Lúc đầu, người dân xã Quảng Phú Cầu, Ứng hoà, Hà Tây gọi anh là “thằng khùng”, lái ô tô kiếm gần cả chục triệu đồng một tháng, đùng một anh gác xe, bỏ nghề về “kết thân” với rác. Đó là câu chuyện về ông giám đốc công ty rác Lê Nam.
Bây giờ, ai cũng phấn khởi vì Công ty rác Lê Nam tạo ra nhiều việc làm mới cho người nghèo, các hộ sản xuất tăm hương có thêm nguồn thu từ phế liệu, kênh mương quanh làng trong sạch trở lại. Còn ông chủ trẻ tuổi này vẫn đang phác thảo một cơ sở sản xuất giấy cho riêng mình.
Bỏ vôlăng, kết thân với…rác
Đang đóng phooi nứa (thứ được thải ra từ những cơ sở sản xuất tăm hương) vào bao để đem bán cho doanh nghiệp Lê Nam, ông Minh ở thôn Xà Kiều nói như muốn cảm ơn người đã bỏ tiền ra mua loại rác này: “Trước đây, chiều nào đi qua xã này, ai chẳng bị khói phooi nứa hun cho đỏ mắt, nhà nào không đốt thì mang ra sông Nhuệ đổ trực tiếp xuống lòng sông, những dề phooi nứa trông thấy là khiếp luôn! Còn giờ thì tôi đóng bao đem bán lấy tiền”.
Việc ông giám đốc 8x bỏ nghề lái xe, về quê thành lập công ty thu gom phooi tre nứa, cũng xuất phát từ những ngày rong ruổi đó đây trên chiếc ô tô, để thoả sở thích đi đây đi đó của mình. Nam cho biết: “Tốt nghiệp cấp III, biết khả năng của mình, tôi không thi đại học, xin bố cho đi học lái xe. Rồi từ đó ăn nằm ở đậu trong rừng, hết Hoà Bình, Sơn La rồi cả biên giới Việt – Lào lấy nguyên liệu về sản xuất tăm hương, mây tre giang về bán ở xã kiếm lời. Đi nhiều mới biết, tre nứa không chỉ dùng để đan nát như ở quê mình, nhiều nơi còn dùng làm bột giấy”. Thế là, mọi ý tưởng bắt đầu hình thành trong đầu Nam.
Tuổi trẻ tò mò, những câu hỏi về việc lấy tre nứa làm nguyên liệu sản xuất bột giấy lúc nào cũng quanh quẩn trong đầu Nam. Cả xe nứa của Nam, người dân cũng chỉ tận dụng gần 90% để đan lát, còn lại là đốt hoặc quẳng xuống sông. Cách làm như vậy vừa gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khoẻ của người dân, lại vừa lãng phí.
Năm 2005, khi nghe đài báo nói về thôn Thống Nhất (Hà Tây), ở cuối nguồn sông Nhuệ, nhiều người bị mắc bệnh ung thư do sử dụng nước giếng khoan có chứa chất asen, một trong những nguyên nhân gây ra là chất thải từ những làng nghề ven sông Nhuệ. Nam sợ có ngày nước sẽ vận vào dân làng mình. Điều đó càng làm cho mong muốn biến nguồn phế liệu này thành giấy của Nam phải trở thành hiện thực.
Cuối năm 2005, một lần chở nứa về quê, “Tôi tranh thủ đánh xe ra nhà máy giấy Văn Điển mang theo gần một tấn phooi nứa, mấy ông bảo vệ thấy mình chở một đống rác vào công ty thấy vậy liền ngăn lại, nài mãi họ mới cho vào gặp ban lãnh đạo. Mọi ý tưởng chuẩn bị sẵn ở nhà đều bị họ đọc ra hết. Và… hợp đồng được ký” – Nam nhớ lại. Từ đó, Lê Văn Nam quyết định “kết thân với rác”.
Ý tưởng của chàng trai 8X
Công ty rác Lê Nam thu mua toàn bộ phế liệu của các cơ sở sản xuất tăm hương, mây tre giang của ba xã Quảng Phú Cầu, Phú Túc, Hoàng Long. Theo tính toán của Nam: “Ngày nào cũng có 10 xe ôtô chở tre nứa từ Thanh Hoá, Hoà Bình, Lai Châu… về tập kết ở bãi nứa đầu thôn Cầu Bầu, mỗi xe chở 40 tấn, tổng cộng có 400 tấn nguyên liệu được đưa vào sản xuất. Ở 3 xã này, số lượng phế liệu được thải ra hơn 10% (trên 40 tấn). Sợ không có sức mà gom thôi! Tre, gỗ trên rừng cũng ngày một khan nên các công ty giấy lúc nào chẳng cần đến mình”.
Từ đầu năm 2006, Công ty rác Lê Nam được đưa vào hoạt động, nhưng để trở thành ông giám đốc công ty rác thực sự là cả một quá trình thử thách đối với chàng trai sinh năm 1982 này. Nam dồn hết số vốn ki cóp được sau 5 năm hành nghề lái xe, vẫn thiếu Nam vay thêm bố mẹ, nhưng: “Bố mẹ chưa tin lắm vào việc biến phooi nứa thành tiền, nên không đầu tư. Bạn bè thì cũng đều trên 20 tuổi thì lấy đâu ra nhiều. Mọi việc chỉ được giải quyết khi anh trai tôi quyết định giúp một tay” – Nam tâm sự.
Có tiền thuê bãi tập kết rác, mua thêm một xe máy, một công nông và năm nhân công thu gom, đóng rác vào bao. Xuất hàng suôn sẻ, nhưng theo ông chủ này thì năng xuất lao động vẫn còn quá ì ạch, tất cả mọi người làm việc cật lực mỗi ngày cũng chỉ thu gom được 5 tấn, trong khi còn vài chục tấn nữa đành để người dân đốt, hàng xuất đi lúc nào cũng cháy. Vậy là, ông chủ trẻ này lại đầu tư thêm một máy ép rác (làm cho phooi tre nứa kết lại thành từng khổi, để vận chuyển được nhiều hàng hơn), một băng truyền, và một xe ba gác trọng tải 11 tấn. Từ đó, công ty rác Lê Nam có thêm nhiều hợp đồng xuất hàng mới như: nhà máy bột giấy Hoà Bình, Văn Điển, Hapaco Hải Phòng… Tháng cao điểm công ty xuất đi gần 300 tấn phooi nứa.
Có được công ty rác nhưng dường như Lê Văn Nam vẫn chưa yên tâm lắm đối với môi trường quê mình, theo ông giám đốc 8x này thì: “Muốn tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu này, chỉ còn cách xây dựng ở đây một xí nghiệp sản xuất giấy. Điều đó tôi còn đang hy vọng trong thời gian tới mình sẽ có kinh nghiệm để làm”.
(Theo Nguoilanhdao)