Tích Trạng nguyên Lê Văn Thịnh: Ăn trộm có phải là lao động không?

Lê Văn Thịnh đỗ Trạng Nguyên khoa thi năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ 2 (1075) đời vua

Lý Nhân Tông. Ông có lòng tự tôn dân tộc rất cao nên cả đời làm quan chỉ muốn sáng tỏ cái Đạo của người Đại Việt. “Trên thuận với trời, dưới hòa với đất, con người cung kính yêu thương nhau như anh em, ấy là cái Đạo của người Đại Việt’’.

Trí tuệ ông minh bạch rõ ràng lại có lòng thương dân nên đã xử nhiều vụ kỳ án rất được lòng người. Về mặt trí thức, có thể coi ông như là người đầu tiên tìm ra cách tính số Pi (mặc dù tính chính xác không cao) của Đại Việt.

Được coi là Trạng Nguyên, đầu tiên của Việt Nam, lại là người có công chân hưng việc học, rồi đòi lại những mảnh đất vùng biên giới do người phương bắc chiếm giữ, nhưng ông vẫn bị mang tiếng oan là có ý định giết vua nên bị đày đi xa.

ĂN TRỘM CÓ PHẢI LÀ LAO ĐỘNG KHÔNG?

Do cuộc sống của người dân bấy giờ phụ thuộc hoàn toàn vào công việc trên cánh đồng nên con trâu, con bò là những con vật quan trọng nhất. Để bảo vệ những con vật giúp dân cày ruộng, triều đình còn ra cả một điều luật cấm giết thịt trâu bò, ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí còn bị đi đầy ra vùng biên ải. Tội ăn trộm trâu bò cũng bị xử nặng như tội giết hại trâu bò. Ngoài điều luật dành cho tội giết trâu hay trộm trâu, triều đình cũng có những điều luật rất nghiêm khắc để trừng phạt những kẻ ăn trộm. Tuy nhiên, trải qua những thế kỷ bắc thuộc dài dằng dặc, chiến tranh rồi thiên tai tàn phá ở khắp nơi, người dân nhiều vùng khi đó lại không coi trộm cắp là một tội. Thậm chí người ta còn cho rằng kẻ ăn cắp là người phải tinh ranh và giỏi giang lắm mới chiếm đoạt được tài sản của người khác.

Cạnh nhà Thịnh có một người hàng xóm sống bằng nghề ăn cắp. Ông ta sống một mình, không bao giờ lấy trộm của người trong làng mà thường đi tới các vùng xung quanh để ăn cắp. Ban ngày ông ta ngủ, còn buổi tối lại thức dậy lẻn đi. Trong làng ai cũng biết điều đó và họ cấm con cái mình không được chào ông ta mỗi khi gặp. Cha mẹ Thịnh thì cấm con cái không được bước chân sang nhà hàng xóm ấy. Một lần cậu học trò vừa đi vừa lẩm nhẩm học bài vô tình đâm sầm vào một người nào đó. Thịnh đứng lại, ngẩng lên định xin lỗi. Cậu nhận thấy trước mặt mình là người hàng xóm làm nghề ăn cắp. Ông ta nhìn cậu bé, cố chờ đợi một lời xin lỗi vì cả làng, không có ai thèm nói chuyện với ông ta.

– Cháu xin lỗi.

Cậu học trò nói rồi định tiếp tục đi. Người hàng xóm vô cùng vui vẻ. Rốt cuộc cũng có một người nói chuyện với ông ta. Ông ta ngăn Thịnh lại:

– Bác có quyển sách này hay lắm. Nếu cháu vào nhà bác, bác sẽ cho cháu mượn.

Nghe đến có quyển sách hay, cậu bé quên bẵng mất lời dặn của cha mẹ. Thịnh theo ông ta về nhà. Ông ta mời cậu ngồi và lúng túng đi đi lại lại xung quanh. Rõ ràng là ông ta chẳng có quyển sách nào cả.

– Bác lại để đâu mất rồi. Để bác tìm lại nhé. Thịnh đứng dậy định đi. Ông ta ngăn lại:

– Cháu ngồi uống trà với bác. Lâu lắm cháu không sang nhà bác chơi mà. Cậu bé thành thật:

– Cha mẹ cháu không muốn cho cháu sang đây chơi.

