• Địa chỉ: 334 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân
  • Điện thoại: 04. 3558 3001 - 3858 5277
  • Email:
  • Website: www.hus.edu.vn

Giới thiệu

Quá trình phát triển

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập theo Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993 của Chính phủ. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ra đời là sự tiếp nối, kế thừa và phát huy truyền thống của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (được thành lập vào năm 1956) - nơi đã đào tạo nên nhiều nhân tài, nhiều nhà khoa học ưu tú và danh tiếng cho đất nước.
   
Là một trong số ít các trường đại học có đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, chất lượng cao về chuyên môn, có uy tín về khoa học ở trong và ngoài nước, hiện nay, số cán bộ công chức của trường là 622 người, trong đó có 430 cán bộ giảng dạy, 30 Giáo sư, 122 Phó Giáo sư, 220 Tiến sỹ Khoa học và Tiến sỹ, 145 Thạc sỹ. Ngoài đội ngũ cán bộ cơ hữu, Trường còn có hơn 100 nhà giáo là cán bộ kiêm nhiệm đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong và ngoài nước.   

Những điểm mốc lịch sử quan trọng trong quá trình phát triển của trường là :

1904: Trường Đại học Đông Dương

1951: Trường Đại học Khoa học

1956: Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội

1993: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội.

Những thành tựu nổi bật của Trường trong thời gian gần đây :

Trong quá trình xây dựng và phát triển, đặc biệt là trong thời kỳ đổi mới, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, có uy tín trong khu vực và quốc tế, được xã hội tín nhiệm và đánh giá cao. Năm 2000, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được Nhà nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới" và năm 2001 Trường vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh. Khối PTTH Chuyên Toán Tin của trường được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới năm 2005.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là trường dẫn đầu về thành tích nghiên cứu khoa học cơ bản trong cả nước. Giai đoạn 2001 - 2006, Trường đã thực hiện 1346 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp (18 đề tài cấp nhà nước, 3 đề tài hợp tác theo nghị định thư với nước ngoài, 733 đề tài nghiên cứu cơ bản cấp Bộ, 362 đề tài cấp Đại học Quốc gia Hà Nội, 223 đề tài cấp Trường, 7 dự án sản xuất thử - thử nghiệm), 1608 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên và nhiều hợp đồng chuyển giao công nghệ. Một số sản phẩm công nghệ cao đã trở thành thương phẩm như vật liệu gốm xốp cách nhiệt chịu lửa, các sản phẩm tân dược từ nấm linh chi, sản phẩm màng lọc máu và dịch tiêm truyền, công nghệ dự báo thời tiết,..... Nhiều công trình khoa học có giá trị khoa học và thực tiễn cao như công trình áp dụng tế bào gốc trong tạo giống gà, công trình nghiên cứu chế độ vật liệu bán dẫn cấu trúc nano... Hệ thống các phòng thí nghiệm cơ bản và chuyên ngành ngày càng được hiện đại hoá, trong đó có một số đạt chuẩn khu vực và quốc tế như: Phòng thí nghiệm trọng điểm enzym-protein, Phòng thí nghiệm khoa học vật liệu, Phòng thí nghiệm nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, Phòng thí nghiệm Hoá vật liệu,..... Trường Đại học Khoa học Tự nhiên được tăng cường đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trường có quan hệ hợp tác quốc tế với trên 30 trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng của các nước trên thế giới. Trong giai đoạn 2001 - 2006, có hơn 60 dự án, đề tài được quốc tế tài trợ. Các hội nghị, hội thảo khoa học Quốc tế được tổ chức tại Trường ngày một tăng, đây là cơ hội tốt để đội ngũ các thầy cô giáo trao đổi chuyên môn, mở rộng hợp tác với các tổ chức khoa học quốc tế. Từ các hoạt động khoa học công nghệ, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên:

      • Đã và đang hình thành các nhóm nghiên cứu, trong đó có những nhóm đã trở thành trường phái khoa học danh tiếng.

      • Số lượng các bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí Quốc gia và Quốc tế có uy tín ngày một tăng.

      • Nhiều nhà khoa học được nhận giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ; giải thưởng 5 năm lần thứ nhất và giải công trình khoa học tiêu biểu cấp Đại học Quốc gia Hà Nội.

      • Nhiều nhà khoa học được nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân, Nhà giáo ưu tú.

      • Nhiều nhà khoa học nữ của Trường đã thu được kết quả khoa học ứng dụng và nghiên cứu triển khai có chất lượng và uy tín, được tặng giải thưởng Kovalepskaia và giải thưởng Vifotex.

      • Nhiều sinh viên của Nhà trường đã trưởng thành qua các dự án, đề tài nghiên cứu trong nước và quốc tế, trở thành các nhà khoa học, nhà quản lý và nhà doanh nghiệp giỏi.

Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là trường dẫn đầu về thành tích đào tạo cán bộ khoa học cơ bản cho các trường đại học và cao đẳng trong cả nước và cung cấp cán bộ khoa học cho các Viện nghiên cứu. Trường Đại học khoa học Tự nhiên rất chú trọng đổi mới, áp dụng phương pháp giảng dạy tiên tiến của các nước trong khu vực và quốc tế, sử dụng công nghệ thông tin, công nghệ điện tử - viễn thông vào quá trình giảng dạy. Sinh viên được khai thác, sử dụng Internet, Intranet và thư điện tử. Với phương châm đào tạo chất lượng cao, trường Đại học Khoa học Tự nhiên chủ trương tăng quy mô tuyển sinh hệ đại học chính quy hàng năm khoảng 5%, nhưng tăng mạnh ở bậc đào tạo sau đại học. Tỷ lệ học viên sau đại học đối với sinh viên hệ đại học chính quy khoảng 25%. Từ năm 1965, Trường đã được Chính phủ giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh năng khiếu Toán học bậc trung học phổ thông, đến nay hệ đào tạo này đã có gần 1300 học sinh chuyên Toán, Tin, Vật lý, Hoá học và Sinh học. Học sinh khối PTTH Chuyên đã đạt 149 huy chương trong các kỳ thi Olympic quốc tế, trong đó có 32 huy chương Vàng, 54 huy chương Bạc và 63 huy chương Đồng. Số huy chương Vàng quốc tế mà học sinh khối PTTH Chuyên của Trường chiếm 2/3 tổng số huy chương Vàng mà học sinh Việt Nam đã giành được. Thấy được nguy cơ hẫng hụt đội ngũ cán bộ khoa học cơ bản về cả số lượng và chất lượng, năm 1997 Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là nơi đầu tiên đề xuất dự án Đào tạo Cử nhân Khoa học Tài năng nhằm thu hút các học sinh giỏi vào học các ngành Khoa học Tự nhiên. Việc làm này của Trường đã góp phần định hình rõ hơn mô hình bồi dưỡng và đào tạo nhân tài ở bậc đại học. Cho đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ở nhiều Trường đại học khác. Nhờ dự án mà nội dung đào tạo của Trường từng bước được cập nhật, hiện đại theo các Trường tiên tiến quốc tế. Để hội nhập Quốc tế ở bậc sau đại học, Trường đã triển khai nhiều dự án phối hợp đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ với các trường Đại học của Cộng hoà Liên bang Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Cộng hoà Pháp,....Năm học 2005-2006, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên là 1 trong 9 trường đại học được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ thí điểm đào tạo bậc đại học theo chương trình tiên tiến quốc tế.
 

Xem thêm