(Hiếu học). Với nhiều công ty tư vấn du học như hiện nay, các phụ huynh và học sinh không dễ lựa tìm được một nơi tư vấn có uy tín và tin cậy. Trong khi chờ đợi những chính sách hữu hiệu, các chuyên gia trong lĩnh vực du học đã chỉ ra 5 nguyên tắc tránh sai lầm khi đi du học.
Khoảng hơn mười năm về trước, du học như một liều thuốc tiên mở cánh cửa cho rất nhiều gia đình có khát vọng đổi đời bằng du học hoặc những cậu ấm cô chiêu trượt đại học ở Việt Nam được những ông bố bà mẹ lắm tiền “dán” một cái mác sang trọng là du học.
Theo ước tính, mỗi năm Việt Nam có hàng nghìn học sinh đi du học nước ngoài ở các cấp học theo hình thức tự túc. Con số này mỗi năm một tăng do nhu cầu và điều kiện kinh tế của các gia đình khấm khá hơn. Theo đó, số tiền mà các gia đình đổ vào hành trình đi tìm chất xám này ước chừng lên tới vài trăm triệu đô la.
Đáp ứng nhu cầu du học ngày càng đông đảo, các công ty tư vấn du học mọc ra như nấm với không ítcác trò lừa như làm giả visa, giả mạo thông tin về các trường học và ngành học…
Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bành Tiến Long, hiện các cơ sở tư vấn du học chỉ làm mỗi việc sao tuyển người và đưa người đi ra nước ngoài học là hết trách nhiệm. Không phải cơ quan tư vấn du học nào cũng đảm bảo chất lượng.
Thứ trưởng cũng cho biết, trách nhiệm của các cơ sở tư vấn du học không chỉ làm thủ tục, đưa các em đi học là xong mà họ cần liên hệ với các cơ quan quản lý giáo dục trong nước, các Sở và thậm chí là Bộ GD&ĐT để tạo cầu nối, giúp đỡ nhau trong việc tìm trường…Tuy nhiên, rất tiếc nhiều cơ sở đã không làm điều này.
Đến thời điểm hiện nay, qua nhiều thời gian sàng lọc, các công ty tư vấn du học của Việt Nam đã nghiêm túc hơn, làm ăn khá bài bản và uy tín.
Tuy nhiên, giữa một “rừng” công ty tư vấn du học nhiều như hiện nay, các phụ huynh và học sinh không dễ lựa tìm được một nơi tư vấn có uy tín và tin cậy.
Không còn lừa đảo theo kiểu đem con bỏ chợ hoặc tiền mất tật mang, nhưng nhìn chung vấn đề nổi lên của tư vấn du học ở Việt Nam hiện nay là loạn thông tin. Các công ty đưa ra quá nhiều thông tin hấp dẫn khiến người dân khó phân biệt và dễ bị nhầm lẫn. Chẳng hạn có nhiều trường đại học tưhoặc địa phương ở Mỹ có tên gần giống Cambrige (tuy nhiên, phần đuôi có thêm một vài chữ gì đó đã được các công ty tư vấn lập lờ khiến nhiều người nhầm tưởng là trường đại học danh tiếng). Hoặc có nhiều công ty đưa thông tin về quy mô và tầm cỡ của các trường khác với sự thật mà chỉ khi nào sang đến nơi nhập học, học sinh mới biết mình bị lừa…
Để tránh bị loạn thông tin, theo kinh nghiệm của nhiều người, hiện nay, sinh viên hoàn toàn có thể tìm hiểu thông tin qua nhiều nguồn khác nhau. Chẳng hạn, có thể tìm các thông tin cần thiết về du học tại các triển lãm du học, tại các trường đại học có đại diện tại Việt Nam, tại các sứ quán, các lãnh sự quán, tại các website của các trường, nhờ người thân, bạn bè hiện đang ở nước ngoài tìm giúp…
Theo những người công tác trong lĩnh vực tư vấn du học, có thể chế tài đối với những sai phạm nghiệp vụ của các đơn vị tư vấn du học bằng cách thành lập hiệp hội chuyên ngành được chính quyền và đơn vị chức năng công nhận.
Trong khi chờ đợi những chính sách hữu hiệu đó, các chuyên gia trong lĩnh vực du học đã chỉ ra 5 nguyên tắc tránh sai lầm khi đi du học như sau:
1.Kiểm tra thông tin về trường, học phí, chính sách của trường cũng như quốc gia dự định đến học ngay tại cơ quan giáo dục quốc tế của nước đó, thường có trụ sở tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
2. Không ký bất kỳ hợp đồng hay văn bản dịch vụ nào khi chưa thật sự yên tâm về tài chính và kế hoạch học tập. Đòi hỏi bảng chi phí minh bạch về phí dịch vụ, chi phí học hành, ăn ở, bảo hiểm… Mọi giao dịch đều yêu cầu có biên nhận, biên lai, phiếu thu rõ ràng.
3. Gặp trực tiếp giám đốc hoặc tham vấn viên cao cấp của tổ chức dịch vụ để hỏi kinh nghiệm thực tế của họ về giáo dục quốc tế và nơi sẽ đến học.
4. Nếu dịch vụ đòi thêm chi phí phát sinh vào giai đoạn cuối trước phỏng vấn hoặc trước khi có visa là bất thường, hãy chất vấn cho rõ, nếu cần liên hệ thẳng với cơ quan cấp visa hoặc trường học, những nơi này luôn bảo vệ quyền lợi du học sinh hơn là dịch vụ. Đừng nghe lời khuyên giao một số tiền lớn để “bao” visa, điều này là không có thật.
5. Không nên uỷ quyền cho dịch vụ thay mình chuyển tiền, việc này làm rất dễ dàng tại ngân hàng. Khi chuyển đọc kỹ “Invoice”. Riêng phí ăn ở chỉ nên trả tối đa 3 tháng vì khi sang đến nơi nếu không thích hợp thì chuyển sang nơi ở mới. Nếu nghi ngờ có thể gửi e-mail trực tiếp sang trường sẽ học để họ giải thích.
Nguồn: (toquoc.gov.vn).