Tự lực cánh sinh

Do biết vươn lên từ nghịch cảnh mà một cậu bé mồ côi đã biết định hướng cho tương lai của mình bằng lối sống không ỷ lại vào người khác, tự lực cánh sinh để không chỉ tạo lập cho mình một vị trí thật đáng trân trọng trong xã hội mà còn dìu dắt, hướng dẫn nhiều người được thành công và thành danh trong cuộc sống

Trần Văn Khê là cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam và thế giới. Nhân dịp Công ty văn hóa Phương Nam tái bản Hồi ký Trần Văn Khê kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của ông. Xin được giới thiệu và trích đăng một số câu chuyện tiêu biểu từ hồi ký và tự truyện của ông.

Trong mọi tình huống tôi luôn nghĩ rằng mình phải tự lực cánh sinh, không chờ đợi sự giúp đỡ của cô bác. Do đó, hoàn cảnh “mồ côi đáng thương” trở nên “cơ hội đáng quý” để tôi tự tôi luyện bản thân…”. (GS-TS Trần Văn Khê – Ảnh)

Trần Văn Khê sinh ngày 24.7.1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình có đến 4 đời hoạt động âm nhạc nghệ thuật cho nên ngay từ thời thơ ấu âm nhạc dân tộc đã thấm vào máu cậu: lên 6 tuổi biết đờn đàn kìm (đàn nguyệt), 8 tuổi biết đàn cò (đàn nhị), 12 tuổi biết đàn tranh, đánh trống nhạc…

Tuy nhiên, cuộc đời của Trần Văn Khê không suôn sẻ, bằng phẳng: 9 tuổi cậu đã phải mồ côi mẹ, 10 tuổi lại đội tang cha – nghịch cảnh như đổ ập xuống ba mái đầu thơ dại mà Trần Văn Khê là người anh cả. May thay, đại gia đình nội ngoại đã dang rộng vòng tay đùm bọc…

Ngày nay, trong trí óc của vị giáo sư – tiến sĩ – viện sĩ âm nhạc đã 90 tuổi, phải ngồi xe lăn vì nhiều chứng bệnh, vẫn còn bàng bạc hình bóng người mẹ thân yêu:

“Tôi nhớ, năm tôi mới 2 tuổi, mẹ đã dạy bảng chữ cái cho tôi. Mẹ dùng lá bài cào cắt thành 24 chữ cái. Tôi cầm xấp chữ cái trên tay, ném từng chữ lên bàn, dẫu chữ nằm nghiêng ngả thế nào, tôi vẫn đọc chính xác… Hồi tôi ở Honolulu (Mỹ), khi có một bàn tay phụ nữ tấn tấm ra giường và đắp mền cho mình, tôi mơ hồ cảm nhận đó là bàn tay yêu thương của mẹ. Đến tận bây giờ, khi đã ở tuổi 90, tôi vẫn thỉnh thoảng còn cảm giác ấy. Những lần tôi đi ngủ, con cháu đến tấn mùng cho, nhắm mắt lại, tôi cảm nhận được như mẹ đang ở bên mình, chăm sóc mình. Mỗi lần xức dầu Khuynh Diệp, tôi lại nhớ lúc 4, 5 tuổi, tôi bị đau nhức chân tay, được mẹ xức dầu Khuynh Diệp cho. Tôi nhớ cả cách mẹ giáo dục tôi bằng cách cắt nghĩa đúng sai chứ không bao giờ đánh đập con… Nhớ ba tôi cười trong đêm giao thừa, khi anh em chúng tôi chào ba tôi như trong hát bội: “Quờn Nhứt điện, Nhị điện, Công nương bái tạ phụ vương, chúc thánh thượng tuế tăng, vạn vạn tuế”. Nhớ tiếng đờn kìm của cha gân guốc, chữ nhấn sâu sắc đậm đà. Nhớ đôi mắt mẹ hiền nhìn tôi như cưng thương mà năn nỉ tôi ở lại nhà khi mẹ con chia tay, để mẹ đi biểu tình chống thuế vụ do chánh quyền thuộc địa áp đặt. Sau chuyến đi đó, mẹ tôi bịnh nặng rồi vĩnh viễn ra đi…”.

