Thông tin về Nguyễn Kiều Hiếu, một trong hai học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Đà Nẵng đã đoạt huy chương bạc kỳ thi toán quốc tế IMO 2010, từ chối suất học bổng du học hàng chục ngàn đôla theo diện ưu đãi nhân tài của tỉnh, để ở lại Việt Nam theo học tại một trường đại học ở Hà Nội đã làm nhiều người ngạc nhiên.
Lý do duy nhất cậu học trò nghèo này đưa ra: học bổng không phải về toán học, trong khi đam mê của Hiếu là được trở thành một nhà toán học trong tương lai.
Cả 12 năm học, Hiếu đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Trong ba năm trung học phổ thông, Hiếu giành một giải nhì và hai giải nhất môn toán cấp thành phố, giải ba môn toán quốc gia và giờ là huy chương bạc Olympic toán quốc tế. Từ chối học bổng của tỉnh, Hiếu sẽ theo học cử nhân tài năng toán tại đại học Quốc gia Hà Nội. Ít ai biết nếu không có thầy Nguyễn Duy Thái Sơn, một người dành hết tình yêu cho học trò, dìu dắt các em vượt qua những khó khăn của cuộc sống thường nhật để nuôi dưỡng đam mê toán học, cuộc đời Hiếu có lẽ đã rẽ sang một hướng hoàn toàn khác.
Cuốn học trò theo mình
Bố mất sớm từ năm Hiếu mới chín tuổi, mẹ ở vậy tảo tần nuôi Hiếu lớn khôn. Là công nhân đồng lương ít ỏi, bà Kiều Thị Ba phải làm thêm nhiều việc khác, kể cả việc quét dọn để nuôi con. Ngay từ nhỏ, cậu bé đã sống trong mặc cảm con nhà nghèo. Trong lớp, Hiếu là cậu bé trầm nhất, ngồi im lặng tuốt phía sau lớp, và rất ít khi phát biểu hay tham dự các cuộc vui của bạn bè. Cách diễn đạt của Hiếu cũng không mấy rành mạch, có những lúc viết tắt, khác hẳn đáp án nên ít khi được thầy cô đánh giá cao. Chỉ đến khi thầy Sơn phát hiện ra em, Hiếu mới bật sáng. Cách tư duy logic, thích thử thách, có những lối giải hết sức bất ngờ với những bài toán khó, Hiếu đã lọt vào “mắt xanh” của thầy Sơn. Lớp chuyên của thầy Sơn được đến nhà thầy “ăn, ngủ, học, chơi” như con trong nhà, nhưng Hiếu là học trò thầy thương nhất. Thầy không chỉ dành những suất học bổng ưu tiên hàng năm cho Hiếu, mà còn giúp em vượt qua mặc cảm tự ti. Kể về học trò, giọng thầy Sơn hào hứng: “Niềm vui của tôi là những phút giây thầy trò cùng túm tụm làm đồ ăn. Nó khiến tôi như được sống lại thời trai trẻ. Tôi cứ phê bình hoài về cái tính nhút nhát. Hiếu đang tuổi dậy thì, mặt có mụn không phải do thức khuya đâu, mà do thể chất nhạy cảm với những món ăn lạ. Chính vì vậy em rất nhút nhát, hay xấu hổ. Sách toán tôi để đầy nhà, các em thích thì đọc, những gì không hiểu thì làm dấu, thầy trò cùng thảo luận. Có những bài toán khó, cả thầy và trò đều bí. Nhiều khi đang nửa đêm nghĩ ra lời giải, tôi không sao ngủ được, gọi điện thoại cho Hiếu nghe cách giải của tôi. Tôi nghĩ thầy đam mê thế, không có lý gì trò không đam mê!”.
“Thầy Nguyễn Duy Thái Sơn có hơn 25 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy toán học ở bậc đại học và trung học phổ thông, từng công bố 20 công trình khoa học trên các tạp chí chuyên ngành uy tín của Việt Nam, Nga, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Thầy được mời làm giáo sư và nghiên cứu sau tiến sĩ tại trung tâm Quốc tế về vật lý lý thuyết thuộc Cộng hoà Ý; trường đại học Ohio, Hoa Kỳ; đại học Kyoto Sangyo, Nhật Bản; đại học Vienna, Cộng hoà Áo. Năm 2003, thầy Sơn chọn con đường trở về Đà Nẵng theo chính sách “chiêu hiền đãi sĩ” của UBND TP Đà Nẵng”.
