Theo đề án Đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hạt nhân do Bộ GD-ĐT chủ trì, từ năm 2009, Bộ này sẽ tổ chức tuyển sinh chuyên ngành điện hạt nhân.
Theo đó, cả nước có 7 đơn vị tham gia đào tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ hạt nhân là: ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội), ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), ĐH Điện lực, ĐH Đà Lạt, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Viện Vật lý (Viện Khoa học công nghệ Việt Nam).
Tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến khoảng 2.000 tỉ đồng.
Ở nước ta hiện có 4 trường đại học có khoa, hay bộ môn về hạt nhân, tuy nhiên các tài liệu, chương trình giáo dục và đào tạo chưa phù hợp, chưa đáp ứng nhu cầu đào tạo về công nghệ và an toàn điện hạt nhân. Trong khi đó, tổ máy đầu tiên của nhà máy điện hạt nhân Việt Nam dự kiến bắt đầu vận hành, phát điện thương mại vào năm 2020.
Theo khuyến cáo của cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), khâu chuẩn bị hạ tầng, trong đó then chốt là nguồn nhân lực khoa học và công nghệ cho lĩnh vực này cần phải đi trước 10-15 năm.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, nguồn nhân lực hạt nhân hiện nay của Việt Nam chỉ khoảng 700 người, chủ yếu đang làm việc tại Viện Năng lượng nguyên tử và Cục An toàn bức xạ và hạt nhân. Đội ngũ cán bộ này sẽ tham gia vào chương trình điện hạt nhân. Nếu Việt Nam đào tạo 70 người mỗi năm, phải sau 12-15 năm nữa mới có đủ số cán bộ chuyên môn cho ngành này.
Theo Sài gòn Tiếp Thị