(Hiếu học). Nhân lực có tay nghề của TP rất thiếu, trong khi đầu vào của các cơ sở đào tạo nghề ngày một giảm và đầu ra ngày càng thu hẹp. Đó là phản ánh của lãnh đạo một số cơ sở dạy nghề khi tiếp xúc với Ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM trong tuần qua.
Khó thu hút học viên
GĐ Trung tâm (TT) dạy nghề quận 11, ông Đặng Minh Tuấn cho biết, những năm qua TT đã đầu tư đổi mới một số trang thiết bị, máy móc phục vụ cho việc đào tạo, tuy nhiên số lượng HV đăng ký vào học tại TT vẫn ngày một giảm. Những khoa bị giảm mạnh nhất là: May công nghiệp, điện, cơ khí, may gia dụng, sửa chữa ôtô, sửa chữa xe máy, uốn tóc, sửa chữa điện thoại di động… Trong 6 tháng đầu năm 2010 tuyển sinh đầu vào chỉ được gần 300 HV, so với cùng kỳ năm trước giảm gần 75%. Theo bà Trần Thị Ngọc Anh, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TP,TT dạy nghề quận 11, đào tạo 13 nghề, nhưng đa số không còn “hot” nên số lượng HV đăng ký giảm là đúng. Những nghề như may dân dụng, may công nghiệp… HV đăng ký vào học không đủ nên thường xuyên phải học ghép.
Trường TC Nghề du lịch Khôi Việt với trang bị phòng dạy lý thuyết, phòng dạy thực hành hiện đại. Đội ngũ giáo viên của trường đều được đào tạo chính quy tại trong và ngoài nước, nhưng trường này cũng đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh hệ trung cấp. Theo Hiệu trưởng Trường TC Nghề du lịch Khôi Việt – ông Hà Kim Vọng, số lượng HV nhập học vào trường ngày một giảm mạnh. Năm học 2008 trường tuyển sinh được 615 HV, năm 2009 giảm còn 390 HV và năm nay tính đến thời điểm cuối tháng 4.2010 mới tuyển được 68 HV. Đặc biệt, ngành hướng dẫn viên du lịch do không tuyển đủ số lượng HV nên trường tạm ngưng đào tạo.
Đâu là nguyên nhân
Không chỉ tuyển sinh khó mà vấn đề giữ HV còn khó hơn. Vì tỷ lệ bỏ học giữa chừng rất cao. Nhiều HV chỉ coi trường nghề là bước đệm để chuẩn bị cho một kế hoạch khác. Một số khác vào học nghề chỉ với mục đích được hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự để năm sau thi tiếp vào đại học, cao đẳng. Điều này dẫn đến HV trường nghề bỏ học ngang chiếm tỷ lệ khá cao. Trong khi con đường liên thông lên đại học của các trường nghề lại bị “tắc”. Hiện nay bậc học cao nhất của trường nghề, do Bộ LĐTBXH quản lý là hệ cao đẳng. Trong các trường TC chuyên nghiệp, do Bộ GDĐT quản lý lại được học liên thông lên đại học. Dẫn đến nhiều phụ huynh không muốn cho con em vào học các trường nghề. Điều này khiến các cơ sở đào tạo nghề bị thiệt thòi lớn.
Ông Kim Vọng cho biết, hệ TC nghề ngành quản trị du lịch – nhà hàng – khách của Trường TC Nghề du lịch Khôi Việt 100% HV ra trường đều được các khách sạn lớn trong và ngoài nước mời về làm việc với mức thu nhập từ 1,8 đến 6 triệu đồng/người. Nhưng số lượng HV theo học được đến khi tốt nghiệp ra trường, chỉ còn khoảng 40% so với đầu vào. Nhiều lãnh đạo của các trường nghề còn cho rằng, những ngành nặng nhọc như: Cơ khí, điện, may công nghiệp, đóng tàu…, số lượng HV nghỉ ngang còn cao hơn.
Bà Trần Thị Ngọc Anh lại cho rằng, đội ngũ giáo viên của các trường nghề còn yếu và thiếu. Có những cơ sở đào tạo nghề giáo viên chủ yếu vẫn thỉnh giảng là chính. Ngành nghề đào tạo chưa sát với thực tế… điều này dẫn đến người học “quay lưng” với các cơ sở đào tạo nghề.
Theo: Trường nghề: Đầu vào giảm, đầu ra thu hẹp (Đăng Hải/LDO)