Có một tuổi thơ êm đềm – học đàn bên cha, học chữ với mẹ như thế, vậy mà bỗng chốc cái tổ ấm ấy chỉ còn lại ba con chim con, non nớt. Dạo đó, mới 10 tuổi mà “ông anh cả” Trần Văn Khê đã có những nghĩ suy “lớn trước tuổi”. Hãy nghe ông tâm sự: “Nhiều bạn khi biết tôi mồ côi mẹ năm lên chín, mất cha năm lên mười thì tỏ ra thương cảm và nghĩ rằng tôi kém may mắn hơn những trẻ đồng lứa. Đúng là mồ côi cha mẹ làm cho tôi cảm thấy thiếu tình thương chăm sóc, thiếu sự nâng niu, thiếu cái quyền được dựa vào cha mẹ khi cần thiết, khi thấy bơ vơ, cô độc… Quay trở lại với tuổi thơ của tôi, dẫu biết rằng tất cả cô bác trong gia đình đều dành tình thương đặc biệt cho tôi – một đứa trẻ mồ côi – nhưng đó không phải là bổn phận mà do lòng thương cảm, nếu không muốn nói là thương hại… Tôi cũng tự thấy mình lớn trước tuổi. Tôi hiểu rằng tôi không có quyền đòi hỏi, vòi vĩnh cô bác như đối với cha mẹ. Ngay từ nhỏ, tôi đã không bao giờ trách số phận cho tôi sớm bơ vơ, thiếu thốn tình thương của đấng sinh thành. Bởi lẽ, nếu tôi buồn khổ thì hai em tôi sẽ chỉ buồn khổ thêm. Tôi nhận thấy trách nhiệm của mình với hai em rất lớn. Thương em, tôi càng cố gắng tỏ ra mạnh mẽ, có khóc cũng chỉ khóc một mình, không cho em biết… Trong mọi tình huống tôi luôn nghĩ rằng mình phải tự lực cánh sinh, không chờ đợi sự giúp đỡ của cô bác. Do đó, hoàn cảnh “mồ côi đáng thương” trở nên “cơ hội đáng quý” để tôi tự tôi luyện bản thân…”.

Hai người em của ông là Trần Văn Trạch (sau này là nghệ sĩ, nổi danh “quái kiệt” đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam) và Trần Thị Ngọc Sương, lúc ấy còn quá nhỏ nên luôn xem “anh Hai” là điểm tựa. Hoàn cảnh thiếu thốn đã dạy cho Trần Văn Khê biết dành dụm, chắt chiu từng đồng xu ăn quà và dè xẻn, không chi tiêu phung phí nên cũng đáp ứng được những nhu cầu nhỏ nhoi của em mình: “Tôi được người cô thứ năm có chồng giàu nuôi tôi ăn học, mỗi ngày cho tôi ba xu để ăn quà thì tôi chỉ tiêu hai xu và để dành một xu một ngày. Sau một quý, tiền dành dụm lên tới một đồng bạc (một trăm xu) để lúc nghỉ hè, tôi mua cho các em ăn các món ngon mà thường ngày chúng nó không được hưởng hoặc những món đồ chơi mà chúng nó ưa thích. Tôi không nghĩ mua gì cho mình mà dồn hết lo cho em. Em Trạch thích đột pháo con rít, tôi nhịn ăn dành tiền mua cho em. Những lần em Trạch buồn vì nhớ cha mẹ, tôi không bảo em đừng buồn nữa mà nhẹ nhàng ôm em vào lòng, vuốt tóc em, hát cho em nghe những bài hát em thích. Tính Trạch là vậy, cứ nghe hát, được tập hát là em cười liền… Em gái Trần Thị Ngọc Sương thì coi tôi như thần tượng, như người mẹ. Biết em thích coi hát bóng, tôi sắp xếp công việc, để dành tiền đưa em đi. Em ưa một loại mỹ phẩm làm láng tóc của Pháp. Tôi nhịn ăn, mua cho em… Khi em bước vào tuổi thành niên, chọn bạn trai, tôi như một “người mẹ” để em chia sẻ tâm tư… Em cũng đã giới thiệu với các bạn rằng tôi là một người anh mà em xem như “từ mẫu”. Em tôi đã nhắc lại rằng chưa bao giờ em phải nhỏ một giọt nước mắt của thân phận trẻ mồ côi vì đã có anh Hai thay mẹ hiền…”.