“Em muốn theo đuổi toán học tới cùng”
Hỏi Hiếu vì sao từ chối học bổng của tỉnh (*), em trả lời tự tin: “Vì chương trình học bổng của tỉnh không có ngành học em thích. Em cũng rất biết nỗi lo lắng của mẹ, nhưng nếu không học toán, em không biết làm gì hết. Em muốn được theo đuổi toán học tới cùng. Em mong giải thưởng cũng là một bằng chứng thuyết phục mẹ tin hơn vào con trai. Mẹ giờ đã về hưu, nên cuộc sống cũng khá khó khăn. Em có được thành tích này là nhờ sự động viên hàng ngày của mẹ cùng sự truyền nhiệt huyết của thầy Sơn. Thầy luôn lo lắng cho em như thể em là con ruột của thầy vậy”.
(*) Chi phí cho mỗi sinh viên du học theo chương trình học bổng này là từ 6.000 – 11.000 USD/năm, cộng thêm các khoản sinh hoạt phí khác: ở Anh là 1.000 EUR/tháng/sinh viên, Úc là 1.200 USD/tháng/sinh viên.
Kỷ niệm về Hiếu mà thầy Sơn nhớ nhất là mỗi lần được thầy trao học bổng, Hiếu rất ngần ngại: “Lớp mình có bạn Thành còn khổ hơn em, thầy nên giúp cho bạn ấy”. Thầy Sơn giải thích: “Tôi nói với em: “Thầy không thiên vị đâu. Nhà Thành 11 anh chị em, nhưng còn có đủ ba đủ mẹ, lại được cả xã giúp tiền mua cho chiếc xe đạp tới trường. Còn em, nhận tiền cũng là nhận trách nhiệm nặng nề đó”. Tôi nói vậy chắc nó hiểu. Hạnh phúc nhất của người thầy là có học trò vừa giỏi, vừa ngoan. Tôi nhớ mãi năm lớp 11, Hiếu không lọt vào đội tuyển Đà Nẵng đi thi toán quốc gia, em vứt chiếc xe đạp, lững thững về nhà như người mất hồn. Biết tin, tôi cũng buồn lắm. Tôi biết có thể thầy chấm bài không hiểu hết cách diễn đạt của em. Tập cho em đối diện với thất bại, tôi luôn động viên em điều cần nhất khi thi cử là phải chuẩn bị tâm lý cho tốt”.
Về quyết định từ chối học bổng của Hiếu, thầy Sơn thổ lộ: “Đây cũng là điều tôi và mẹ của em trăn trở nhất. Từ chối học bổng lúc này với em là quá thiệt thòi, đầy gian nan, em và mẹ sẽ phải vất vả nhiều hơn. Nhưng do ngành học của tỉnh không có toán mà chỉ có quy hoạch đô thị, cộng đồng… lại quy định học xong phải về phục vụ thành phố mấy năm, tôi sợ em sẽ bị gián đoạn chương trình học tiến sĩ. Trong khi đó, ở Hà Nội, nếu chịu khổ mấy năm học xuất sắc, em sẽ được chọn du học ở nước ngoài, như thế con đường toán học sẽ thênh thang hơn. Tôi cũng quen biết đại học Mỹ, có thể gửi gắm em. Mỗi tháng, Hiếu được học bổng một triệu đồng, cộng thêm một triệu của tỉnh, nếu đi dạy thêm, cũng sống được. Thành công lớn nhất của tôi không phải là danh hiệu các em đã đạt được, mà chính là cả hai đều quyết định học toán ở đại học Quốc gia. Tôi hứa là cha đỡ đầu của Hiếu, và sẽ theo dõi em trong suốt quá trình học tập. Tôi tin em có đủ nội lực để trở thành một tiến sĩ toán, như thế, ít ra em cũng có thể sống bằng cái đầu, bằng đôi chân của mình. Sự học của các em chính là niềm vui của tôi”.
Kim Yến/ (SGTT.VN)