Vào lúc 17g20 ngày 16-12, tại bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) trái tim của nhà cách mạng lỗi lạc, nhà khoa học, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, giáo sư Trần Văn Giàu đã ngừng đập.
Đất nước và dân tộc Việt Nam mất đi một người con ưu tú. Đảng cộng sản Việt Nam mất đi một chiến sĩ cách mạng kiên trung. Giới khoa học Việt Nam mất đi một người thầy lỗi lạc. Cả nước Việt Nam mất đi một người Anh hùng.
Giáo sư Trần Văn Giàu sinh năm 1911, tại xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Từ năm 15 tuổi ông đã lên học tại Sài Gòn rồi sang du học tại Pháp và đến năm 1930 thì bị trục xuất về nước sau khi tham gia biểu tình trước dinh tổng thống Pháp đòi hủy án tử hình đối với các chiến sĩ cách mạng tham gia khởi nghĩa Yên Bái.
Sau đó, ông tham gia cách mạng, bị thực dân Pháp bắt, kết án năm năm đày đi Côn Đảo. Tháng 4-1940, ông ra tù tiếp tục hoạt động cách mạng, rồi lại bị địch bắt đưa đi giam ở Tà Lài và sau đó vượt ngục trở về, tiếp tục hoạt động cách mạng.
Năm 1943, ông được bầu làm Bí thư xứ ủy Nam Kỳ, lãnh đạo cách mạng Tháng Tám ở miền Nam năm 1945 và được cử làm Chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến Nam bộ.
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông giữ nhiều trọng trách trong bộ máy nhà nước, tham gia công tác giảng dạy và nghiên cứu ở lĩnh vực khoa học xã hội.
Ông Trần Văn Giàu vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân (1992), danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới, giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều huân chương cao quý khác.
Bước sang tuổi 100, sức khỏe của giáo sư Trần Văn Giàu đã suy giảm nhiều. Từ mồng 9 Tết Nguyên đán năm 2010, ông được đưa vào điều trị và an dưỡng tại Bệnh viện Thống Nhất. Nhân kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 16-11 vừa qua, ông Lê Thanh Hải – Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM – đã đến thăm và chúc mừng Giáo sưtrên giường bệnh.
GS được Đảng, nhà nước, ngành y tế và gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa nhưng do tuổi cao sức yếu đã từ trần, thọ 100 tuổi.
Tổ chức tang lễ GS Trần Văn Giàu theo nghi lễ Nhà nước
Để tỏ lòng thương tiếc, tưởng nhớ GS Trần Văn Giàu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam, Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam quyết định lễ tang GS sẽ được tổ chức trọng thể theo nghi thức lễ tang cấp Nhà nước.
Linh cữu GS Trần Văn Giàu sẽ được quàn tại Hội trường TP.HCM (111 Bà Huyện Thanh Quan, Q.3 – TP.HCM). Lễ viếng bắt đầu từ 10h sáng ngày 23/12/2010 tại Hội trường TP.HCM. Lễ truy điệu sẽ diễn ra vào lúc 7h30 sáng ngày 25/12/2010 tại Hội trường TP.HCM.
Lễ An táng GS Trần Văn Giàu sẽ diễn ra ngay sau đó tại quê nhà, xã An Lục Long – huyện Châu Thành, tỉnh Long An.
Thầy Trần Văn Giàu của chúng tôi (*)
Nhớ lại 50 năm trước, khi bước lên bậc thềm của giảng đường đại học, sinh viên khoa văn chúng tôi có hạnh phúc được học những ông thầy vốn là học giả lừng danh: Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Nguyễn Lương Ngọc, Trương Tửu…
Giáo sư Trần Văn Giàu là một trong những thần tượng của chúng tôi thời đó.
Các vị mà chúng tôi trân trọng kể tên trên đây hầu hết đã về với thế giới người hiền – với Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Đình Chiểu, Võ Trường Toản… Riêng thầy Trần Văn Giàu tuổi dù đã cao, sức có giảm nhưng trí vẫn sáng, lòng vẫn son. Thầy luôn luôn vẫn là mẫu mực để chúng tôi tự hào, noi theo, vươn tới.
Nhắc đến thầy, tất nhiên chúng tôi không quên những năm dài hoạt động cách mạng rất đẹp của thầy. Một chuỗi hình ảnh nối tiếp nhau, tô đậm hình ảnh chói ngời của người chiến sĩ kiên cường: 18 tuổi gia nhập Đảng Cộng sản Pháp, 19 tuổi vào Đảng Cộng sản Đông Dương, 20 tuổi theo học Trường đại học Phương Đông (ở Matxcơva) – nơi đào tạo các nhà cách mạng cho hai đại lục Á – Phi.
