Vì sao cá mập tấn công người?

Các nhà khoa học Đại học Florida (Mỹ) xem chừng đã tìm được câu trả lời cho những câu hỏi về lý do, địa điểm và thời điểm cá mập tấn công sau khi nghiên cứu các vụ tấn công của cá mập trong 50 năm qua tại chính “thủ phủ cá mập” của thế giới.

Cá mập thường cắn người vào mùa trăng. (Ảnh: sharkmans-world.com)

Theo giải thích của các nhà khoa học, sự gia tăng của thủy triều trong giai đoạn trăng non đến trăng rằm khiến cá mập thường theo dòng nước để săn mồi.

Ngoài ra, thói quen thư giãn của con người cũng khiến những bãi biển dịp cuối tuần, đặc biệt là vào mùa hè, trở nên đông đúc hơn và cũng tập trung nhiều vụ tấn công chết người.

Các hành động quẫy nước khiến cá mập lầm tưởng người là con mồi.

Nam giới thường trở thành nạn nhân do thích ở dưới nước lâu hơn và những người mặc đồ bơi có màu sắc tương phản cao như trắng hoặc đen sẽ dễ dàng thu hút sự chú ý của loài sát thủ đại dương này.

Những người tắm biển cũng được khuyên không nên lặn vào cuối ngày hoặc sáng sớm, thời điểm hoạt động mạnh của cá mập.

Từ năm 1999-2008 có khoảng 639 vụ cá mập cắn người trên toàn thế giới, trong đó 275 trường hợp tại Florida và 135 vụ ở Volusia.

Cá mập có thể tàng hình

Chuyện tránh sự chú ý của kẻ thù lẫn con mồi xem ra khá dễ dàng đối với một số loài cá mập. Đơn giản là chúng có khả năng tàng hình, hay nói đúng hơn là tự biến mất dưới góc nhìn thẳng của đối phương. Đó là phát hiện của nhóm chuyên gia thuộc Đại học Louvain (Bỉ) trong cuộc nghiên cứu đầu tiên về sự phát quang của cá mập.

Trưởng nhóm Julien Claes cho hay khoảng 50 loài cá mập khác nhau, chiếm hơn 10% loài này, có thể tự phát sáng. Điều đó có nghĩa là cơ thể chúng có thể sản sinh và phát ra ánh sáng.

Nhóm của giáo sư Claes đã tập trung nghiên cứu một loài cá mập có khả năng tự phát sáng đặc biệt, được gọi là “bóng ma săn đuổi tại các vịnh hẹp”. Khi tiến hành thí nghiệm ngoài thực tế, các nhà khoa học phát hiện quang phổ của ánh sáng mà cá mập tạo ra tương tự với ánh sáng của vùng vịnh hẹp. Ánh sáng mờ của loài cá này bắt nguồn từ những cơ quan bên dưới cơ thể. Do nhiều kẻ thù của cá mập có cặp mắt hướng lên, đây là biện pháp ngụy trang thường thấy ở tầng biển sâu vừa (200 – 1.000m). Cá mập có miệng ở phía dưới, nên hệ thống ngụy trang cho phép chúng bắt mồi hiệu quả, trong khi con mồi lại không nhìn thấy mối đe dọa.

Mặc dù là loài cá săn mồi đáng sợ, song cá mập trắng hiếm khi tấn công con người trừ khi chúng lầm tưởng chúng ta là hải cẩu, hải sư, rùa biển và những con mồi khác. Cá mập trắng không thích thịt người, song chúng vẫn có thể ăn khi quá đói. (Hình cá mập trắng khổng lồ: dài 6 mét và nặng khoảng 2 tấn).

Theo (CBS, AFP/TTO)

Cùng chuyên mục