Việt – Mỹ hợp tác lĩnh vực công nghệ thông tin

(Hiếu học) Microsoft sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng kinh tế thông qua việc phát triển môi trường công nghệ thông tin – đặc biệt phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam.

Tại cuộc họp báo chung chiều 30-10, Phó thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã chứng kiến lễ công bố cam kết về việc thúc đẩy phát triển năng lực ngành công nghệ thông tin tại VN và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nhằm giúp VN đạt được các mục tiêu kinh tế.

Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm và Ngoại trưởng Mỹ Hillay Clinton chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận giữa Việt Nam Airlines và Boeing – Ảnh: Cẩm Linh (TTO)

Theo cam kết giữa Việt Nam với Microsoft, Microsoft sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng trưởng kinh tế thông qua việc phát triển môi trường công nghệ thông tin – truyền thông lành mạnh và mang tính cạnh tranh bằng việc chú trọng vào các vấn đề ưu tiên của Chính phủ, đặc biệt phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam. Microsoft sẽ cung cấp phần mềm có bản quyền sử dụng trong các tổ chức chính phủ giúp sắp xếp hoạt động hợp lý và năng suất hơn.

Ba mục tiêu chính trong quan hệ đối tác giữa Chính phủ Việt Nam và Microsoft gồm xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tính cạnh tranh cho nền công nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam và quỹ Microsoft phục vụ phát triển công nghệ thông tin Việt Nam.

1. Xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực cho công nghệ thông tin Việt Nam

Sáng kiến này bao gồm việc thiết lập và triển khai một trung tâm chuyên môn công nghệ thông tin – truyền thông, Trung tâm đào tạo CIO Việt Nam và các chương trình quản trị dành cho các cán bộ cấp cao của bộ và Chính phủ Việt Nam tại Trung tâm đào tạo chuyên gia cao cấp của Microsoft tại Mỹ và tăng cường nhu cầu kinh tế đặc biệt của Chính phủ, thảo luận các vấn đề kinh tế nổi trội.

2. Nâng cao tính cạnh tranh cho nền công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông của Việt Nam

Microsoft sẽ hỗ trợ các kế hoạch hành động công nghệ thông tin – truyền thông đồng bộ các hoạt động của Chính phủ Việt Nam bao gồm: hội thảo với quy mô lớn về việc phát triển kinh tế phần mềm, xây dựng năng lực và phát triển nguồn nhân lực tại địa phương hoặc Chính phủ liên kết, các buổi hội nghị bàn tròn/hội nghị chuyên đề về các vấn đề đã được bộ và Microsoft thỏa thuận và tư vấn các vấn đề hiện hành trong việc hỗ trợ việc phát triển kế hoạch tổng thể của bộ đối với ngành công nghệ thông tin – truyền thông trong giai đoạn 2011-2015 và hướng tới 2020.

3. Quỹ Microsoft phục vụ phát triển công nghệ thông tin – truyền thông tại Việt Nam

Ghi nhận việc Chính phủ đầu tư công nghệ Microsoft, một quỹ được làm mới để phát triển ngành công nghệ thông tin – truyền thông nhằm hỗ trợ các dự án liên kết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông trong nước.

Intel khai trương nhà máy lớn nhất thế giới tại Việt Nam

Tập đoàn Intel đã chính thức đưa vào hoạt động nhà máy lắp ráp và kiểm định chip trị giá 1 tỷ USD tại khu công nghệ cao TP.HCM hôm 29 – 10.

Nhà máy Intel Việt Nam được đặt tại khu công nghệ cao TP.HCM (Saigon Hi-tech Park) tại quận 9 TP.HCM, trên một diện tích sản xuất rộng 46,000m2, có diện tích lớn gấp khoảng 5,5 lần các sân bóng đá. Nhà máy sản xuất chip điện tử này bắt đầu xây dựng từ năm 2006, đây là nhà máy lắp ráp và kiểm định chip lớn nhất trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của Intel.