Bốn lần vào tù ra khám, 12 năm bị giam cầm đày ải trong các nhà lao khét tiếng man rợ như Côn Đảo, Tà Lài; sau đó chỉ đạo khởi nghĩa thành công ở khắp các tỉnh thành phía Nam Tổ quốc với tư cách bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Rồi 23-9-1945, khi thực dân Pháp nổ súng gây hấn trở lại ở Sài Gòn, nhân dân lục tỉnh dao kiếm, súng kíp, gậy tầm vông vạt nhọn trong tay nhất tề đứng lên chặn bước tiến quân thù, thầy lại đứng đầu sóng ngọn gió với trọng trách chủ tịch Ủy ban kháng chiến Nam bộ…
Từ 1951 đường đời của thầy có bước ngoặt đầy ý nghĩa: chuyển hẳn sang lĩnh vực giáo dục và nghiên cứu khoa học. Tất nhiên hiện tượng bất thường này có nguyên nhân sâu xa. Và sau này khi ít nhiều hiểu biết, chúng tôi càng thêm kính trọng nhân cách, bản lĩnh sống của thầy: vượt trên nghịch cảnh, thị phi, thầy luôn giữ niềm tin vào lý tưởng và tổ chức, đồng thời luôn thể hiện một cách tự nhiên sự trung thực, trong sáng và lòng kiên định cách mạng.
Các thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh lần lượt được thầy góp công đào tạo trong các trường Dự bị đại học, Sư phạm cao cấp thời chống Pháp; trường Đại học Văn khoa, Đại học Sư phạm, Đại học Tổng hợp Hà Nội từ 1954 – 1975. Từ những mái trường ấy, hàng loạt trí thức cao cấp đã trưởng thành.
Riêng ngành sử học có thể nhắc đến bốn cột trụ tiêu biểu Lâm – Lê – Tấn – Vượng (Đinh Xuân Lâm, Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng). Cả bốn anh đều là đệ tử chân truyền của thầy. Cho đến mấy năm gần đây, dù tuổi đã rất cao thầy vẫn lặng lẽ, bền bỉ hướng dẫn cho một số nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ.
Tôi cứ nhớ mãi đôi câu đối của giáo sư Hoàng Như Mai mừng thầy cách đây 10 năm, nhân dịp thầy tròn 85 tuổi:
Tám lăm năm trên mặt địa cầu, có phen lội sình lầy, có phen vượt núi băng ngàn, có phen giẫm tuyết đạp băng nơi đất lạ và có phen mang xiềng gang xích sắt chốn lao tù… Đôi chân ấy bước qua thế kỷ vẫn còn dư sức lực.
Một đời sống trong lòng quần chúng, đã từng làm “phiến loạn”, đã từng điều binh khiển tướng, đã từng dạy sử luận triết trong giảng đường, lại đã từng bị kiểm thảo và phê bình quan điểm (!)… Con người này phục vụ nhân dân kể cũng lắm công lao.
100 chữ, chỉ 100 chữ thôi, nhưng đã biểu hiện chân dung tinh thần và những chặng đường đời tột cùng gian nan mà cũng không ít cay đắng của thầy Giàu của chúng tôi.
Đến thăm thầy, hơn 40 năm trước ở Hà Nội, hay bây giờ trên căn lầu tĩnh lặng ở một hẻm rộng tại TP.HCM, ít khi tôi thấy thầy rời cây bút và quyển sách hoặc tập bản thảo. Cứ nghĩ đến tấm gương cần cù tự học ấy mà anh em chúng tôi tự cảm thấy hổ thẹn – là lớp hậu sinh vậy mà chúng tôi thiếu sự kiên tâm trì chí.
Sức đọc đã quí như thế, nhưng sức viết còn đáng nể trọng hơn.
Trong hơn 50 năm hoạt động khoa học, thầy viết hơn 150 công trình nghiên cứu về triết học, tư tưởng và cả về lịch sử, văn học.
Về triết học, đáng chú ý là ba công trình mang tính tiên phong: Biện chứng pháp (1955), Vũ trụ quan (1956), Duy vật lịch sử (1957). Đây vốn là những giáo trình đại học thầy viết ngay trong mấy năm cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong hoàn cảnh sách vở còn thiếu thốn, những công trình này sớm giúp người đọc nắm bắt một số vấn đề cốt yếu, nền tảng của chủ nghĩa Mác, để bước đầu hiểu được học thuyết cách mạng này.
