(hieuhoc_hieuhoc). Nếu bạn có nguồn tài chính dồi dào, bạn có thể thành sếp! Nhưng không ai tự dưng có thể trở thành sếp giỏi. Để làm được việc gì đó, cần phải thỏa mãn những yêu cầu nhất định…
Bạn cần phải nắm rõ là mình đang theo đuổi lĩnh vực gì, những kiến thức, kỹ năng nào để bạn biến ước mơ mình thành sự thật. Bạn cần phải có những chiến lược vững vàng.
Học hỏi để thành sếp
Thật sự, bạn nên học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Thí dụ, bạn muốn trở thành sếp trong lĩnh vực tin học thì hãy tìm kiếm những vị lãnh đạo đã thành công trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Nói chung muốn làm sếp trong lĩnh vực nào mà bạn quan tâm thì hãy tìm kiếm những tên tuổi giỏi, có uy tín của lĩnh vực đó.
Nếu có thể được, bạn có thể liên lạc với họ. Hỏi xin ý kiến, lắng nghe kinh nghiệm của họ sẽ giúp bạn rất nhiều. Tuy vậy, việc gặp gỡ trực tiếp này không phải dễ dàng. Nhưng những thông tin mà bạn tim kiếm về họ sẽ giúp bạn sáng tỏ nhiều điều, những bước đi của họ từ thành công đến thất bại sẽ giúp động lực trở thành sếp của bạn thêm củng cố.
Sách, báo cũng là người “thầy” rất đáng tin tưởng cho bạn đấy! Rất nhiều kinh nghiệm của các nhà lãnh đạo được truyền tải qua cổng thông tin này. Các cuộc hội thảo, diễn đàn… bạn cũng nên tham gia. Nơi đó, bạn có thể đặt bất kỳ câu hỏi thắc mắc nào, có thể nghe được nhiều điều thú vị từ người khác…
Chắc chắn là, qua những việc làm trên, thế giới quan của bạn sẽ càng mở rộng hơn nữa.
Rèn luyện để thành sếp
Làm sếp không dễ. Chẳng lẽ ai muốn là cũng có thể thành sếp ư! Không phải, có những người cố gắng cũng không thể thành sếp được, nhưng cũng có những người được làm sếp như một lẽ tự nhiên, dường như họ sinh ra là để làm sếp vậy!
Khát vọng trở thành sếp là một việc! Biến khát vọng đó thành hiện thực mới khó! Vậy nên ngay từ bây giờ bạn phải rèn luyện những tố chất giúp bạn trở thành sếp nhé!
Một sếp giỏi cần có những tố chất nào?
Nói đại khái thì đó là tố chất của một người quản lý. Có thể bạn không có kỹ năng siêu việt ở một chuyên môn nào nhưng bạn phải có kiến thức tổng quát trong lĩnh vực mình quản lý. Bắt buột bạn phải biết được những kỹ năng sau: hạch toán, thống kê, lập thời gian làm việc, quản lý ngân sách của các phòng ban…
Tiếp theo, tư duy nhạy bén, tham vọng là điều cần có ở một người sếp. Bởi vì sếp là người nắm “sinh mạng” của công ty, tổ chức của mình. Vì thế khi có cơ hội đến, sếp phải nhanh nhạy nắm bắt. Hơn nữa, trực giác sẽ giúp sếp phán đoán chính xác, hành động chính xác. Tất cả để giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh, tránh xảy ra sai lầm. Đối với một người sếp, tham vọng phải luôn đồng hành. Không phải là khi làm sếp bạn phải bằng mọi giá để được điều mình muốn, nhưng tham vọng chinh phục, khám phá sẽ giúp bạn luôn muốn vươn lên để thành công.
Kỹ năng làm việc và điều hành tập thể rất quan trọng. Bạn sẽ là cầu nối cho cả một tập thế đấy! Bạn chính là người khơi gợi khả năng, sở trường của nhân viên. Là người giữ hòa khí khi nhân viên xảy ra xung đột. Khi công ty, tổ chức gặp khó khăn, bạn phải là người bình tĩnh và sớm đưa ra quyết định để vượt qua sóng gió, tạo tin tưởng cho nhân viên. Một tập thể có đoàn kết, vững mạnh hay không là ở bạn đấy!
Có thể nói rằng, kỹ năng điều hành con người khó khăn không kém việc kỹ năng quản lý về chuyên môn nghề nghiệp đâu!
Nếu làm được điều này thì kinh nghiệm sống để bạn biết thấu hiểu nhân viên, có sự đồng cảm với nhân viên sẽ được phát huy. Điều này là quan trọng đấy! Bởi sự lớn mạnh của công ty còn ở chỗ tập trung được nhân viên giỏi, trung thành. Họ muốn gắn bó lâu dài cùng công ty, tổ chức thì công ty, tổ chức của bạn càng có uy tín, càng phát triển hơn.
Mong muốn được làm sếp là ước mong tự nhiên của con người. nó giúp cho bạn không chịu đứng yên một chỗ mà phải luôn vận động, khai mở nhiều hướng đi mới mẻ hàng ngày, hàng giờ. Và như vậy, bạn đã sống rất có ích đấy.
Hà Duyên