Ở tuổi 66, Tiến sĩ Võ Thị Hạnh vẫn miệt mài với công việc. Bà mong muốn mang nhiều chế phẩm sinh học hữu ích đến với người tiêu dùng.
=> Sự tỉnh táo, sáng suốt trong kỹ năng quản trị
Trên thị trường, Công ty TNHH Sinh học Phương Nam không phải là một tên tuổi được nhiều người biết đến. Điều này dễ hiểu bởi một người làm khoa học như bà Hạnh, khi bước vào kinh doanh, bán lẻ là một bài toán đầy thách thức, đặc biệt càng thách thức hơn khi trong cơ cấu nhân sự của Phương Nam không hề có phòng kinh doanh cũng như bộ phận tiếp thị.
Ngày nay, với nhà máy sản xuất trên nền đất khoảng 4.200 mét vuông tại khu công nghiệp Xuyên Á và hơn 100 khách hàng là doanh nghiệp, Phương Nam có doanh thu đủ đảm bảo đời sống kinh tế của đội ngũ nhân viên gần 50 người.
Câu chuyện chuyển hướng từ bán lẻ sang bán sỉ của Phương Nam khá thú vị. Năm 2001, bà Hạnh cùng các cộng sự tại Phòng Vi sinh ứng dụng thuộc Viện Sinh học nhiệt đới nghiên cứu sản xuất thành công chế phẩm sinh học Bio-I và Bio-II chứa hỗn hợp vi sinh vật hữu ích sống và enzym tiêu hóa dùng cho heo, gà, tôm, cá. Được giới chuyên môn đánh giá sản phẩm có chất lượng tốt, bà Hạnh muốn đưa chúng ra thị trường, nhưng với nguồn nhân lực hạn chế, bà biết không thể định hướng bán lẻ sản phẩm. Câu hỏi đặt ra: muốn bán sỉ phải bắt đầu từ đâu?
Kể lại câu chuyện cách đây 16 năm, bà Hạnh cho biết khi đó bà quyết định gõ cửa Công ty cổ phần Thuốc thú ý trung ương Navetco. Đây là một công ty lớn, có tầm ảnh hưởng trong ngành và họ đang dùng sản phẩm của Mỹ. Cuộc “gõ cửa” nếu thành công, sản phẩm sẽ có thêm những khách hàng mới. Lúc đó, Navetco nửa muốn thay đổi vì sản phẩm mới có giá rẻ hơn, nửa lại không muốn vì sợ sản phẩm không đảm bảo chất lượng, kém an toàn. “Tôi đã đề nghị họ hãy cho dùng thử sản phẩm, nếu hài lòng thì mới phải trả tiền”, bà Hạnh kể.
Thế rồi tiếp sau đó, Navetco lại đề nghị được dùng thử Bio II dành cho tôm và nếu tôm chết thì phía bà Hạnh sẽ phải bồi thường thiệt hại. Bà Hạnh cũng đồng ý luôn! Cuối cùng, kết quả thử nghiệm cho thấy Bio II không thua kém sản phẩm ngoại nhập trong khi giá chỉ bằng một phần mười!
Vậy là cả Bio I lẫn Bio II đều chinh phục được Navetco. Và đúng như dự đoán, dù không cần quảng bá, các doanh nghiệp trong ngành cũng đã biết và tìm đến Viện Sinh học nhiệt đới. Bà Hạnh và cộng sự không còn phải lo khâu đầu ra.
Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách hàng, năm 2008, bà Hạnh và cộng sự quyết định thành lập Công ty TNHH Sinh học Phương Nam. Năm 2010, nhà máy được chính thức khởi công để đi vào vận hành vào năm 2013. Hai năm sau, năm 2015, công ty được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Long An công nhận doanh nghiệp khoa học công nghệ.
Nhắc lại chuyện cũ, bà Hạnh cho biết đối tác Navetco từng nhận xét bà là người gan dạ, nhưng thật ra không phải bà gan mà bà tỉnh táo, bởi bà biết rõ sản phẩm của bà an toàn. Nhưng đó là “chuyện hồi xưa”, hồi môi trường còn trong lành, chưa bị ô nhiễm. “Với tình hình môi trường như hiện nay mà kêu tôi cam kết như vậy, chắc chắn tôi không dám”, bà Hạnh chia sẻ.
Nhìn lại quãng đường từ nhà khoa học chuyển sang doanh nhân, bà Hạnh không nói nhiều về những khó khăn mà nhấn mạnh đến những điều may mắn bà có được.
Tốt nghiệp chuyên ngành hóa học vào năm 1976, năm 1977 bà bắt đầu làm việc tại Tổ vi sinh, Phòng Sinh học thực nghiệm, Phân viện Khoa học Việt Nam (nay là Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Làm chuyên về vi sinh, như bà Hạnh chia sẻ, đó là cái duyên và cũng là may mắn lớn. Nói “may mắn” vì đối với bà, thế giới vi sinh đã mở ra cho bà thấy khả năng kỳ diệu của những sinh vật nhỏ bé trong cuộc sống. Điều may mắn nữa là với kiến thức hóa học, bà biết cách tạo lập môi trường tối ưu dựa trên những nguyên liệu có sẵn mà không phải phụ thuộc vào nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài.
Ở Phương Nam, bà Hạnh còn may mắn khi có được một đội ngũ nghiên cứu gắn bó với nhau từ năm 1997 thời bà còn làm ở cơ quan nhà nước cho đến khi bà mở công việc kinh doanh riêng. Trong câu chuyện quản trị hiện đại, người ta thường đề cập đến tinh thần làm việc nhóm như là một thành tố quan trọng trong bất cứ dự án nào. Làm khoa học cũng vậy, cần lắm những nhóm làm việc chung, bởi nhiều cái đầu sẽ chắc chắn hơn một cái đầu.
Đi sâu vào thế giới vi sinh sẽ thấy vi sinh có thể ứng dụng trong các ngành dược phẩm, thực phẩm và nông nghiệp. Trong ba mảng riêng biệt như vậy, bà Hạnh đã chọn hướng đi chính cho Phương Nam là gắn bó với nông nghiệp cùng với nhiều dòng sản phẩm đa dạng, phục vụ từ trồng trọt đến chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, và gần đây có mở rộng thêm mảng xử lý nước thải.
Trả lời vì sao bà chọn đi theo nông nghiệp mà không phải là dược phẩm hay thực phẩm?, vị giám đốc này chia sẻ: “Tôi thấy 70% người dân Việt sống nhờ nông nghiệp. Thái Lan dù đã đi trước chúng ta mấy chục năm nhưng nông nghiệp vẫn đóng vai trò quan trọng. Thế giới này cũng không thể sống mà thiếu nông nghiệp và nông nghiệp có xu hướng rời xa hóa học để đến với các giải pháp sinh học. Trên những cơ sở như vậy, tôi nghĩ nông nghiệp là một hướng đi phù hợp, và may mắn là tôi đã có lựa chọn đúng đắn”.
Đồng ý rằng thành công cần có yếu tố may mắn, nhưng việc quan sát để nhận diện xu hướng và mạnh dạn chuẩn bị để có thể đón lấy cơ hội thì đó không gọi là may mắn mà đó là tố chất của một doanh nhân. Ở tuổi 66, bà Hạnh vẫn miệt mài với công việc. Bà mong muốn mang nhiều chế phẩm sinh học hữu ích đến với người tiêu dùng.
Theo: Đức Tâm (TBKTSG)