Về lịch sử tư tưởng của dân tộc, ngoài những bài viết công bố trên báo chí, thầy có hai công trình dày dặn, quan trọng: Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ 19 đến Cách mạng Tháng Tám (1990) và Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam (1993).
Trong hơn 1.000 trang sách của công trình thứ nhất, thầy trình bày đặc điểm và sự thất bại của ý thức hệ phong kiến và ý thức hệ tư sản trước tình hình mới của đất nước, đồng thời khẳng định tính khoa học và nhiệm vụ lịch sử của hệ ý thức giai cấp công nhân VN. Trong công trình thứ hai, thầy có cái nhìn bao quát, tập trung giới thiệu và khẳng định những giá trị tinh thần tốt đẹp của dân tộc ta trong suốt mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Thành tựu của thầy trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử hết sức đa dạng và phong phú. Hơn ai hết thầy đặc biệt quan tâm đến lịch sử cận đại và hiện đại của dân tộc. Nhiều công trình được liên tiếp công bố, công trình nào cũng qui mô cỡ vài ba ngàn trang in. Chỉ xin nhắc mấy bộ sách lớn, tiêu biểu: Chống xâm lăng (ba tập, 1956 – 1957), Giai cấp công nhân Việt Nam (bốn tập, 1961), Miền Nam giữ vững thành đồng (năm tập, 1964 – 1978)…
Khó có thể kể hết những gì thầy viết, nhưng sẽ là thiếu sót nếu không nhắc tới những công trình thầy chủ biên như Lịch sử cận đại Việt Nam (ba tập, 1960 – 1963) hoặc đồng chủ biên với nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng: Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (bốn tập, 1987), Chủ tịch Hồ Chí Minh và miền Nam Tổ quốc (ba tập, 1990).
Khác với việc nghiên cứu lịch sử, trong lĩnh vực nghiên cứu văn học thầy không dựng những bức tranh toàn cảnh hoành tráng mà có ý thức đi sâu, đột phá vào một số trọng điểm. Có khi thầy để tâm đến văn học dân gian (Họ Hồng Bàng, Truyện Thánh Gióng, Thần Tản Viên, Thần Kim Qui, Truyện Hai Bà Trưng…).
Cũng có lúc thầy nghĩ và viết về những con người và tác phẩm vang dội của văn học trung đại như Lý Thường Kiệt và những áng văn nổi tiếng của ông: “Lộ bố đánh Tống” và “Nam Quốc sơn hà”; hoặc như Bài Hịch tướng sĩ của vị tướng soái kiệt xuất đời Trần: Trần Quốc Tuấn. Nghiên cứu về văn chương cận đại, thầy đặc biệt quan tâm đến Thơ văn yêu nước nửa sau thế kỷ 19 (1970).
Cũng trong những năm chống Mỹ, thầy theo dõi tình hình văn học ở cả hai miền Nam Bắc, biểu dương cổ vũ kịp thời nhiều tác phẩm có giá trị như các tập Bất khuất, Những ngày gian khổ (1965) hoặc hai tập bút ký chính luận nổi tiếng xuất bản ngay giữa Sài Gòn tạm chiếm: Bọt biển và sóng ngầm (của Lý Chánh Trung), Cho cây rừng còn xanh lá (của Nguyễn Ngọc Lan)…
Chung một ý tưởng, một mạch cảm hứng với việc nghiên cứu lịch sử, thông qua những công trình nghiên cứu văn học kể trên, thầy muốn khái quát, khẳng định những truyền thống rất quí của dân tộc: trọng đạo lý thủy chung nhân nghĩa, tha thiết yêu nước thương dân, hiên ngang quật cường bất khuất.
Là thế hệ hậu sinh, chúng tôi rút ra được nhiều bài học vô giá từ sự nghiệp trước tác đồ sộ của thầy. Trước tiên, đó là bài học về động cơ cầm bút. Viết về lĩnh vực nào, về đề tài gì, hình như thầy đều xác định thế đứng vững vàng của một nhà yêu nước, một chiến sĩ cách mạng chân chính. Thầy muốn những trang viết tâm huyết của mình thật sự có ích cho cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước hôm nay.
Mặt khác, khi viết cái gì thầy đều tìm hiểu thấu đáo, tích lũy tư liệu hết sức dồi dào, luôn quan tâm đến những kiến thức liên ngành, tạo cho bản thân sự uyên thâm không chỉ trong lĩnh vực khoa học mà cả trong thực tiễn đời sống nữa. Giáo sư Vũ Khiêu có lý khi nhận xét: “Các tác phẩm về sử học của giáo sư Trần Văn Giàu đều có sức hấp dẫn của văn và chiều sâu của triết. Ở giáo sư trong văn có triết và trong triết có văn. Cả hai đều được lý giải vững vàng, gắn liền với sự chứng minh của sử học” (Trần Văn Giàutuyển tập, NXB Giáo Dục, Hà Nội, 2000).
