Sợ nước có thể là trạng thái tâm lý hay bệnh lý. Nếu là trạng thái tâm lý, bệnh được coi là nhẹ, có thể chữa được bằng cách làm quen dần dần với nước. Còn nếu là trạng thái bệnh lý, được coi là nặng, và phải có những liệu pháp vật lý, hoá học đặc biệt mới có thể chữa được.
Hiện có nhiều người không biết bơi, sợ học bơi mà nguyên nhân đôi khi chỉ đơn giản là sợ nước.
Người ta có thể mắc bệnh sợ nước với các biểu hiện khác nhau như không dám tắm vòi sen; không dám dội nước lên đầu; không dám thò chân xuống bể bơi; có cảm giác ngạt thở, run rẩy, hồi hộp, huyết áp tăng… khi đứng trước một khối nước lớn như bể bơi, sông, biển; hoặc không dám cho đầu chìm vào nước khi ở bể bơi vì lo sặc…
Mắc bệnh sợ nước không có gì đặc biệt bởi người này sợ nước, người kia sợ chó dữ, sợ hổ, sợ rắn, sợ chuột, sợ gián, sợ nhện, sợ kẻ cướp, sợ bóng đêm, sợ ma, sợ gió, sợ sét đánh… Ai mà chả có “Gót chân Asin”?
Người ta thường rơi vào trạng thái sợ sệt, lo lắng khi bị chuyển từ trạng thái an toàn, cân bằng, xác định (vật lý, tinh thần) sang một trạng thái có vẻ không an toàn, mù mờ, bấp bênh. Ví dụ, ban đêm ngồi trong nhà không sợ, nhưng ra ngoài trời tối là sợ; đi đêm ở phố quen không sợ, nhưng sang khu phố khác là cảm thấy sợ…; bơi quen ở bể bơi không sợ, nhưng lần đầu bơi ở sông, ở biển là sợ; đang đi bỗng bị chó sủa, chó đuổi…
Khi bị chuyển sang trạng thái bấp bênh, công tắc tự vệ – hạt hạnh nhân trong não được bật lên và hai hoóc-môn Andrenalin, Serotonin sẽ được bơm vào máu khiến tim mạch đập nhanh hơn, thở gấp gáp hơn. Andrelanin được biết tới như là hoóc-môn “Chiến đấu hay Bỏ chạy”. Nó làm máu dồn tới cơ bắp, làm chúng căng phồng lên để bạn sẵn sàng chiến đấu chống lại sự đe doạ, chống lại kẻ thù, hay bỏ chạy thoát thân. Tác dụng của Serotonin phức tạp hơn, nó có thể gây ảo giác, làm bạn phê, mê muội đi như các loại ma tuý, cũng có thể làm bạn cảm thấy lờ vờ, sắp chết. Đó là khi nỗi sợ làm bạn đờ người ra, không phản ứng được gì nữa.
Về nguồn gốc, nỗi sợ nước, cũng như bao nỗi sợ khác, có thể hình thành như kết quả của sự trải nghiệm trực tiếp hoặc gián tiếp, hoặc cũng có thể của trải nghiệm tiềm thức. Cụ thể là:
– Trải nghiệm trực tiếp: Có nguồn gốc xúc giác và là trải nghiệm của cơ thể khi tiếp xúc, cảm nhận vật lý với môi trường nước, ví dụ: đã bị sặc nước, bị ngã xuống nước, bị bạn dìm xuống nước lúc còn bé, có lần suýt bị chết đuối,…
– Trải nghiệm gián tiếp: Hoặc có nguồn gốc thị giác, do đã đọc, chứng kiến tai nạn sông nước, xem một đoạn phim, hình ảnh liên quan đến tai nạn sông nước (Titanic…), đến cá mập, cá sấu…, ngủ mơ thấy tai nạn sông nước…; hoặc có nguồn gốc thính giác: thông qua việc nói, nghe, chuyện kể về tai nạn sông nước, về nguy cơ bị chết đuối nếu bản thân không biết bơi…
– Trải nghiệm tiềm thức: Nỗi sợ hình thành do kinh nghiệm không mấy tốt lành từ nhỏ khi đứng trước những nơi nhiều nước như bể bơi, biển, sông ngòi, ao hồ…, hoặc hình thành qua lời dặn dò, nhắc nhở về nguy cơ tai nạn sông nước, về cách ứng xử khi tiếp cận sông nước…
Sợ nước có thể là trạng thái tâm lý hay bệnh lý. Nếu là trạng thái tâm lý, bệnh được coi là nhẹ, có thể chữa được bằng cách làm quen dần dần với nước. Còn nếu là trạng thái bệnh lý, được coi là nặng, và phải có những liệu pháp vật lý, hoá học đặc biệt mới có thể chữa được.
Đối với người sợ nước do tâm lý, để dạy họ bơi, đầu tiên phải chữa bệnh sợ nước. Rất tiếc, mấy ai dạy bơi quan tâm đúng mức tới vấn đề này, hoặc nếu như có quan tâm, cũng chưa chú ý tới nguyên nhân sợ nước của từng người. Có thể vì thế mà nhiều người ngại học bơi, hoặc học bơi khó và vì thế mà mỗi ngày ở Việt Nam có hơn chục người lớn và trẻ nhỏ bị chết đuối?
Theo: Trung tâm E-bơi