còn lại ở Úc. “Tuy gia đình mới của mình nói tiếng Anh không tốt, thậm chí cha mẹ của họ mới từ Trung Quốc sang còn không biết tiếng Anh, gia đình không dư dả lắm nhưng họ đối xử với mình rất tốt. Mình luôn cảm nhận được sự quan tâm chăm sóc chân thành từ họ như sáng sớm khi mình vội đi học, không kịp ăn sáng, ông bố còn chạy theo đưa cho mình hộp cơm, hay trong bữa ăn họ luôn hỏi mình nếu không ăn được món này thì họ sẽ đi làm món khác. Mình không được trau dồi tiếng Anh nhưng lại luôn cảm thấy thoải mái trong cuộc sống, vì vậy mình muốn ở với gia đình này lâu dài.”

Theo bayvut.com

Cùng chuyên mục