Xin được nói thêm: nhiều trang viết của thầy còn có sức cuốn hút không cưỡng nổi của tính hùng biện. Đọc văn thầy, tự nhiên chúng tôi lại hình dung ra, rõ mồn một, hình ảnh của thầy tại đại giảng đường Lê Thánh Tôn ngày nào. Ít khi thầy ngồi, chủ yếu là đứng, tư thế thoải mái, miệng như hơi cười, cặp mắt sáng và sâu nhìn thẳng vào sinh viên, giọng nói khi nhỏ nhẹ thiết tha, khi hùng hồn sôi nổi; thái độ luôn điềm đạm nhưng đầy tự tin, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng phong phú đa chiều đúng với tinh thần “nói có sách”.
Viết về thầy, có điều tôi cứ nghĩ mãi: sức hấp dẫn chủ yếu của thầy đối với các thế hệ học trò và với đông đảo trí thức trong và ngoài nước là ở phương diện nào đây? Tài năng ư? Có, nhưng thiếu gì người trình độ siêu việt nhưng rồi thiên hạ cũng quên mau. Hoặc nếu nhớ thì cũng như “đạm nhược thủy”, cứ nhàn nhạt vậy thôi. Cũng như một số thầy khác mà chúng tôi đặc biệt kính trọng, ở thầy Trần Văn Giàu chữ ĐỨC luôn chói lói, rỡ ràng, cuốn hút, trong cuộc sống riêng tư cũng như trong mọi mối quan hệ xã hội giằng chéo, phức tạp.
Tôi nhớ cuộc chia tay giữa thầy – khi mới 18 tuổi – với người vợ trẻ – cô Đỗ Thị Đạo. Trước lúc sang Pháp du học thầy đã kiếm hai cuốn Lục Vân Tiên, một đưa vợ, một cho mình. Thật là cảm động, đôi lứa ấy đã sống thủy chung như lứa đôi Kiều – Lục cho đến lúc đầu bạc răng long. Mới đây thôi, tôi đã chứng kiến nét mặt đăm chiêu của thầy, với cặp mắt tưởng như khô lệ mà vẫn có ngấn nước, và với giọng nói chùng hẳn xuống khi nghe tin giáo sư Trần Quốc Vượng qua đời: “Vượng nó mất đi, thật đáng tiếc!”.
Tôi nghĩ đến những năm đằng đẵng, con người khí phách hiên ngang mang đầy đủ tính cách Hớn Minh – Tử Trực này đã bình tĩnh nhẫn nhịn, chờ đợi sự xác minh của tổ chức. Cuối cùng, mọi chuyện phải trái, trắng đen cơ bản đã được xác minh.
Tôi không thể quên được những trang viết mang tính luận chiến sắc sảo nhưng bao giờ cũng đường hoàng, mực thước của thầy. Có thể lên án quyết liệt những thế lực xâm lược từ phương Bắc xuống, từ trời Tây sang nhưng không ai có thể hiểu đó là thái độ hận thù dân tộc. Có thể phê phán cây bút nào đó ở thành thị miền Nam chệch hướng trong nhận thức, tư duy, nhưng thái độ của thầy không khiến người trong cuộc cảm thấy bị xúc phạm. Tầm văn hóa ứng xử cao, chữ Đức sáng trong trọn vẹn…, sức cảm hóa của thầy, theo tôi chủ yếu là ở chỗ này.
Mươi ngày nữa thầy đã ở tuổi 95 – tuổi xưa nay cực hiếm. Quí hơn nữa, những năm tháng sống và hoạt động của thầy lại có chất lượng rất cao. 25 năm trước, khi bạn bè học trò đến mừng thầy bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, thầy đã ra vế đối (đến nay vẫn chưa có ai đối chỉnh): “Bảy mươi khúc khích cười Đỗ Phủ”.
Tôi cả tin, các thế hệ học trò của thầy trong nhiều năm sắp tới, đúng ngày 6-9 sẽ còn được đến chúc thọ và được đọc những công trình mới, đặc biệt là bộ hồi ký chắc chắn sẽ hết sức cuốn hút của thây – giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động, nhà cách mạng lão thành Trần Văn Giàu. Lòng tin của tôi rất có căn cứ.
(*) PGS.TS TRẦN HỮU TÁ (Bài viết đăng trên Tuổi trẻ cuối tuần ngày 27-8-2005)