Phía sau Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch không tuyển sinh cả nước chính là bài toán trong cơ chế tài chính giáo dục đại học . Nếu không có kinh phí từ ngân sách thì liệu có đào tạo được ngành y với mức học phí quy định chỉ khoảng 10 triệu đồng/năm?
Liên quan đến Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch không tuyển sinh cả nước tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, ngày 9-6, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Bùi Văn Ga cho biết tại khoản 3, điều 3 Quy chế tuyển sinh ĐH hệ chính quy; tuyển sinh CĐ nhóm ngành đào tạo giáo viên hệ chính quy hiện hành (gọi là quy chế tuyển sinh) đã quy định: “Tất cả trường đều phải xây dựng và công khai đề án tuyển sinh trên trang thông tin điện tử của trường và trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD-ĐT trước khi thí sinh đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia; chịu trách nhiệm giải trình về các nội dung của đề án”.
Không phù hợp với quy chế tuyển sinh
Theo ông Ga, Công văn số 603/BGDĐT-GDĐH ngày 17-2 của Bộ GD-ĐT, Hướng dẫn công tác tuyển sinh đã yêu cầu: “Các trường ĐH, CĐ công bố đề án tuyển sinh 2017 trước ngày 20-3”.
Thực hiện các văn bản trên, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đã xây dựng Đề án tuyển sinh, trong đó nêu rõ: “Phạm vi tuyển sinh: Toàn quốc”. Đề án này đã được công khai trên cổng thông tin thi tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trên trang thông tin điện tử của trường theo quy định.
Đây là thông tin căn bản để 16.429 thí sinh của nhiều tỉnh, TP trong cả nước đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào trường.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã lên tiếng yêu cầu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thực hiện đúng quy chế tuyển sinh và đúng các nội dung trong đề án tuyển sinh mà nhà trường đã công bố. “Vào thời điểm này, khi các thí sinh đã hoàn thành đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển và ngày thi đã đến rất gần thì việc thay đổi khu vực tuyển sinh là không phù hợp với quy chế tuyển sinh. Điều này làm ảnh hưởng đến quyền lợi và gây băn khoăn, lo lắng cho nhiều thí sinh ở các tỉnh/thành phố khác ngoài TP HCM đã đăng ký xét tuyển vào trường” – ông Ga nói.
Đẩy thiệt thòi về thí sinh
PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết chiều 9-6, ông đã có buổi làm việc với UBND TP HCM nhưng chưa có kết luận nào được đưa ra. Trong tuần tới, UBND TP sẽ có buổi làm việc với trường sẽ đưa ra kết luận cuối cùng. Về phía trường, sau khi có công văn của Bộ GD-ĐT yêu cầu trường phải tuyển sinh trong cả nước thì trường vẫn phải chờ sau khi có kết luận cuối cùng từ UBND TP. Trường chưa thể đưa ra thông tin gì mới hơn thông báo ngày 7-6 về việc chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu TP HCM.
Với cách giải quyết đẩy thiệt hại về thí sinh (từ bỏ nguyện vọng đã đăng ký, chưa biết cách hoàn trả lệ phí đăng ký như thế nào…), Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng bị thiệt hại uy tín không ít, nhất là ngày thi đã cận kề. “Tình tiết giảm nhẹ” duy nhất là thí sinh vẫn còn cơ hội điều chỉnh bổ sung nguyện vọng trong thời gian từ 15 đến ngày 21-7.
Tuy nhiên, với việc Bộ GD-ĐT yêu cầu Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phải thực hiện tuyển sinh là cả nước chứ không chỉ ở TP HCM thì số phận của hơn 12.000 thí sinh đã đăng ký xét tuyển vào trường hiện chưa biết sẽ ra sao.
Một chuyên gia giáo dục nhận định “sự cố” thay đổi vùng tuyển của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch dù liên quan hơn chục ngàn thí sinh cũng chỉ là một việc cụ thể. Chưa biết cách giải quyết cuối cùng sẽ như thế nào trong tình thế ý kiến chỉ đạo giải quyết của Bộ GD – ĐT và của UBND TP HCM trái nhauthì tâm lý của thí sinh chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Nan giải bài toán tự chủ tài chính
Phía sau câu chuyện của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nổi lên bài toán về tài chính. Hiện nay, mức học phí đào tạo cho các trường y, dược công lập chỉ ở mức khoảng 10 triệu đồng/năm. Trong khi đó, các trường ngoài công lập, mức học phí đào tạo các ngành y, dược cao hơn gấp nhiều lần. Ví dụ, tại Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang), học phí 25,5 triệu đồng/năm; Trường ĐH Tân Tạo (Long An) gần 150 triệu đồng/năm; ngành dược của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành 34,5 triệu đồng/năm…
Đại diện một trường ĐH đào tạo lĩnh vực y dược thông tin hiện một suất đầu tư cho một sinh viên ngành y trung bình khoảng 50 triệu đồng/năm. Trong khi đó, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hiện chỉ thu mức học phí khoảng 10 triệu đồng/năm. Vậy nếu không có nguồn kinh phí hỗ trợ từ TP HCM thì trường làm cách nào để có thể đủ kinh phí đào tạo trong khi mức học phí phải thu theo quy định?
