Tích trạng Nguyễn Đăng Đạo: Trạng nguyên tài đức lừng danh

Nguyễn Đăng Đạo là con tiến sĩ Nguyễn Đăng Minh, quê ở làng Hoài Bảo (tục gọi là làng Bịu), tổng Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nguyễn Đăng Đạo còn có tên là Nguyễn Đăng Liễn tự là Chất Phu, năm Nhâm Tuất (1682), ông đỗ Hương tiến (Cử nhân) được bổ làm Tri huyện Lương Tài (Bắc Ninh).

Năm Quý Hợi (1683), ông đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ (Trạng nguyên) khi ấy Nguyễn Đăng Đạo 32 tuổi. Vì quê Nguyễn Đăng Đạo ở làng Bịu nên dân chúng đương thời yêu mến thường gọi là Trạng Bịu.

Nguyễn Đăng Đạo nổi tiếng văn hay chữ tốt được bổ vào Viện Hàn lâm. Năm Đinh Mão 1687, ông được cử đi sứ sang nhà Thanh và 10 năm sau ông được cử đi sứ lần thứ hai (1697). Tương truyền có lần vua Thanh thử tài sứ giả Đại Việt đã ra câu đối:

“Xuân tiêu phong nguyệt, nguyệt thiêm hoa sắc; phong tống hoa hương, hương sinh sắc, sắc sinh hương, hương hương sắc sắc mãn xuân tiêu, tương tư khách hứng tương tư khách”. Nghĩa là:

“Đêm xuân trăng gió, trăng thêm sắc cho hoa, gió đưa hương hoa, hương sinh sắc, sắc sinh hương, hương hương sắc sắc suốt đêm xuân, khách tương tư nhớ nhung khách tương tư”.

Nghe xong vế xuất, Nguyễn Đăng Đạo đã ung dung đối lại tức khắc:

“Hạ nhật cầm thi, thi ngụ ngã tính, tính viên tình tình viên tính, tính tính tình tình ngu hạ nhật, tri âm nhân thức tri âm nhân”. Nghĩa là:

“Ngày hạ đàn thơ, thơ ngụ tình ta, đàn hòa tình ta, tính vươn tình, tình vươn tính, tính tính tình tình vui ngày hạ, bạn tri âm biết bạn tri âm”.

Sứ thần các nước khác đều có đối lại nhưng câu đối của Nguyễn Đăng Đạo được vua Thanh khen ngợi nhiều và sứ thần các nước cũng trầm trồ thán phục.

Bên việc làm tốt các trọng trách của triều đình, Nguyễn Đăng Đạo nổi tiếng là người cần, kiệm, liêm, chính, tận tụy mưu phúc lợi cho dân, nên được nhân dân và giới sĩ phu đều trọng vọng. Có thời dân chúng quê ông đói khổ, vợ chồng quan trạng đồng tâm hiệp lực đem hết số tiền dành dụm và kêu gọi người giàu có cùng làm tán trợ, cứu giúp dân khỏi lúc bĩ cực. Dân đương thời có lời truyền tụng rằng: “Không có tiền Trạng nguyên / Dân ta lấy gì yên? / Không có thóc của Trạng / Dân ta sao khỏi nạn / Đức của tướng công / Công ơn tướng công / Trải muôn đời nhắc nhở chẳng cùng”.

Nguyễn Đăng Đạo được bổ làm Đô đài ngự sử ngót 30 năm, rồi thăng Tham tụng sau thăng tới Thượng thư bộ lễ kiêm Đông các Đại học sĩ, tước Bá. Ông mất năm Kỷ Hợi – 1719 thọ 68 tuổi. Ông còn được truy tặng Thượng thư bộ Lại tước Quốc công. Ông đã để lại cho đời tập thơ được đời sau sưu tập nhan đề: “Nguyễn Trạng Nguyên phụng sứ tập”.

Nguyễn Đăng Đạo quả là một Trạng nguyên tài đức lừng danh hết lòng lo cho dân cho nước, sống liêm chính chí công vô tư dưới thời vua Lê Huy Tông (1676-1704).

Sưu tầm

Cùng chuyên mục