(hieuhoc_hieuhoc.com). Văn hóa công ty cũng là một trong những tiêu chí mà bạn nên xác định ngay từ đầu khi tìm việc làm. Bạn có hòa nhập, có thích nghi được với môi trường làm việc đó hay không? … Hy vọng bài viết của tôi sẽ góp thêm cái nhìn về vấn đề này.
Sau khi tốt nghiệp Đại học và có thời gian công tác 3 năm tại TP HCM, tôi quyết định về làm việc tại Đà Nẵng. Lý do duy nhất chỉ vì đó là quê hương, là nơi tôi muốn sống cùng gia đình, bạn bè. Hơn thế nữa, tôi luôn tự hào và “khoe khoang” về vẻ đẹp non nước hữu tình của một thành phố hiện đại đang phát triển nên suy nghĩ “trở về” luôn thường trực trong tôi. Mặc dù sếp thuyết phục ở lại với mức lương cao hơn, rằng “bất kỳ khi nào em nhớ nhà thì em về cũng được”… và dù còn rất nhiều tình cảm với công ty cũ nhưng tôi vẫn quyết định rời Sài Gòn.
26 tuổi, tôi còn tràn đầy nhiệt huyết để bắt đầu lại ở một môi trường mới và vẫn còn sớm để tôi xây dựng cho riêng mình một ước mơ trong nghề nghiệp chuyên môn. Như vậy, với vốn kinh nghiệm ít ỏi lận lưng cộng với sự nhận ra các ưu – khuyết điểm của bản thân, tôi hoàn toàn tự tin để chọn cho mình một môi trường làm việc mà mình thật sự “quý mến” để gắn bó lâu dài. Vẫn biết rằng, là một người đi xin việc, mình hoàn toàn bị động và phụ thuộc vào công ty tiềm năng qua việc “họ” có chọn mình hay không; nhưng với tôi, tôi chọn “môi trường làm việc” trước, sau đó tôi hy vọng, mong chờ mình sẽ được chọn là một thành viên của công ty.
Tự nhủ rằng nếu mình không thật sự “yêu quý” công ty và các đồng nghiệp mới thì tôi sẽ “không thèm làm” dù nơi đó có trả lương cao đến đâu bởi bản thân công việc cũng như niềm say mê với nó không đủ giữ tôi ở lại nếu tôi không thật sự “quý” và “nể” công ty mình. Nghĩ như vậy, tôi biết suy nghĩ của mình hơi “quá” bởi Đà Nẵng không nhiều việc làm như TP HCM. Tuy nhiên, một trong những điều tôi quan tâm khi nộp đơn xin việc vào một công ty nào đó chính là “văn hóa công ty”. Thiết nghĩ đây là một trong những điều quan trọng đối với hầu hết những người vác đơn đi xin việc bởi có lần tôi hỏi một người bạn rằng: công ty XYZ đó tốt và nổi tiếng như vậy sao không xin vào đó thì nhận được câu trả lời rằng: Văn hóa công ty đó không phù hợp với con người ta.
Thật vậy, mỗi công ty đều có những cách thức vận hành và thái độ làm việc rất riêng, điều này được xây dựng trên nền tảng phương châm hoạt động và lĩnh vực kinh doanh của nó. Bên cạnh tiêu chí Năng lực chuyên môn thì có công ty thích tuyển những người cá tính, tự tin; có doanh nghiệp thích những con người chân chất, cần mẫn hoặc ngoại hình khá, giao tiếp khéo léo… Nên, tính cách cũng như phẩm chất cá nhân bạn có phù hợp với văn hóa công ty hay không cũng là một vấn đề cần xét khi tham gia ứng tuyển nhân viên.
Tôi có một anh bạn hiện đang làm cho một thương hiệu xe máy khá nổi tiếng với vị trí Trưởng nhóm Kỹ thuật. Do môi trường làm việc thụ động và không xét việc thăng tiến với những người trẻ nên anh muốn chuyển việc và nộp đơn vào một trong những tập đoàn nổi tiếng chuyên về vật liệu xây dựng. Từ buổi phỏng vấn trở về, mặc dù được hứa hẹn mức lương khá ổn cùng những phúc lợi kèm theo nhưng anh vẫn quyết định không làm việc tại đó. Lý do anh nêu ra là văn hóa làm việc của công ty kém chuyên nghiệp, người phỏng vấn là một sinh viên vừa ra trường với cách nói chuyện non choẹt và vụng về. “Thử hỏi người tuyển chọn anh vào công ty là một người như vậy thì sau này anh sẽ cùng làm việc với những người thế nào đây.”. Đó là lý do anh từ chối làm việc tại đó. Vậy là, mỗi công ty có cơ cấu tổ chức, phong thái làm việc, lối hành xử… khác nhau; những điều này cấu thành cái gọi là Văn hóa công ty. Người đi xin việc sẽ nhìn nhận những điều này để thấy mình có phù hợp với môi trường đó hay không.
