Một số trường và sở GD-ĐT dần chuyển sang hình thức bài thi tổng hợp, đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 10.
Cấp tốc ôn luyện theo cách thi mới
Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) khiến dư luận bất ngờ khi năm nay đã chuyển sang hình thức đánh giá năng lực để tuyển sinh vào lớp 10. Cụ thể, ngoại ngữ trước đây nay đổi thành môn đánh giá năng lực ngoại ngữ với hình thức thi trắc nghiệm và tự luận (thời gian làm bài 120 phút). Tương tự, toán đổi thành môn đánh giá năng lực toán và khoa học tự nhiên với hình thức trắc nghiệm. Môn văn thành bài đánh giá năng lực văn và khoa học xã hội theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận.
Trường THPT Khoa học giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội cũng dùng bài thi tổng hợp đánh giá năng lực môn toán và ngữ văn trong chương trình THCS để tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2017 – 2018.
Mặc dù Trường THPT chuyên Ngoại ngữ thông báo chuyển sang bài thi đánh giá năng lực từ tháng 12.2016 nhưng phụ huynh và học sinh (HS) cũng khá bất ngờ vì chỉ có một học kỳ để chuẩn bị ôn thi.
Một phụ huynh có con năm nay học lớp 9 Trường THCS Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết từ năm lớp 7 đã cho con ôn thi theo hình thức thi cũ với 3 môn văn, toán, tiếng Anh. Tuy nhiên, từ học kỳ 1 năm lớp 9 được thông báo là năm nay trường chuyển sang tuyển sinh bằng bài thi đánh giá năng lực nên cả nhà rất lo. “Do vậy, phải đăng ký cho cháu vào các lớp ôn thi cấp tốc mỗi tuần 3 buổi do trường tổ chức để cháu tập làm quen với hình thức thi hoàn toàn mới”, phụ huynh này nói.
Phụ huynh của Trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) chia sẻ, bên cạnh luyện thi cấp tốc vào trường, gia đình còn cho con tham dự các kỳ thi thử mà trường tổ chức, in các đề thi mẫu mà trường công bố để bắt con làm đi làm lại.
“Việc học ôn vào lớp 10 năm nay vất vả hơn nhiều vì một mặt con phải luyện thi theo kiểu truyền thống để dự kỳ thi do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức, một mặt phải luyện thi trắc nghiệm, đánh giá năng lực để dự thi vào THPT chuyên Ngoại ngữ và THPT Khoa học giáo dục”, vị phụ huynh này lo lắng.
Không chỉ hình thức thi, điều khiến phụ huynh và HS thi vào THPT chuyên Ngoại ngữ năm nay lo lắng còn vì nếu như năm trước chỉ tập trung kiến thức của 3 môn toán, văn, ngoại ngữ thì năm nay đòi hỏi thí sinh phải có những hiểu biết cả về vật lý và hóa học, lịch sử, địa lý và giáo dục công dân.
Một HS lớp 9 Trường THCS Đoàn Thị Điểm cho biết đã tham gia đợt thi thử lần đầu của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ. Do cách làm bài thi mới chủ yếu là trắc nghiệm nên lúc làm bài thì thấy nhẹ nhàng hơn nhưng kết quả lại không cao do chưa suy nghĩ kỹ trước khi chọn đáp án. “Sau đợt thi thử bố mẹ em lo lắm và đốc thúc em học suốt vì mục tiêu số một của gia đình là cho em vào chuyên ngữ. Em sẽ phải thi thử lần 2 vào cuối tháng 4 tới để xem kết quả có tốt hơn không”, HS này chia sẻ.
Đánh giá năng lực chứ không đánh đố ?
Đại diện Trường THPT chuyên Ngoại ngữ và THPT Khoa học giáo dục đều khẳng định việc tuyển sinh bằng đánh giá năng lực không phải là hình thức đánh đố HS, kiến thức vẫn hoàn toàn nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9. HS chỉ cần làm quen với định dạng đề thi đã được công bố từ cuối năm 2016.
PGS Lê Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Hà Nội, cho hay sở dĩ trường tuyển sinh bằng bài thi tổng hợp vì đây là cách làm gần với bài thi đánh giá năng lực mà ĐH Quốc gia Hà Nội áp dụng rất có hiệu quả. Tuy nhiên, do đối tượng tuyển sinh là HS mới tốt nghiệp THCS nên yêu cầu của bài thi tổng hợp này mới chủ yếu tập trung vào năng lực học tập chứ chưa đòi hỏi cao.
“Dù là cách thi mới nhưng chắc chắn sẽ không đánh đố HS, không đòi hỏi các em phải luyện thi mới làm được bài. Ví dụ, các câu hỏi đặt ra trong đề thi mới chỉ dừng ở mức độ đánh giá năng lực học tập chứ chưa quá đề cao đánh giá năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống”, ông Long khẳng định.
