Nằm trong danh sách 40 người giàu nhất nước Mỹ ở độ tuổi U.40 do tạp chí Fortune bình chọn, triệu phú kinh doanh phần mềm Bill Nguyễn vẫn không ngừng chiến đấu bền bỉ trên thương trường. Giờ đây, tên tuổi thương gia gốc Việt này lại xuất hiện trên các phương tiện truyền thông với tham vọng biến trang web lala.com trở thành một “siêu thị” đĩa CD nhạc lớn nhất thế giới.
Hiệp hội ghi âm Mỹ thống kê: hằng năm có khoảng 30.000 tựa CD được xuất xưởng. Trong khi đó, chỉ có khoảng 5.000 tựa CD tồn kho tại các cửa hàng của hệ thống bán lẻ lớn nhất là Wal-Mart, nơi luôn sẵn sàng cung cấp đến 3 triệu tựa đĩa khác nhau. Điều đó, đồng nghĩa với việc chỉ trong thời gian ngắn, một lượng lớn tựa đĩa biến mất khiến các fans nghe nhạc muốn tìm kiếm những đĩa có số lượng lưu hành ít rất khó khăn. Bill Nguyễn nhìn vào những con số đó và nghĩ đến một phương thức để giải quyết gọn vấn đề.
Theo hãng thông tấn ABC, Bill Nguyễn đang gây sự chú ý của các hãng thu âm ở Mỹ với dự án biến trang web lala.com trở thành đầu mối trung gian để người nghe nhạc khắp nơi có thể trao đổi những đĩa CD cũ với nhau, theo phương thức trao đổi tương tự kiểu eBay, với chi phí chỉ vọn vẹn có 1 đô la cộng thêm 49 xu Mỹ tiền vận chuyển.
Điều đáng chú ý, mạng lala.com cam kết sẽ trích 20% lợi nhuận để hỗ trợ cho các nhạc sĩ thông qua tổ chức từ thiện “Z” Foundation.
Với 9 triệu đôla được rót từ các đối tác là Bain Capital và Ignition Partners, dự án lala là một lời thách thức gởi đến các công ty cung cấp nhạc số online như Napster. Bill Nguyễn cho biết hiện nay lala.com đã có trong tay 1,8 triệu CD với các tiêu đề khác nhau, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc theo mọi thể loại. Nguồn đĩa được cung cấp bởi nhà phân phối Baker Taylor cộng với sự đóng góp từ các thành viên đăng ký sử dụng dịch vụ của lala trên toàn cầu.
Tham vọng của Bill là “bắt tay” với các hãng thu âm lớn nhằm chiếm lĩnh thị phần trên thị trường nhạc số. Cho đến nay, các đại gia như EMI Group, Universial Music, Sony BMG và Warner Music chưa có động tĩnh gì vì họ còn chờ xem lala sẽ hoạt động trong thời gian tới như thế nào. Nổi tiếng là người đi đầu và thành công trong những dự án kinh doanh đầy rủi ro, Bill Nguyễn lại một lần nữa đang chèo chống “thuyền to” giữa “sóng” lớn.
Không mất công phát minh lại những cái có sẵn
Nhà triệu phú 35 tuổi vẫn không hề thay đổi cách ăn mặc giản dị giống như thuở còn hàn vi. Mê chơi game và rất hay cười, Bill Nguyễn là người vui tính nhưng trong công việc lại luôn đòi hỏi bản thân mình và người khác phải nỗ lực rất cao. Trước đây, khi phóng viên tờ The New Yorker hỏi Bill Nguyễn – người chưa từng tốt nghiệp đại học – về bí quyết kinh doanh của anh, Bill chỉ nói ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: “Mỗi khi bạn bắt tay vào một vụ làm ăn mới, không nhất thiết bạn phải phát minh lại thế giới.” Nói cách khác, Bill Nguyễn biết “đứng trên vai người khổng lồ” nên anh tiến rất nhanh. Tìm mọi cách “ve vãn” các hãng đĩa lớn, đó là cách của Bill hiện nay.
