Thời nhà Lê, dưới chân núi Hồng Lĩnh thuộc huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, có một chàng thanh niên nghèo khổ. Lúc nhỏ, chàng học hành được chút ít rồi cha mẹ qua đời, chàng phải bỏ học, chăn trâu, chăn bò cho làng xóm để kiếm ăn qua ngày. Khi đến tuổi thanh niên, chàng tự nghĩ không lẽ cam chịu mãi nên chàng dành dụm dược ít tiền rồi khăn gói lên đường ra kinh đô tìm dịp tiến thân.
Bấy giờ, ở kinh đô dang xôn xao vụ án vợ giết chồng. Nhà nọ có chồng sắp lên đường đi buôn xa. Trước khi chia tay, biết chồng thích ăn lươn, vợ bèn mua lươn về nấu canh. Ăn xong người chồng chết ngay lập tức. Người ta giải chị vợ lên quan, quan khép ngay vào tội “ngoại tình giết chồng”. Chị ta nhất mực kêu oan, nhưng đến khi bị tra khảo thì nhận. Ngày mai người dàn bà này sẽ bị đem cho voi giày. Kể chuyện, người thì gớm cho hạng đàn bà gian ác, người thì cho là có thể người đàn bà đó vô tội nhưng vì nhục hình mà nhận tội chịu oan, nhưng không ai đưa ra được lý do minh oan xác đáng nào.
Biết chuyện, chàng thanh niên đến bộ Hình xin gặp quan thượng thư kêu oan cho người đàn bà. Chàng cam đoan rằng mình minh oan được, nếu không sẽ xin chịu tội, chỉ xin quan cho lùi ngày hành hình hai hôm. Thấy chàng trai từ xa đến, không quen biết kẻ phạm tội, lại khăng khăng đòi mình oan, quan thượng thư rất lấy làm lạ nhưng cũng bằng lòng.
Thế là chàng thanh niên ra chợ mua về một mớ lươn lớn nhỏ. Đổ lươn ra trước mặt mọi người, chàng bắt riêng ra dăm ba con. Quan và mọi người chưa hiểu thế nào thì chàng chỉ tay vào mấy con lươn để riêng và nói:
– Đây không phải là lươn nhưng chúng giống lươn đến nỗi rất khó phân biệt nếu không tinh. Nó là một loại rắn độc. Người đàn bà nọ quả vì quá yêu chồng nên đã mua lươn cho chồng ăn, nhưng trong lươn có lẫn loại rắn độc này nên người chồng đã bị ngộ độc. Kẻ tiện dân này vốn biết như vậy từ lúc ở quê nhà, nên đến đây xin minh oan để cứu một mạng người, cũng là để làm sáng danh chúa thượng và pháp luật triều đình ta.
Chàng xin quan cho làm thịt loài “rắn lươn” ấy, nấu canh như người đàn bà đã nấu, rồi cho chó ăn thử. Ăn xong quả nhiên chó lăn ra chết ngay. Nhờ vậy cuộc hành hình người đàn bà bị hủy bỏ. Xử lại, nàng được trắng án. Chuyện này làm dư luận xôn xao, ai cũng ngợi khen chàng.
Chàng trai ấy sau này làm đến chức quan Ngự sử dưới triều vua Lê Nhân Tông tên là Bùi Cầm Hổ.
Sưu tầm