Nhiều ý kiến cho rằng cách xử lý của ngành giáo dục về việc không cho thi tuyển vào lớp 6, kể cả với trường chất lượng cao không phân tuyến, là không ổn
Ngày 5-6, Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam chính thức công bố tuyển 200 chỉ tiêu vào lớp 6 năm học 2017-2018. Đối tượng tuyển sinh phải được đánh giá là học sinh xuất sắc. Theo chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội, các trường không được tổ chức thi tuyển lớp 6 nên Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cũng sẽ tuyển sinh bằng xét tuyển.
Quá khó để chọn học sinh
Đối tượng tuyển sinh là học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội; đạt học lực giỏi từ lớp 1, 2; hoàn thành các môn học lớp 3, 4, 5 và được đánh giá là học sinh xuất sắc. Ngoài ra, các năm học từ lớp 1 đến lớp 5, tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn tiếng Việt và toán phải đạt từ 19 trở lên.
Căn cứ xét tuyển là kết quả học tập của từng năm học, điểm kiểm tra định kỳ cuối năm môn toán, tiếng Việt ở cả 5 năm tiểu học và điểm kiểm tra định kỳ cuối năm lớp 4, 5 môn khoa học, lịch sử, địa lý; điểm ưu tiên (dành cho diện chính sách); điểm khuyến khích dành cho học sinh được tặng bằng khen cấp TP, Bộ GD-ĐT, nhà nước và học sinh đạt thành tích cá nhân, đồng đội theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội về thông tin các cuộc thi, Olympic dành cho học sinh phổ thông.
Điểm xét tuyển từ kết quả học tập môn học tối đa 5 năm là 200, điểm ưu tiên khuyến khích tối đa là 5, điểm khuyến khích tối đa là 10 (đối với học sinh đạt giải nhất hoặc huy chương vàng cấp quốc gia trong các cuộc thi). Trường sẽ xét tuyển những học sinh đạt điểm theo thứ tự từ cao xuống thấp đến khi đủ chỉ tiêu được giao. Trong trường hợp học sinh đạt điểm xét tuyển trùng nhau vượt chỉ tiêu, hội đồng tuyển sinh sẽ xét tổng điểm khuyến khích của toàn bộ giải thưởng cá nhân mà các em đạt được từ lớp 1 đến lớp 5, xếp thứ tự từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
Cũng như Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, nhiều trường chất lượng caocủa Hà Nội cũng phải tuyển sinh bằng xét tuyển. Điều này đã khiến xã hội lo ngại sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực như xin điểm, làm đẹp hồ sơ để tuyển sinh vào lớp 6.
PGS Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường THCS – THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho hay trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Tuy nhiên, cứ 10 học sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao…
Nhiều phụ huynh cũng cho rằng việc xét tuyển vào lớp 6 đã gây ra nhiều bất cập. Không ít phụ huynh chỉ lo đưa con đi tham dự hết giải này đến cuộc thi khác để được cộng điểm.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2016 – 2017 có 8 cuộc thi, Olympic dành cho học sinh tiểu học. Năm học này cũng có tới 4.485 học sinh đoạt giải Violympic (cuộc thi cấp quốc gia về toán và vật lý trên internet). Nhiều người cho rằng rất đông học sinh tham gia các cuộc thi trên là để lấy giải thưởng nhằm cộng điểm khi xét tuyển vào các trường danh tiếng.
Muốn được thi tuyển để chọn đầu vào
Theo GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ GD-ĐT cấm thi vào lớp 6 do cấp THCS đã phổ cập. Tuy nhiên, với các trường ngoài công lập và chất lượng cao được phép tuyển sinh không phân tuyến thì câu chuyện lại khác. Ông Thi cho rằng cách xử lý của ngành giáo dục – không cho phép các trường này tổ chức kỳ thi – thì đúng là có gì đó không ổn.
PGS Văn Như Cương đề nghị để một số trường tốp đầu được tổ chức thi tuyển. So với khoảng 600 trường THCS ở Hà Nội, số lượng trường cần thi để tuyển lựa học sinh vì quá nhiều hồ sơ đăng ký là rất nhỏ. Theo ông Cương, so với việc phải tham gia nhiều cuộc thi để được ưu tiên thì thi một cuộc có lẽ sẽ bớt vất vả và ít tiêu cực hơn.
Cũng chung quan điểm này, thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội), cho hay bộ, sở yêu cầu thì trường phải chấp hành. Tuy nhiên, trường vẫn muốn được tổ chức thi tuyển để chọn đầu vào cho riêng mình.
Cân nhắc giải pháp tuyển sinh lớp 6
Trước những ý kiến cho rằng trường chất lượng cao cần tổ chức thi tuyển, nhiều khả năng từ năm 2018 – 2019, Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc để đưa ra giải pháp tuyển sinh vào lớp 6 của một số trường đặc thù. Theo dự kiến ban đầu, những trường này phải trình đề án tuyển sinh riêng để vừa lựa chọn được học sinh theo đúng mục tiêu giáo dục của trường vừa không gây ra tình trạng căng thẳng, tránh tiêu cực.
Theo: Yến Anh (Giáo dục /NLDO)