Vào Đại học: giấc mơ và hiện thực

Không chỉ là giấc mơ của các bậc cha mẹ mà còn là giấc mơ của cả một dân tộc: Mong muốn thế hệ sau thoát khỏi cái nghiệp một nắng hai sương hay cái kiếp còng lưng với cái kim cọng chỉ.

Ngồi giữa dải phân cách (trước trường ĐH Khoa hoc tự nhiên), chờ con thực hiện giấc mơ Đại học của một người cha: “Không biết con có làm bài được không?” (Ảnh: Vietnamnet)

Nhìn gương mặt các bậc cha mẹ khát khao đến cháy bỏng, mong con cái vượt qua kì thi Đại học 2010 để trở thành các lao động chất luợng cao. Và so sánh với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những gần đây vẫn dựa vào việc bán khoáng sản và lao động thủ công bởi các hàng dệt may chúng ta thấy có cái gì là nghẹn ngào trong bức tranh tương phản này.

Những giọt mồ hôi chở đầy mơ ước

Các bậc cha mẹ khăn gói đem con vào TP.HCM dự thi đại học năm nay đa phần có độ tuổi trên dưới 50, nghĩa là những năm 1975 – 1985 họ khoảng 13-18 tuổi. Đây cũng là thời kì đất nước trải qua những khó khăn nhất về kinh tế và có những cái nhìn khác biệt về lịch sử. Các bậc cha mẹ của những học sinh ngày nay tại thời điểm 35 năm trước ắt có khá nhiều người phải hy sinh ước mơ đến trường để lao vào cuộc tìm kiếm từng bữa cơm giúp đở gia đình và cũng giúp chính mình cùng tồn tại. Đơn giản nhất là vào rừng chặt củi, chạy xích lô cao hơn có thể làm nghề bơm mực bút bi, sửa đồng hồ hay mua đi bán lại mấy bao thuốc lá, vài xấp vải. Nhưng trong họ, ước mơ về một mái trường là không hề nguội lạnh, có người còn đem cả vào trong giấc mơ. Và cũng trong năm tháng lao động, họ nhận ra những nhọc nhằn, những hờn tủi của đồng tiền kiếm được bởi những lao động có tay nghề thấp.

Không thể thực hiện mơ ước bởi bản thân cộng với những nổi niềm qua các ngày lao đao trong quá khứ, họ dồn tất cả hy vọng vào những người con. Nên những gian khổ, những mồ hôi, những thức khuya dậy sớm họ đều vượt qua để đổ vào thùng mơ ước có tên Đại học.

Ngày đưa con đi thi là cái ngày rất trọng đại, đôi khi nó còn trọng đại với cha mẹ hơn cả các thí sinh dự thi vì đó là thời khắc chuyển ước mơ tích tụ 35-40 năm thành hiện thực. Nên sau mỗi môn thi, thấy con vui một thì cha mẹ vui mười, thấy con buồn bả thì cha cũng bỏ ăn, mất ngủ. Ước mơ “con hơn cha là nhà có phúc” luôn luôn là một khát khao không đổi của các bậc sinh thành.

Nụ cười của bà mẹ khi biết con làm bài tốt (Ảnh: VietNamnet)

Phần cứng và phần mềm

Mang đồng thời hai gánh nặng: trọng trách với bản thân và cả gia đình đối với thí sinh này có thể là một động lực to lớn để vượt qua thử thách, đối với thí sinh khác lại tạo ra những áp lực nặng nề, các ám ảnh khó thoát sự lẩn quẩn. Những áp lực này có thể tạo ra tác động xấu, các em sẽ không thể hiện đúng khả năng của mình trong các bài thi và có thể dẫn tới các quyết định thiếu độ chín khi biết kết quả của kì thi đại học.

Cho dù có những ước mơ rất chính đáng, các bậc phụ huynh cũng cần biết rằng hàng năm tỉ lệ học sinh đậu cao đẳng và đại học khoảng 17%. Tham dự kì thi đại học cũng giống cuộc đua xe mô tô, các thí sinh muốn đậu cần chạy về đích trước 83% thí sinh còn lại. Muốn vậy các em cần sở hữu một xe có phân khối tốt- gọi là phần cứng đồng thời có thời gian luyện tập chạy đua là đủ lớn-gọi là phần mềm.

Một số em khá thông minh (sở hữu xe phân khối tốt) nhưng lười học vẫn có thể rớt. Những em chăm chỉ học tập (thời gian luyện tập tốt) vẫn có thể không đỗ vì sở hữu xe phân khối thấp. Với kinh nghiệm trường đời phụ huynh cần thấu hiểu, thông cảm chia sẽ và động viên con cái mình.

Lời căn dặn của cha trước giờ vào thi: “Bình tĩnh thi tốt con gái nhé!” (Ảnh: VietNamnet)

Mệnh lệnh

Mong muốn thế hệ sau thoát khỏi cái nghiệp một nắng hai sương hay cái kiếp còng lưng với cái kim cọng chỉ không chỉ là giấc mơ của các bậc cha mẹ mà còn là giấc mơ của cả một dân tộc. Muốn giấc mơ ấy biến thành hiện thực nó phải được thực thi bởi một mệnh lệnh thiêng liêng và quyết liệt.

Dân tộc Việt Nam vốn thông minh, lại sở hữu một tinh thần hiếu học, nghĩa là chúng ta đã có nguyện vật liệu tốt, chỉ cần một kiến trúc sư tài ba, chất liệu ấy sẽ biến giấc mơ thành hiện thực.

Theo: Giấc mơ và hiện thực

(Nguyễn Bảy Tư/SGTT.VN)

Cùng chuyên mục