Ứng dụng CNTT trong ngành Giáo dục

(Hiếu học) Quyết tâm ứng dụng mạnh CNTT trong giáo dục, nhằm nâng cao hiệu quả ứng dụng CNTT cho ngành. Vừa rồi, Sở GD-ĐT Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Ứng dụng hiệu quả CNTT trong quản lý và điều hành ngành giáo dục Thủ đô” với sự tham gia của đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT cùng gần 100 hiệu trưởng các trường THPT trên địa bàn Hà Nội.

Người phụ trách CNTT của ngành Giáo dục và Đào tạo, ông Quách Tuấn Ngọc, đã khẳng định việc ứng dụng CNTT hướng tới một nền giáo dục điện tử đang trong tầm tay của Việt Nam. Từ việc triển khai, xây dựng hạ tầng cơ sở viễn thông đến công nghệ đều đang rất thuận lợi. (Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc bày tỏ những lạc quan về khả năng rút ngắn khoảng cách số của ngành Giáo dục và Đào tạo Việt Nam – Ảnh: VTC)

Làm thế nào để đưa CNTT đến những trường học, những cơ sở đào tạo… ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa của đất nước? Làm thế nào để CNTT phát huy hiệu quả tối đa trong việc nâng cao trình độ, nhận thức của giáo viên, học sinh tiến tới dần thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa thành thị với nông thôn, vùng sâu, vùng xa? Làm thế nào để Việt Nam thực sự có một nền giáo dục điện tử?

Nếu như 10 năm trước đây, CNTT còn là một khái niệm xa lạ với ngành giáo dục đào tạo trong nước thì nay nó đã là nhu cầu và là xu hướng phát triển tất yếu. Cách đây ba năm, năng lực ứng dụng CNTT trong giáo dục của Việt Nam được các nước đánh giá chỉ ngang hàng với Lào, Campuchia. Nhưng mới đây, Việt Nam đã xếp ngang hàng cùng với Singapore, Malaysia… Từ bậc tiểu học tới đại học, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy đang được xem là cách làm mới để nâng cao hiệu quả đào tạo và chất lượng của đội ngũ học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn nhiều bất cập.

Câu hỏi đặt ra ở đây là tại sao CNTT lại cần thiết đối với công tác đào tạo, giảng dạy? Thực tế cho thấy CNTT có thể giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo, cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy. CNTT còn giúp giáo viên tiếp cận và chia sẻ nhiều nội dung trong quá trình dạy học, soạn giáo trình trực quan hơn, và có thể tiếp cận nhiều phương pháp, mô hình, biểu bảng, tính toán hơn.

Về phía người học, CNTT sẽ giúp tăng sự chủ động cho học sinh – sinh viên, giúp họ chủ động hơn trong học tập và nghiên cứu. Thông qua CNTT, các chương trình đào tạo cũng sẽ hướng tới người học nhiều hơn. Người học sẽ trở thành trung tâm, đồng thời CNTT còn giúp tạo nên sự hứng thú học tập cho giới học sinh – sinh viên.

Có thể nói rằng để hoàn thành mục tiêu đưa ứng dụng CNTT vào ngành Giáo dục, vai trò đóng góp của các doanh nghiệp CNTT cũng là một trong những yếu tố không thể thiếu. Thế nhưng, đã có cơ sở hạ tầng tốt rồi, việc ứng dụng CNTT như thế nào cho hiệu quả lại là một bài toán khác.

Câu chuyện game online chẳng hạn, thêm một lần nữa được nhắc tới với những trăn trở, băn khoăn. Theo ông Ngọc, người ta cứ phản đối việc chơi game vì phụ huynh sợ nó ảnh hưởng không tốt tới học tập của con trẻ. Đúng như vậy, nhưng nói thật là nó thực sự rất hấp dẫn giới học sinh sinh viên. Bây giờ, ngay cả trẻ em ở các tỉnh miền núi cũng biết chơi game online. Vậy, vấn đề là tại sao chúng ta lại không có thể đưa game online vào giáo dục?