Đại diện của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ cũng có cùng lý giải như trên. Tuy nhiên, Trường THPT chuyên Ngoại ngữ liên tục tổ chức các lớp luyện thi cấp tốc với lời giới thiệu là “ôn thi theo cấu trúc đề thi mới”. Trường này cũng tổ chức 2 đợt thi thử với kinh phí 300.000 đồng/HS/3 môn thi (toán, văn, ngoại ngữ) và 2 đợt tư vấn tuyển sinh cho HS và phụ huynh để giải đáp những băn khoăn về cách thức thi mới áp dụng từ năm nay.
Đây là năm thứ hai Sở GD-ĐT Nam Định tuyển sinh vào lớp 10 bằng bài thi tổng hợp (gồm 3 lĩnh vực khoa học xã hội, khoa học tự nhiên và ngoại ngữ theo hình thức trắc nghiệm) bên cạnh bài thi môn toán và ngữ văn. Đại diện Sở GD-ĐT Nam Định cho biết đối với bài thi tổng hợp, câu hỏi chủ yếu ở mức độ nhận biết, thông hiểu, đảm bảo kiến thức cơ bản theo chuẩn kiến thức kỹ năng, có những câu hỏi gắn với thực tiễn địa phương.
Sau một năm thực hiện, Sở GD-ĐT cho rằng đổi mới bài thi đã thay đổi cách dạy của giáo viên và cách học của HS. Trong nhà trường không có môn học nào được coi là môn phụ, HS chú tâm học tập, quan sát thực tiễn, vận dụng những kiến thức trong nhà trường vào cuộc sống.
TS Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội, trong buổi tư vấn tuyển sinh cho rằng nội dung không thay đổi nhưng hình thức mới giúp đánh giá được nhiều nội dung hơn, toàn diện hơn, giúp HS thể hiện được năng lực nhiều hơn.
Các chuyên gia về khảo thí đều cho rằng nếu thực hiện đúng thì sẽ có khác biệt quan trọng trong hình thức thi đánh giá năng lực và thi truyền thống. Thi đánh giá năng lực với mục tiêu đo năng lực người học để lấy đó làm căn cứ phục vụ tuyển sinh, cơ sở của kỳ thi là đề thi được chuẩn hóa. Ngược lại, mô hình truyền thống chỉ là kiểm tra kiến thức, xem HS nhớ được gì, kiến thức có được tới đâu, mức độ hiểu, tư duy, xử lý đến đâu…
TP.HCM đổi mới ra đề theo hướng vận dụng vào thực tiễn
Tại TP.HCM, Sở GD-ĐT thực hiện việc tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập bằng hình thức thi tuyển. Nếu dự thi vào lớp thường, HS có 3 nguyện vọng, còn muốn dự thi vào lớp chuyên, HS có 4 nguyện vọng. Kỳ thi tuyển sinh do Sở tổ chức vào ngày 2 và 3.6, thí sinh dự thi lần lượt các môn ngữ văn, toán, ngoại ngữ và môn chuyên.
Về đề thi, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đổi mới cách ra đề thi theo hướng vận dụng lý thuyết vào thực tiễn nhất là môn toán và ngữ văn, khuyến khích HS thể hiện khả năng tư duy, lập luận và phân tích. Nội dung kiến thức nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là các kiến thức của lớp 9.
Sở cũng yêu cầu các trường THPT dân lập, tư thục thực hiện theo phương thức xét tuyển, không tổ chức thi tuyển hoặc kiểm tra trình độ dưới bất cứ hình thức nào.
Dù là cách thi mới nhưng chắc chắn sẽ không đánh đố học sinh, không đòi hỏi các em phải luyện thi mới làm được bài. Các câu hỏi đặt ra trong đề thi mới chỉ dừng ở mức độ đánh giá năng lực học tập chứ chưa quá đề cao đánh giá năng lực áp dụng kiến thức vào thực tiễn cuộc sống |
||
PGSLê Kim Long, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục Hà Nội |
Các trường khác ở Hà Nội vẫn thi theo hình thức tự luận Ngày 9.6, Hà Nội sẽ tổ chức một kỳ thi chung vào lớp 10 cho tất cả các trường THPT với 2 môn ngữ văn và toán theo hình thức tự luận, phương thức thi không có gì thay đổi so với nhiều năm gần đây. Còn đối với HS có nguyện vọng thi vào lớp chuyên của 4 trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, Nguyễn Huệ, Chu Văn An, Sơn Tây, ngoài 2 môn thi cùng với hệ không chuyên, sẽ thi thêm môn ngoại ngữ và các môn chuyên vào ngày 10 và 11.6.
Theo: (Giaoduc/TNO)