– Thế à – Người hàng xóm lúng túng. Ông ta biết lý do vì sao nhưng vẫn hỏi cậu bé – Làm sao bố mẹ cháu lại không muốn cho cháu sang đây chơi.

– Vì bác là một người ăn cắp. Cậu bé thành thật.

– Ăn cắp thì có gì là không tốt? – Ông ta la lên cố thuyết phục cậu bé – Cháu biết không. Để ăn cắp được một vật gì đó bác cũng phải rất vất vả, thức đêm thức hôm, nằm ở ngoài bờ rào bịmuỗi cắn đầy người, rồi có những khi bị chó cắn chảy máu ở chân ấy chứ. Cháu nhìn này. Ông ta kéo quần giơ bắp chân đầy vết sẹo chó cắn ra.

– Bác cũng làm lụng vất vả đấy chứ. Đó cũng là công việc cháu ạ.

– Bác cũng làm lụng vất vả? – Cậu bé ngạc nhiên – Bác ăn trộm của người khác chứ đâu phải làm lụng gì. Như thế không phải là lao động bác ạ.

– Không. Vất vả thế thì chẳng phải là làm lụng còn là gì. Bác cũng lao động như mọi người mà.

Cậu bé đứng lên, quay lại lớp học. Ngay khi nhìn thấy cậu học trò bước vào lớp, thầy đồ đã nhận thấy có điều gì khác lạ. Sau khi nghe kể lại, thầy giáo cũng thốt lên:

– Đúng, đó không phải là làm lụng.

– Nhưng ông ta nói… – Cậu học trò nhắc lại – Ông ta cũng thức đêm, cũng vất vả như mọi người khác ạ.

– Con người có nhiều cách làm lụng khác nhau – Thầy đồ nói – Những cách làm lụng đó đều khiến con người mất sức lực. Nhưng không phải cách làm lụng nào cũng hướng đến điều tốt. Chính thế cho nên chúng ta phải học để hiểu được cách làm nào là tốt cách làm nào là không tốt.

– Nhưng thế nào là một cách làm lụng tốt. Có phải cách làm lụng nào mang lại lợi ích cho chúng ta thì là tốt không hở thầy?

Thầy đồ im lặng ngẫm nghĩ hồi lâu rồi mới nói:

– Không hẳn thế. Nếu mang lại lợi ích mà là tốt thì việc đi ăn trộm cũng là tốt. Vì việc đó mang lại lợi ích cho kẻ ăn trộm. Trò thử nghĩ tiếp đi. Thế nào là một cách làm lụng tốt?

Thầy giáo muốn cho cậu học trò tiếp tục suy nghĩ nên không trả lời ngay.

Sau đó ít lâu, người hàng xóm bị quan bắt vì tội ăn trộm trâu ở làng bên. Quân lính đưa ông ta về để khám nhà rồi mới giải đi. Ông ta cúi gằm mặt xuống không nhìn ai cả. Trước khi bị giải đi, ông ta ngẩng lên nhìn ngôi nhà của mình lần cuối thì bắt gặp ánh mắt của cậu học trò đang nhìn chằm chằm vào mình.

– Bác không có tội. Không có tội.

– Đi ăn trộm của người khác mà không có tội à. Một người lính quát.

– Ăn trộm cũng là làm việc. Bác cũng làm việc như mọi người.

Ông ta gào lên cho Thịnh nghe thấy. Cậu học trò đang đứng ở hàng rào bỗng chạy đến gần người bị bắt. Cậu nói rất to cho ông ta nghe được:

– Đấy không phải là làm việc. Ăn trộm không phải là làm việc bác ạ.

– Vì sao lại không phải là làm việc?

– Vì… vì… – Cậu bé hổn hển vì chạy mệt – Vì làm việc thực sự là những việc làm ra lợi ích cho bản thân, cho gia đình mình mà công việc ấy không ảnh hưởng đến lợi ích của người khác. Thế mới là làm việc thực sự. Còn đi ăn trộm, bác đã cướp đi lợi ích của người khác. Đó không phải là lao động.

Kẻ ăn cắp im lặng cúi mặt để cho quân lính dẫn đi. Không ai biết ở phía ngoài, thầy đồ đang đứng đó ứa nước mắt vì cảm động bởi những lời nói của cậu học trò yêu.

Trích: Trạng nguyên Việt Nam – Nhóm Ban Mai biên soạn (NXB Trẻ)

Cùng chuyên mục