Là “lính mới” trong giới kinh doanh âm nhạc, nhưng ở thung lũng Silicon, Bill Nguyễn quá “khét tiếng”. Năm 30 tuổi, anh có trong tay 6 công ty phần mềm khác nhau và nằm trong danh sách 40 người dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ sau hàng loạt thương vụ hậu hĩnh. Trong đó, phải kể đến việc Bill “bỏ túi” dễ dàng 850 triệu đô la khi bán lại
Công ty Onebox chuyên về phần mềm chuyển tin nhắn do anh thành lập năm 1999. Năm 2000, thời điểm Bill nhận thấy các hãng điện thoại đầu tư hàng tỉ đô la vào dịch vụ kết nối không dây, Bill thức thời “khai sinh” Công ty Seven, chuyên về kinh doanh phần mềm sử dụng cho các dịch vụ mobile email.
Bill lập tức huy động được 34 triệu đô la từ các đối tác góp vốn và lập tức Công ty Seven gặt hái những thành công vang dội trên thương trường. Phần mềm của Seven được sử dụng rộng rãi và đoạt nhiều giải thưởng danh giá bao gồm giải Sản phẩm của năm do tạp chí Network Magazine bình chọn. Seven còn đạt được những hợp đồng béo bở với Microsoft. Vươn ra khỏi thị trường Mỹ, phần mềm của Công ty Seven được hai tập đoàn British Telecom ở Anh và NTT DoCoMo tại Nhật mua bản quyền sử dụng.
Không viễn vông và tự biết mình
Khi bán lại Onebox với giá 850 triệu đô, Bill thậm chí không đi dự tiệc ăn mừng cú làm ăn lịch sử này. Anh cảm thấy mình không xứng đáng vì mọi việc quá dễ dàng. “Chúng tôi đơn giản chỉ đi bán phần mềm, kiếm tiền trên bản quyền và các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật hậu mãi”. Bill không phải kiểu người ưa ngủ quên trên chiến thắng nên anh lao ngay vào những dự án mới. Anh tiêu tiền rất tiết kiệm và căn cơ với mọi khoản tiền rót vào các dự án. Suốt nhiều năm qua, anh chưa bao giờ ngủ quá 4 tiếng mỗi ngày. Cách đây không lâu, khi viết một bức thư ngỏ trên trang web lala.com vào lúc 3h31 sáng, Bill hứa rằng sẽ làm việc một cách không mệt mỏi để đạt được mục đích của mình, kiếm lợi nhuận từ lala và trích phần lời đó để giúp đỡ các nhạc sĩ còn đang chật vật với cuộc mưu sinh. “Xem MTV toàn thấy nghệ sĩ đi xe đẹp, ở nhà to, thực tế không phải ai cũng được vậy”. Bản thân Bill trước khi trở thành triệu phú cũng phải bươn chải bằng nghề bán xe hơi cũ.
Rất nghiêm khắc trong công việc, Bill Nguyễn tin rằng anh không cần phải tốn thời gian cho những nhân viên không toàn tâm toàn ý với nhiệm vụ được giao. Nếu bắt gặp nhân viên nào dưới quyền than vãn về cuộc sống hay càm ràm vì gặp vận đen khi chơi cổ phiếu trong giờ làm, Bill không ngần ngại “nghỉ chơi” với họ. Anh cũng có một thói quen đặc biệt, mỗi tháng tặng cho một nhân viên dưới quyền một con búp bê làm bằng bít tất (sock puppet). Không may cho ai được Bill chọn bởi vì đó là người mà Bill đánh giá là làm việc ẹ nhất!
Theo nhận xét của giới chuyên gia, còn quá sớm để khẳng định sự ăn nên làm ra của lala.com bởi trang web này chỉ mới chính thức đi vào hoạt động hồi đầu tháng 6/2006. Tuy nhiên, Bill rất tin vào cảm giác của mình và anh hy vọng cái tên lala – hai tiếng đầu tiên mà con trai Bill biết bập bẹ – sẽ mang may mắn đến cho anh. Tin từ hãng Reuters, chỉ trong vài tháng thử nghiệm, đã có đến 100.000 thành viên đăng ký sử dụng dịch vụ lala và sắp tới sẽ có khoảng 200.000 thành viên mới.
Quỳnh Như (Theo Thanh Niên, ABC, Reuters)