Cô dâu hay con hổ?

(Hiếu học). Câu đố này dựa theo truyện ngắn của nhà văn Mỹ F. Stockton (1834 – 1902) in lần đầu năm 1882 và đã được đưa vào nhiều tuyển tập truyện tiếng Anh. Tên truyện “The lady or the tiger” đã đi vào tiếng Anh như một thành ngữ chỉ một vấn đề nan giải. Nó được coi như một kiệt tác về nghệ thuật viết truyện ngắn, xây dựng cốt truyện và phân tích tâm lý (thể loại truyện này được gọi là fantasy).

Ngày xửa ngày xưa có một ông vua bán khai, đầu óc ông ta tuy đã có phần trở nên tinh tế và sắc bén nhờ sự tiến bộ của những lân bang Latin xa xôi dội đến, nhưng đó vẫn là một đầu óc phóng túng, bóng bẩy vì nửa con người ông là nguyên chất bán khai. Nhà vua có một trí tưởng tượng mãnh liệt, thêm vào đó là một quyền lực kiên trì đến mức nếu muốn ông có thể biến trò chơi thay đổi khôn lường của trí tưởng tượng vốn rất dồi dào nơi ông thành hiện thực. Nhưng ông lại có thiên hướng phân tích các hành động của mình, và một khi đã thuyết phục được bản thân thì không có gì ngăn cản được ông đẩy sự việc đến cùng. Nếu mọi thành viên trong các hệ thống gia đình và chính trị của ông vận hành theo đúng quỹ đạo đã vạch thì ông là người ôn tồn và tốt bụng; nhưng hễ có một trục trặc nhỏ và một vài hành tinh của ông đi lạc quỹ đạo thì ông lại càng ôn tồn và tốt bụng hơn. Bởi vì không có gì làm ông vui sướng bằng được thể hiện khả năng uốn thẳng những chỗ cong, san phẳng những chỗ gồ ghề.

Trong số các ý niệm vay mượn làm tính man rợ của ông bớt đi một nửa, có ý niệm dựng lên một vũ đài công cộng cho người và thú quyết đấu, qua đó nhằm thuần thục và cải tạo tâm hồn của các thần dân.

Nhưng chính tại đó trí tưởng tượng sôi sục, man rợ lại bộc lộ mạnh nhất. Vũ đài của nhà vua được dựng lên không phải để cho nhân dân có cơ hội nghe thấy những sự thống khoái của các đấu sĩ đang hấp hối, cũng không phải để họ tận mắt thấy cái kết thúc tất yếu của sự xung đột giữa đức tin tôn giáo và cái bụng đói, mà nhằm mục đích tạo ra một nơi thật thích hợp cho việc đề cao năng lượng trí tuệ của nhân dân. Đấu trường rộng lớn với những hành lang bao quanh, những hầm ngầm bí ẩn, những lối đi không ai nhìn thấy, là nơi thưởng phạt công minh, ở đó tội ác bị trừng phạt hoặc đức hạnh được ban thưởng theo sự phán quyết của một cơ may vô tư và liêm khiết.

Khi một thần dân nào đấy bị kết án phạm vào một tội đủ khiến đức vua tò mò thì một thông báo sẽ được phát ra rằng vào ngày đã định số phận của kẻ có tội sẽ được giải quyết tại đấu trường của nhà vua, một tòa công trình rất xứng với tên gọi này, bởi vì dù cho hình thức và thiết kế của nó là vay mượn từ phương xa, nhưng mục đích của nó hoàn toàn là từ đầu óc của con người này mà ra. Ông ta không coi trọng một truyền thống nào lớn hơn trí tưởng tượng của mình và đã đem cấy ghép vào mọi dạng tư duy và hành động thông thường của con người vô vàn những lý tưởng bán khai của mình.

