Thám tử lừng danh Sê-lốc Hôm vừa hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Nghe tin này, các nhà báo chen chúc ra đón ông. Và họ thấy hiện ra ở cửa một ông già nhỏ bé, với chiếc tẩu thuốc cong queo và cây gậy trứ danh.
Không giấu nổi thất vọng, một nhà báo nói:
– Thưa ngài, bề ngoài của ngài chẳng có chút gì hình sự cả.
Nhà thám tử vĩ đại của nước Anh nhún vai:
– Tôi rất tiếc. Tôi không cơ bắp, không lái xe như bay hoặc bắn súng cả hai tay. Tôi không biết cả tắm biển với người đẹp. Tôi không đủ sức giết một con ruồi. Tôi chỉ biết dùng cái đầu của mình một cách vụng về thôi.
Các nhà báo nhìn nhau nghi ngờ. Kinh nghiệm bản thân khiến cho họ xưa nay có một mối nghi ngờ truyền thống về cái đầu kẻ khác cũng như đầu của chính mình.
Một nhà báo tiến lên:
– Thưa ngài Sê-lốc Hôm, ý ngài nói là mọi vụ án đều có thể khám phá bằng cách phân tích và suy diễn?
– Một cách khoa học – nhà thám tử khẳng định.
Nhà báo bèn rút ra hai tập tiền:
– Vậy xin ngài cho ý kiến về hai xấp tiền này.
Sê-lốc Hôm cầm một xấp lên ngắm nghía vài giây rồi nói ngay:
– Đây là tiền cát-sê của một nam ca sĩ.
Thiên hạ ồ lên:
– Sao ngài biết?
Thám tử phân tích:
– Vì các ca sĩ có thói quen nắm chặt micrô, và nắm tiền cũng vậy nên xấp này bị quăn ở hai bên. Đấy là đặc điểm thứ nhất. Tiền thù lao luôn luôn bị bầu rút bớt, nên nó thường là con số lẻ, đấy là điểm thứ hai. Ca sĩ để tiền trong hộp trang điểm, nên có một số bụi phấn. Dựa vào chất lượng phấn, biết ngay đây là một ca sĩ hạng B. Đây là ca sĩ nam vì tiền có mùi thuốc lá, nhưng có thể là nam “bóng” vì thuốc lá này rất nhẹ, người ta chỉ hút lấy dáng và hút cho sang. Vài tờ giấy bạc bên ngoài có mùi ốc nướng, chứng tỏ ca sĩ sau khi nhận tiền có đi ăn ốc vỉa hè, và ăn trong đêm khuya, lúc rút tiền không muốn cho bạn bè nhìn thấy mà chỉ thò tay vào túi giật mạnh nên có một vài bột giấy bị vướng vào giây thun. Xấp tiền cũng thoảng mùi xăng dầu, chứng tỏ chủ nhân ngồi xe suốt đêm khi đi hát ở tỉnh. Xăng này có pha dầu hôi, chứng tỏ là xe đò, không phải xe nhà nên ca sĩ này nghèo. Lúc lĩnh tiền, ca sĩ có khóc với ông bầu, sau đó dùng tay quệt nước mắt rồi cầm tiền nên có những tờ dính bột mắc-ca-ra.
Đám đông im lặng như tờ. Thám tử cầm lên xấp thứ hai:
– Đây là tiền của một thí sinh lên thành phố thi đại học. Nó bỏ trong túi quần, ngồi hon-da ôm nên tiền dính bết vào nhau. Các đồng tiền rất khác nhau về màu sắc và độ cũ nát, vì đây là tiền của người nông dân bán sản phẩm gom góp, một số tờ bạc bị mốc vì cất quá lâu, một số tờ bạc khác lại nhàu vì nắm chặt trong tay. Xấp tiền này được một bà già đếm cẩn thận nên có dính quết trầu và được buộc bằng ba lần dây thun chứng tỏ họ rất nâng niu. Thí sinh này khi lên thành phố thi mới diện một chiếc quần mới, nên tiền có mùi hồ. Quần này đi từ biên giới Cam-pu-chia sang nên mùi hồ là hồ Thái Lan, và do đó ta biết chủ nhân của quần ở miền Tây. Cứ chốc chốc chủ nhân lại sờ lại tiền nên những tờ bên ngoài mang dấu tay chằng chịt.
Toàn thể quan khách đờ ra. Một nhà báo bước lên, đưa ra hai xấp tiền khác:
– Xin ngài đoán xem.
Nhà thám tử đón lấy:
– Đây là tiền giải thưởng cuộc thi hoa hậu. Tiền này lấy từ nhà tài trợ. Nhà tài trợ nào cũng vay ngân hàng nên tiền mới tinh và theo đúng số thứ tự sê-ri. Còn đây là tiền lương của diễn viên hài. Tiền này được gói kín vì sợ kẻ này biết con số của kẻ khác và được để trong tờ biên nhận để trống con số, có sẵn các số không nên nhiều hình tròn, bà con gọi là to như cái bánh xe.
Cử tọa vỗ tay. Một nhà báo đưa ra hai xấp cuối cùng:
– Thưa ngài, đây là hai thứ tiền gì?
Nhà thám tử liếc qua nhanh như chớp:
– Đây là tiền bồi dưỡng và tiền hối lộ. Chỉ có chúng mới giống hệt nhau!
Lê Hoàng (Nguồn: Thanh Niên)