Bản chất game online rất hay và rất cuốn hút, nhưng nó cũng có nhiều mặt trái. Ông Ngọc kêu gọi các doanh nghiệp, nhà cung cấp nội dung chuyển hướng cung cấp nội dung tích cực, dẹp dần các game online mang tính bạo lực. Vì vậy, vấn đề này không còn là ở phía quản lý nữa mà là phần các nhà cung cấp nội dung, cung cấp thế nào để cuốn hút mà vẫn lành mạnh…

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Giáo dục (GDTĐ)

Đối với vấn đề kết nối Internet toàn ngành giáo dục, thì mục tiêu đưa CNTT tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền… đã ngày một được hiện thực hoá mạnh mẽ. Ý tưởng hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo được ông Quách Tuấn Ngọc chia sẻ đó là định hướng là quản lý trực tuyến và học cũng trực tuyến. Đây sẽ là biện pháp hỗ trợ chứ không phải thay thế hoàn toàn.

Khi đó, người đứng đầu các trường học không phải lo đầu tư máy chủ mà mỗi trường được phân một account quản lý trực tuyến. Mô hình này đang triển khai. Khi sổ sách học bạ cũng được quản lý online sẽ đem lại nhiều lợi ích. Hiệu trưởng đi công tác cũng không lo công việc ở nhà. Chỉ cần mở mạng ra là có thể truy cập được vào hệ thống quản lý luôn…

Tuy nhiên, ngành Giáo dục và Đào tạo Việt Nam vẫn đang đứng trước nhiều thách thức, nhiều nỗi lo, rất nhiều bài toán chưa có lời giải và rất nhiều vấn đề cần được giải quyết để có thể ứng dụng CNTT hiệu quả nhất.

Kỳ vọng vào ứng dụng CNTT của ngành giáo dục vẫn đang rất lớn dù biết rằng thực tế triển khai sẽ không mấy dễ dàng. Và sự chung tay, góp sức ở thời điểm này của mọi thành phần, từ sự vào cuộc quyết liệt của cả các nhà quản lý lẫn các học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục là rất cần thiết.

Tuấn Phong tổng hợp (hieuhoc_hieuhoc.com)

Bài liên quan

Nhân lực ngành CNTT vẫn chưa đáp ứng nhu cầu

(Hiếu học). Thị trường CNTT Việt Nam đã hội tụ những yếu tố cần cho mục tiêu trở thành một Quốc gia mạnh về CNTT. Nhưng nguồn nhân lực, là lợi thế so sánh lớn nhất của Việt Nam lại chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Cần có chiến lược tăng tốc đào tạo, nâng cao chất lượng và qui mô hơn nữa.

NIIT triển khai 6.000 học bổng CNTT

(Hiếu học) Từ ngày 2 - 8 - 2010, Học viện Công nghệ thông tin NIIT (Ấn Độ) sẽ triển khai Chương trình Học bổng Global IT Career 2010 với 6.000 suất học bồng trị giá 33 tỷ đồng.

Giải pháp cho nguồn nhân lực công nghệ thông tin.

(Hiếu học). “Khoảng cách giữa khả năng cung ứng nhân lực và nhu cầu thực tế trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) sẽ ngày càng lớn nếu không có các giải pháp phù hợp và kịp thời. Đến năm 2020, con số thiếu hụt nhân lực trong ngành công nghiệp CNTT có thể lên tới trên 200.000 người”.

Tiềm năng và thực trạng lao động ngành Công Nghệ Thông Tin.

(Hiêu học). Nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ thông tin rất lớn. Đây là ngành rất hấp dẫn và là ngành có nhiều trường đào tạo, dễ tìm trường. Tuy nhiên, thực trạng lao động trong ngành Công Nghệ Thông Tin tại Việt Nam hiện nay lại thiếu về số lượng, dù sinh viên đã được đào tạo qua trường lớp nhưng vẫn yếu kém về chất lượng khi làm việc.        

Công nghệ thông tin: Những yêu cầu và cơ hội.

(hieuhoc_hieuhoc.com). Công nghệ thông tin hiện là một ngành còn có rất nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng rất nhiều yêu cầu thử thách. Thật sự công nghệ thông tin là một ngành đòi hỏi chất xám và sự kiên trì, phải có tư duy tốt, tư duy suy luận và giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo chứ không chỉ thuần túy là giỏi toán nếu muốn vươn cao trở thành chuyên viên lành nghề trong ngành công nghệ thông tin.  

Cùng chuyên mục