Khi mọi người đã tụ tập trong các hành lang và đức vua được các triều thần hộ tống đã ngồi vào ngai vị, ông bèn ra hiệu, một cánh cửa phía dưới chỗ ông ngồi mở ra, kẻ bị kết tội bước ra vũ đài. Đối diện thẳng với hắn, ở phía bên kia của khoảng không gian khép kín, có hai cánh cửa giống hệt nhau nằm sát cạnh nhau. Kẻ tử tội có bổn phận và đặc ân là phải đi đến chỗ hai cánh cửa đó và mở ra một cánh. Hắn muốn mở cửa nào cũng được; hắn không phải chịu sự chỉ đạo hay tác động nào, ngoài sự phán quyết vô tư và liêm khiết đã nói trên. Nếu hắn mở một cửa, từ đấy một con hổ đói hung dữ và độc ác nhất trần đời sẽ lập tức nhào ra, nhảy bổ vào hắn, xé xác hắn ra làm trăm mảnh để trừng phạt tội lỗi của hắn. Khi số phận của kẻ tội phạm đã được kết liễu như vậy xong, những quả chuông sắt sẽ kêu rền rĩ, các bức tường vọng lại âm u tiếng kêu la của lũ người khóc mướn ngồi ở rìa phía ngoài vũ đài, còn đám đông người xem thì cúi đầu buồn bã chậm chạp lê bước về nhà, lòng đầy xót thương cho một người trai trẻ hay một bậc tôn kính đã chẳng may phải chịu một số phận thảm khốc đến thế.

Nhưng nếu kẻ tử tội mở cánh cửa khác thì từ đó sẽ bước ra một cô nương mà xét về tuổi tác và địa vị xã hội thì là người xứng đôi vừa lứa với hắn nhất so với tất cả phụ nữ mà quốc vương có thể lựa chọn, và với cô gái như một phần thưởng cho sự vô tội đó, người ta lập tức làm lễ cưới cho hắn. Dù hắn đã có vợ con hay đã đem lòng thương nhớ ai cũng mặc: Đức vua không cho phép những chuyện lặt vặt như thế xen ngang vào kế hoạch thưởng phạt uy nghiêm của ông ta đã vạch ra. Cũng như trong trường hợp kia, mọi chuyện lúc này tức khắc được thực hiện trên vũ đài. Dưới ngai vị của đức vua lại có một cánh cửa nữa được mở ra, thầy tư tế bước ra cùng dàn đồng ca và đoàn nhảy múa do một vũ sư dẫn đầu trong tiếng nhạc vang lừng của đội kèn vàng; tất cả những người này cùng bước đến chỗ cặp vợ chồng mới đang kề vai sát cánh bên nhau và nghi lễ đám cưới diễn ra nhanh chóng và tưng bừng. Khi đó những tiếng chuông vui vẻ thong thả ngân vang, dân chúng hân hoan hô to lời chào mừng, kẻ vô tội dẫn cô dâu về nhà mình, đi trước là một đám trẻ rắc hoa đầy đường.

Phương thức bán khai để thực thi công lý của ông vua này là như vậy. Sự công bằng hoàn hảo ở đây là hiển nhiên. Kẻ tử tội không thể biết cô dâu ở bên cửa nào và tùy ý mở một cửa mà không mảy may hình dung được là trong giây lát mình sẽ bị xé xác hay được làm lễ cưới. Đôi khi con hổ bước ra từ cửa này, đôi khi từ cửa khác. Cách giải quyết của pháp đình này không những công bằng mà còn dứt khoát: nếu kẻ bị buộc tội xác định là mình có tội thì tức khắc sẽ bị trừng phạt; còn nếu chứng tỏ mình vô tội thì vẫn nguyên tại chỗ hắn được ban thưởng, dù hắn có thích phần thưởng đó hay không. Không có cách gì tránh được phán quyết của vũ đài nhà vua.

Thiết định này hết sức được ưa chuộng. Khi dân chúng tụ về ngày xử án, không một ai biết sẽ được chứng kiến một cảnh tượng đổ máu rùng rợn hay một đám cưới vui vẻ. Yếu tố bất định làm cho nghi lễ thêm phần hấp dẫn, điều không có được trong trường hợp ngược lại. Như vậy, dân chúng thì được vui thích và dễ chịu, còn bộ phận có học của xã hội thì không thể buộc tội thiết định đó là bất công được, bởi vì chẳng phải là kẻ tội phạm nắm toàn bộ vận mệnh mình trong tay đó sao?