Suy cho cùng, mong ước của các ứng viên là một môi trường làm việc thoải mái, mang đến cho họ cơ hội được cống hiến và làm việc với hiệu quả cao nhất. Tại nơi đó, họ được và nhận được sự hỗ trợ tương tác từ các đồng nghiệp; tại nơi đó, họ được tôn trọng, có cơ hội phát triển nếu là người có năng lực.
Vậy, làm thế nào để bạn hiểu được phong thái làm việc, văn hóa công sở của công ty tiềm năng mà bạn ao ước được trở thành “một phần” của tổ chức đó. Thực sự là bạn không thể biết được điều này cho đến khi bạn đã làm việc tại đó trong nhiều tháng. Tuy nhiên, bạn có thể tìm hiểu và quan sát ngay từ trước khi bạn quyết định mình sẽ “gắn kết” với công ty. Quá trình này gồm bao gồm việc tìm hiểu những thông tin về công ty thông qua website, mạng internet, những nguồn thông tin từ báo chí, bạn bè… Việc quan sát các “đồng nghiệp tương lai” ngay trong buổi phỏng vấn cũng là nguồn thông tin quan trọng, bạn sẽ biết các nhân viên giao tiếp – hỗ trợ nhau như thế nào, sự chuyên nghiệp trong công việc của họ ra sao… Ngay cả việc ăn mặc, tác phong công sở cũng là sự thể hiện phong thái làm việc của công ty. Đó là tất cả những thông tin quan trọng giúp bạn quyết định mình có muốn “gắn bó” với công ty hay không trong trường hợp bạn “trúng tuyển”.
Về phần tôi, mặc dù được 3 công ty mời phỏng vấn nhưng tôi đã chọn một công ty bởi tôi rất thích cái mộc mạc, chân chất trong văn hóa công ty mà tôi góp nhặt từ internet: “Điều cốt lõi trong văn hóa công ty này là Tử tế”. Đó chẳng phải là cách nói khác của chữ Tâm sao? Tôi thấy khá yên lòng khi quyết định về làm tại công ty. Ấn tượng đầu tiên của tôi là sự nhiệt tình, tốt bụng của các đồng nghiệp mới. Do Giám đốc Ban đi công tác đột xuất nên chưa ký duyệt cấp máy tính để tôi làm việc thì một chị ở Phòng ban khác mang cho tôi mượn laptop của Phòng chị; rồi những câu hỏi thăm, bắt chuyện để tôi có cơ hội bày tỏ bản thân và kể về mình… Bạn sẽ thấy những quan tâm này thật đáng quý với người hoàn toàn lạ lẫm ở một môi trường mới.
Những năm gắn bó với công việc cũ cộng với vòng xoay công việc mới, tôi nhận ra rằng: tại một môi trường làm việc phù hợp với tính cách, con người bạn thì điều bạn thu gặt được sẽ là hơn cả mức lương, thưởng mà còn là kinh nghiệm, niềm vui trong công việc; là cảm giác hưng phấn khi bắt đầu một ngày làm việc mới. Là những nụ cười thật sự (thay cho nụ cười sinh lý) trong công sở; là khi bạn gặp vướng mắc, khó khăn trong công việc thì những đồng nghiệp “đáng yêu” sẽ chung tay tháo gỡ vấn đề đó.
Hơn thế nữa, văn hóa công ty cũng là một trong những tiêu chí mà bạn nên xác định ngay từ đầu là bạn có hòa nhập được hay không, có thể “nhập gia tùy tục” hay không. Bạn nên xét kỹ những điều này nếu không muốn mất thời gian vài ba tháng vào làm rồi sau đó lại tự mình thối lui vì cảm thấy không sao phù hợp được. Trường hợp người bạn của tôi – một cô gái giỏi giang, tính tình phóng khoáng, hòa đồng – cũng từ bỏ vị trí Trưởng phòng kinh doanh của một công ty 100% vốn Nhật Bản vì không chịu nổi các quy tắc trịnh trọng và sự đòi hỏi tôn kính như cha mẹ “đi ra cúi đầu chào, đi vô cúi đầu chào” của sếp mình. Như vậy để thấy rằng văn hóa công sở ở mỗi quốc gia lại càng có sự khác nhau.
Vậy đó, bạn chỉ là một thành viên trong tập thể nên đừng mơ mộng rằng bạn có thể thay đổi được văn hóa công ty, chỉ nên xét theo khía cạnh “hòa nhập hay không” mà thôi. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn đánh mất cá tính và con người mình. “Dung hòa” là từ bạn nên nghĩ đến trong khoảng thời gian thử việc tại môi trường mới.
Là một người trẻ đang dần hoàn thiện từ những va vấp trong công việc và cuộc sống, tôi muốn chia sẻ một số ý kiến của mình với những người đang trên bước đường tìm một công việc và môi trường công sở phù hợp để phát triển bản thân.
Chúc các bạn thành công!
Theo: Văn hóa công ty trong mắt một bạn trẻ (Dương Trà Mi/VnEpress).