Tự lực cánh sinh

Và như chúng ta đã biết, ngay từ thời thơ ấu do biết vươn lên từ nghịch cảnh mà một cậu bé mồ côi đã biết định hướng cho tương lai của mình bằng lối sống không ỷ lại vào người khác, tự lực cánh sinh để không chỉ tạo lập cho mình một vị trí thật đáng trân trọng trong xã hội mà giáo sư – tiến sĩ – viện sĩ âm nhạc Trần Văn Khê mà còn dìu dắt, hướng dẫn hai người em và con cháu được thành công và thành danh trong cuộc sống và trên con đường nghệ thuật, nhất là với nghệ sĩ Trần Văn Trạch và con trai đầu của ông: Giáo sư – tiến sĩ Trần Quang Hải.

Hồi ký và tự truyện Trần Văn Khê – “Vượt khỏi đám mây buồn tuổi thơ”

Hà Đình Nguyên (giới thiệu)/(TNO)

Bài liên quan

Tính cách kiên cường & nhu nhược

(Hiếu học). Không phải tất cả mọi người trên thế giới đều kiên cường, cứng cỏi. Nhưng trong cùng hoàn cảnh, có người tỏ ra kiên nghị, lại cũng có người tỏ ra yếu đuối, nhu nhược. Vì sao như thế?  

Thân tự lập thân: Tự lực – tự học.

(Hiếu học). Học tập bậc cao là một quá trình tự học, tự lực gian khổ tìm tòi học hỏi từ mọi người, mọi lúc, mọi nơi… Quá trình lập thân này chính là nền tảng cho sự tự quyết định vận mệnh của chính mình đi đến thành công.    

Lựa chọn quan trọng nhất cuộc đời chính là chọn thái độ sống.

(Hiếu học). Dù không thể lựa chọn hoàn cảnh sống, nhưng ta hoàn toàn có thể chọn lựa cách để đối phó với chúng. Tất cả đều tùy thuộc vào thái độ: Can đảm đương đầu để vượt qua hay chịu bị nhấn chìm. Chọn một thái độ sống là chọn lựa quan trọng nhất bởi nó ảnh hưởng đến tâm trạng hiện tại của chúng ta. Không chỉ từ những việc đã qua mà cả mọi việc chúng ta sẽ làm, sẽ thành công hay thất bại.

Vững tin, vững bước trên đường đời.

(Hiếu học). Chính những gì chúng ta làm trong thời gian hiện tại sẽ nói lên tương lai của chúng ta. Vì thế, vào những lúc vấp ngã bạn chớ nên nản lòng mà hãy biết cách tự mình khích lệ mình để vững tin, vững bước trên đường đời. Khi niềm tin lụi tàn, mất hết tinh thần, tâm tính chán chường thì hạnh phúc sẽ chỉ là bóng mờ hư ảo.

Ưu tư, lo lắng cho tương lai?

(Hiếu học). Tâm trí vẫn thường ưu tư vì lo lắng không biết trong tương lai sẽ làm gì, hoang mang tự hỏi liệu có vào Đại học được không và sẽ làm nghề gì? Đôi khi lại sợ hãi vì không biết gia đình có đủ tiền hay không, lỡ như phải nghỉ học nửa chừng thì sao? Tương lai sau này có được nhiều người yêu mến hay không? v.v… Đó là những nổi niềm ưu tư, lo lắng của đa số bạn trẻ chuẩn bị bước chân vào đời. Nhưng, câu trả lời … là gì?    

Tìm học ý nghĩa: Hy vọng, sợ hãi và thời gian.

(Hiếu học). Tất cả mọi người đều tìm học, hy vọng sẽ có được nhiều hiểu biết. Nhưng: “Điều kiện đầu tiên là phải biết nhìn cuộc sống với cặp mắt của trẻ thơ, cái gì cũng mới lạ với nó và đều có thể làm cho nó phải ngạc nhiên”. (Aristot).    

Cùng chuyên mục