Ông vua bán khai có một cô con gái với vẻ đẹp mãn khai rực rỡ như đầu óc tưởng tượng muôn màu của ông, với một tâm hồn nồng nàn và quyền uy như chính ông. Giống như trong mọi trường hợp thế này, nhà vua say đắm con mình hơn mọi thứ trên đời. Trong số các triều thần của ông có một chàng trai mà dòng máu thanh cao và địa vị thấp hèn đã đặt chàng vào cùng hàng với các nhân vật lãng mạn truyền thống đem lòng yêu con gái nhà vua. Nàng công chúa hoàn toàn bằng lòng với ý trung nhân của mình, bởi sắc đẹp và lòng dũng cảm của chàng vượt hơn tất cả những người khác trong vương quốc, nàng yêu chàng hừng hực, với tất cả sự nóng bỏng và mạnh mẽ nàng có được nhờ dòng máu bán khai mang trong mình. Mối tình hạnh phúc của họ kéo dài nhiều tháng cho đến khi bị nhà vua phát giác. Ông không chần chừ, do dự trước việc phải làm. Chàng trai bị tống ngay vào ngục; ngày thử thách chàng trên đấu trường được ấn định. Tất nhiên đây là một trường hợp quan trọng, đặc biệt nên cả đức vua và toàn thể dân chúng đều náo nức quan tâm theo dõi vụ này. Chưa từng bao giờ có chuyện như vậy xảy ra cả; hàng bao đời nay chưa hề có một thần dân nào lại dám cả gan yêu con gái vua. Về sau này những chuyện như thế trở thành bình thường, nhưng thời đó nó là chuyện mới mẻ, đáng kinh ngạc.

Người ta lục soát khắp các chuồng thú của cả vương quốc để tìm kiếm những con thú man dại, độc ác nhất, từ đó chọn ra một con thích hợp nhất cho cảnh tượng rùng rợn sắp xảy ra; người ta kiểm tra, thử thách tài trí nhiều cô gái đẹp để chàng trai được nhận cô dâu xứng đáng nếu như số phận mỉm cười với chàng. Cố nhiên tất cả đều biết rằng chàng trai bị buộc tội là không oan. Chàng đã yêu công chúa, và cả chàng cả nàng hay một ai đó khác cũng không có ý chối bỏ sự thật đó, nhưng nhà vua cũng không có ý định can thiệp vào tiến trình xử phạt vốn làm ông thỏa mãn và thích thú cao độ. Dù kết cục là thế nào chăng nữa, chàng trai vẫn phải lên vũ đài, còn nhà vua thì được hưởng sự thỏa mãn thẩm mỹ khi ngồi theo dõi diễn biến quá trình xác định xem liệu chàng trai có phạm tội hay không trong việc tự ý yêu công chúa.

Ngày xét xử đã đến. Mọi người xa gần nô nức kéo đến, ngồi chật các hành lang vũ đài, còn đám đông không chen vào được thì tụ tập quanh các bức tường phía ngoài. Đức vua và các triều thần ngồi vào các chỗ của mình, đối diện với hai cánh cửa kép, hai cánh cổng định mệnh, giống hệt nhau khủng khiếp.

Tất cả đã sẵn sàng. Hiệu lệnh được ban ra. Cánh cửa phía dưới chỗ nhà vua ngồi mở rộng, chàng trai ý trung nhân của công chúa bước ra vũ đài. Chàng trai cao lớn, đẹp đẽ, tóc sáng được chào đón bằng những tiếng hò la đầy thán phục và lo âu. Một nửa số khán giả không biết sống giữa họ lại có một chàng trai hào hoa đến vậy. Công chúa yêu chàng là phải. Thật khủng khiếp là chàng phải đứng ở đây!