Thông thường, việc tuyển sinh theo hộ khẩu chủ yếu là do trường nhận kinh phí hỗ trợ chi phí đào tạo từ địa phương nên ưu tiên dành cho học sinh có hộ khẩu trên địa bàn. Điều đó có nghĩa là học phí áp dụng cho sinh viên có hộ khẩu trên địa bàn đã được hỗ trợ.
TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP HCM, cho rằng khó khăn của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là đến thời điểm phải công bố đề án tuyển sinh năm 2017 (ngày 20-3), trường chỉ mới nhận được chỉ đạo về chủ trương của Bí thư Thành ủy TP HCM. Tuy nhiên, để thực hiện chỉ đạo này, đặc biệt là xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính trong hỗ trợ sinh viên tại chỗ, các chính sách học bổng, phân công tốt nghiệp… trường phải có đề án cụ thể, chi tiết trình UBND TP HCM để được phê duyệt. Đây là điều quan trọng vì chi phí đào tạo cho khối ngành khoa học sức khỏe cao hơn các ngành khác khá nhiều. Có lẽ chính vì do chưa có đề án cụ thể nên UBND TP HCM (đơn vị chủ quản Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) chưa chấp thuận cho trường tuyển sinh trên cả nước.
Một số chuyên gia giáo dục cho rằng có thể còn một số phương án giải quyết khác như thu đủ, thu đúng học phí cho các sinh viên “ngoại tỉnh”. Tuy nhiên, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là trường công lập, mức trần học phí phải tuân thủ các quy định của Chính phủ, không thể tùy tiện nâng học phí. Rơi vào tình thế này, nhà trường chọn cách đơn giản nhất là trở lại phương án xét tuyển như cũ, nghĩa là chỉ xét tuyển các học sinh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn.
“Qua sự việc này một lần nữa cho thấy các vấn đề lớn ở phía sau đó là tự chủ tài chính, bộ chủ quản trường ĐH, tự chủ tuyển sinh... của các trường ĐH là một quá trình còn khá xa vời” – TS Nghĩa nhấn mạnh.
PGS-TSĐẶNG VŨ NGOẠN, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM: Không nên “bế quan tỏa cảng”
Tôi không cho rằng quyết định chỉ tuyển thí sinh có hộ khẩu TP HCM là quyết định đúng đắn dù UBND TP có quyền. TP HCM là trung tâm của cả nước thì không nên “bế quan tỏa cảng”.
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch là trường đã có thương hiệu. Nếu mở rộng tuyển sinh trong cả nước thì chất lượng đầu vào của trường sẽ tăng lên, từ đó trường sẽ có lợi nhiều thứ.
TSHOÀNG NGỌC VINH, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp – Bộ Giáo dục và Đào tạo: Không nên kéo dài việc dùng ngân sách
Việc trường đột ngột thông báo không tuyển sinh thí sinh có hộ khẩu ngoài TP HCM làm rối loạn cả hệ thống. TP HCM không chỉ cấp ngân sách cho Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch mà còn cấp cho Trường ĐH Sài Gòn. Cớ gì Trường ĐH Sài Gòn tuyển sinh trong cả nước còn ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch lại không?
Các trường cần hướng đến tự chủ, trong đó có tự chủ về tài chính chứ không thể kéo dài việc dùng ngân sách. Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch hoàn toàn có khả năng tự chủ. Ở khía cạnh tuyển sinh, trường tuyển sinh trong cả nước sẽ làm tăng tính cạnh tranh của các thí sinh, từ đó nâng cao chất lượng đầu vào.
PGS-TSNGUYỄN THIỆN TỐNG, nguyên giảng viên Trường ĐH Bách khoa – ĐHQG TP HCM: Cần tuyển được người giỏi
Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch phải mở cửa tuyển sinh trong cả nước để người giỏi ở khắp nơi vào học, khi ra trường có thể họ sẽ ở lại đóng góp cho TP thì TP hưởng lợi nhiều, còn khi họ về cống hiến cho địa phương thì TP cũng có công lao.
Theo: (Giáo dục /NLDO)