Kỹ sư đang làm việc trên giao diện cảm ứng của hệ thống trong nhà máy (Ành: VNE)

Nhà máy tại Việt Nam đã bắt đầu sản xuất những chipset di động mới nhất của Intel dùng cho máy tính xách tay và các thiết bị di động. Ngoài ra, nhà máy tại Việt Nam cũng có khả năng sẽ sản xuất những bộ vi xử lý trong tương lai.

Lắp ráp và kiểm định được coi là một khâu quan trọng của quá trình sản xuất chip bán dẫn của Intel. Đây là khâu cuối cùng trong quá trình sản xuất các sản phẩm silicon của Intel, trước khi những sản phẩm này được sẵn sàng đưa đến tay người tiêu dùng trên toàn thế giới. Nhà máy Intel tại Việt Nam là một mô hình cơ sở lắp ráp và kiểm định rộng hơn và hiệu quả hơn của tập đoàn. Nhà máy được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả và tăng khả năng đáp ứng các nhu cầu của khách hàng của Intel.

Intel là công ty sản xuất chip điện tử lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Santa Clara, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Nhà máy lắp ráp và kiểm nghiệm đặt tại Việt Nam là nhà máy thứ bảy thuộc loại này của Intel. Những địa điểm khác gồm có Penang và Kulim ở Malaysia; Cavite ở Philippines; Thành Đô và Thượng Hải ở Trung Quốc và San Jose tại Costa Rica.

Nhiều việc làm lương cao tại nhà máy lắp ráp và kiểm định

Trả lời vấn đề này, ông Rick Howarth, Tổng giám đốc Intel Việt Nam cho biết:

Hiện tại nhà máy đang có khoảng 600 lao động đang làm, trong đó có khoảng 400 lao động là người Việt Nam. Khi toàn bộ các dây chuyền của nhà máy đi vào hoạt động, sẽ góp phần tăng gấp đôi năng lực lắp ráp và kiểm định chipset của toàn tập đoàn. Quan trọng hơn, khi đó nhà máy sẽ cần tuyển thêm hàng ngàn lao động trong lĩnh vực công nghệ cao.

Cụ thể, Intel đã tuyển dụng và lựa chọn được 52 sinh viên ưu tú từ các trường đại học chuyên về kỹ thuật như: Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Đà Nẵng, Bách khoa TPHCM, Đại học Sư phạm kỹ thuật TPHCM và Trường Đại học Cần Thơ để đưa sang Mỹ học tập. Những sinh viên này khi hoàn thành khóa học sẽ trở lại làm việc tại nhà máy Intel Việt Nam. Đây cũng là những hạt giống để tiếp tục đào tạo cho những lao động khác ngay tại đất nước Việt Nam.

Ngoài ra, Intel cũng đã đưa 25 giảng viên của những trường trên sang Mỹ học nâng cao về cách quản lý trong vòng 6 tuần.

Theo đúng tiến độ, năm 2011 nhà máy cần khoảng 900 lao động làm việc trực tiếp tại các dây truyền sản xuất. Điều này chứng minh, nhà máy sẽ phải tuyển thêm khoảng 300 lao động nữa.

Chính vì vậy, một mặt Intel vẫn đẩy mạnh hợp tác đào tạo với các trường đại học chuyên ngành kỹ thuật đã kể ở trên; mặt khác, Intel cũng đang triển khai chương trình hợp tác đào tạo với một số trường nghề của Việt Nam để đào tạo ra những kỹ thuật viên có tay nghề để tuyển dụng vào làm việc tại nhà máy tại Khu công nghệ cao TPHCM.

Tuấn Phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Nghiên cứu và phát triển (R&D) trong lĩnh vực CNTT

(hieuhoc_hieuhoc). Trong lĩnh vục Công nghệ thông tin (CNTT), lỗ hổng lớn nhất là thiếu các doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Vì thế, sẽ có các chính sách khuyến khích đẩy mạnh các công trình nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng phát triển công nghệ thông tin trong doanh nghiệp và ngoài doanh nghiệp. 

Cùng chuyên mục