Khi tiến vào vũ đài chàng trai quay người lại cúi chào nhà vua, theo đúng tục lệ, nhưng chàng không hề nghĩ đến bậc chí tôn đó. Cặp mắt chàng nhìn xoáy vào nàng công chúa đang ngồi bên phải vua cha. Nếu như không phải bản tính còn mang nửa phần hoang dại thì có lẽ nàng đã không đến đây; nhưng tâm hồn đam mê, cháy bỏng không cho phép nàng bỏ qua sự kiện khiến nàng rất đỗi quan tâm này. Sau khi biết sắc lệnh của vua cha tuyên phạt người yêu của nàng trên đấu trường, suốt đêm ngày nàng không nghĩ gì khác ngoài sự kiện trọng đại đó và nhiều chuyện liên quan đến nó. Vốn có một quyền lực to lớn, một uy tín rộng rãi, một tính cách mạnh mẽ hơn bất kỳ ai khác bị rơi vào hoàn cảnh tương tự, nàng đã làm được một việc không ai làm được: biết bí mật các cánh cửa. Nàng biết phía sau cửa nào là chuồng hổ, còn phía sau cửa nào là cô dâu. Hai tấm cửa dày, bên trong lại phủ kín bằng những bộ da lông thú, không để cho một âm thanh, tín hiệu nào lọt được ra ngoài, vang được đến tai người đang bước tới gần nâng chốt cửa lên. Nhưng vàng bạc và sức mạnh của ý chí phụ nữ đã tiết lộ cho công chúa điều bí mật.

Và nàng không chỉ biết cánh cửa nào che giấu cô dâu ửng hồng tươi tắn sẵn sàng bước ra ngoài khi cửa được mở mà nàng còn biết cô gái đó là ai. Để ban thưởng cho kẻ tử tội, nếu chàng chứng tỏ được mình vô tội, người ta đã chọn một trong những cô gái xinh đẹp và quyến rũ nhất trong triều, và nàng căm ghét cô ta. Nàng thường nhận thấy, hay là nghĩ rằng nhận thấy, cô gái xinh xắn đó nhìn người tình của nàng bằng ánh mắt thán phục, đôi khi nàng phải cam chịu thừa nhận là dường như những cái nhìn đó không phải không được đáp lại. Thi thoảng nàng thấy họ có trò chuyện với nhau dù chỉ là thoáng chốc, nhưng một khoảng thời gian ngắn ngủi cũng có thể nói được nhiều điều; có thể họ chỉ nói chuyện vặt thôi, nhưng làm sao nàng biết được? Cô gái trông hấp dẫn, nhưng cô ta đã dám ngước mắt nhìn người tình của công chúa; và với toàn bộ dòng máu hoang dại thừa hưởng từ vô số các tổ tiên thời còn mông muội, công chúa căm tức người con gái giờ đây đang run rẩy và ửng hồng ở phía sau cánh cửa đóng chặt im lìm.

Khi chàng trai quay lại nhìn nàng công chúa đang ngồi nhợt nhạt tái xanh hơn ai hết giữa cả biển người hồi hộp căng thẳng, hai luồng mắt của họ gặp nhau, và chàng thấy – nhờ một chớp lóe trong đầu óc mà chỉ những ai hòa quyện tâm hồn với nhau mới có được – nàng biết con hổ ở cửa nào, cô dâu ở cửa nào. Chàng nghĩ là nàng biết điều đó. Chàng hiểu tính cách của nàng, tâm hồn chàng tin chắc rằng công chúa sẽ không yên chừng nào chưa biết rõ điều này, cái điều mà tất thảy mọi người ngồi trên vũ đài, thậm chí nhà vua, đều không biết. Điều duy nhất chàng trai có thể hi vọng là công chúa biết được điều bí mật đó; và khi đưa mắt nhìn nàng, chàng hiểu là nàng đã biết được nó, y như trong tâm hồn mình chàng từng biết là nàng đã biết được nó.

Và khi đó cái nhìn tinh nhanh, khắc khoải của chàng đặt ra câu hỏi: “Cửa nào?”. Nó vọng đến chỗ nàng như thể chàng hét to lên từ chỗ chàng đang đứng. Không thể bỏ lỡ khoảnh khắc. Câu hỏi được hỏi bằng tia mắt; nó phải được đáp lại bằng cách khác.

Cánh tay phải của nàng đang đặt lên hàng lan can phủ nệm trước mặt. Nàng giơ tay, làm một cử động nhẹ rất nhanh về phía phải. Không ai ngoài chàng nhìn về nàng. Mọi người đều đang đổ dồn mắt vào con người trên vũ đài.

Chàng quay lại và bằng những bước đi rắn chắc, nhanh nhẹn chàng băng qua khoảng không gian trống trải. Từng trái tim thắt lại, từng hơi thở phập phồng, từng ánh mắt hút vào chàng. Không hề do dự, chàng bước lại cánh cửa bên phải và mở nó ra.

Bây giờ, mấu chốt câu đố là đây: Ai sẽ bước ra ngoài – con hổ hay cô dâu?

Bạn càng suy nghĩ về câu hỏi này càng thấy khó trả lời. Nó đòi hỏi phải nghiên cứu trái tim con người là cái luôn cuốn chúng ta vào những mê cung rắc rối của những đam mê mà không dễ tìm lối ra. Hãy suy nghĩ chuyện này đi, bạn đọc thân mến, chỉ có điều là giải pháp ở đây không tùy thuộc vào bạn, mà vào nàng công chúa bán khai hừng hực lửa tình, tâm hồn nàng đã bị nung đến cháy đỏ bởi ngọn lửa tuyệt vọng và ngọn lửa ghen tuông. Nàng đã mất chàng, nhưng ai sẽ được chàng đây?

Thường thường, lúc mơ cũng như lúc tỉnh, nàng run lên vì khủng khiếp và lấy tay che mặt mỗi khi nghĩ đến việc người tình của nàng mở cánh cửa nhốt con hổ đói dữ tợn ở trong.

Nhưng thường nàng thấy chàng ở bên cánh cửa khác nhiều hơn! Nàng nghiến răng giật tóc trong những cơn mơ cay đắng thấy chàng run lên mừng rỡ khi mở cánh cửa có cô dâu. Tâm hồn nàng xiết bao đau khổ khi thấy chàng lao đến gặp cô gái có đôi má ửng hồng, cặp mắt long lanh vui sướng vì số phận may mắn của mình; khi nàng thấy chàng dẫn cô gái bước ra, thân thể chàng tràn đầy niềm vui được sống lại; khi nàng nghe những tiếng hò reo hân hoan của đám đông, những tiếng chuông mừng rung vang cuồng nhiệt; khi nàng thấy thầy tư tế cùng đoàn hộ giá tưng bừng bước lại gần đôi trai gái tuyên bố họ là chồng là vợ ngay trước mặt nàng; và khi nàng thấy hai người sánh bước bên nhau trên con đường rải đầy hoa, trong tiếng reo hò vang dội của đám đông nhấn chìm nỗi tuyệt vọng cô đơn của nàng!

Giá như chàng chết ngay đi và đợi nàng ở những miền cực lạc của cuộc sống bán khai ở thế giới bên kia có phải tốt hơn không? Nhưng con hổ dữ tợn và những tiếng gào rú, máu chảy xương rơi…!

Để trả lời người tình nàng chỉ cần một giây, nhưng quyết định của nàng đã được đưa ra sau nhiều ngày đêm suy tính trong đau khổ. Nàng biết là nàng sẽ được hỏi, nàng đã quyết định câu trả lời cần thiết, và không mảy may do dự nàng đã khẽ cử động tay phải.

Câu hỏi về quyết định của nàng công chúa là câu hỏi không thể xem xét qua loa được, và tôi không có quyền tự nhận mình là người duy nhất có khả năng trả lời được nó. Vì thế tôi xin dành cho các bạn quyền trả lời:

Ai sẽ bước ra vũ đài – cô dâu hay con hổ?

(FRANK RICHARD STOCKTON).
Sưu tầm/(Hieuhoc.com).

Cùng chuyên mục