Theo đánh giá của các nghiên cứu dự báo thị trường lao động, ngành xây dựng nằm trong Top 10 ngành hot trong những năm tới. Đối với ngành hot như xây dựng, các nhóm nghề và cơ hội học tập được nhiều học viên quan tâm.
Theo TS. Bùi Hồng Huế, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình đô thị (Bộ Xây dựng), đối với ngành xây dựng, có 6 nhóm nghề đang được các doanh nghiệp trong và ngoài nước “trải thảm đỏ” đón chào do nhu cầu cao nhưng nhân lực chất lượng, đặc biệt là nhân lực kỹ thuật làm việc trực tiếp lại khan hiếm – điện dân dụng và công nghiệp, điện tự động hoá, lắp đặt đường ống công nghệ, xây dựng dân dụng – công nghiệp, sư phạm kỹ thuật xây dựng và cấp thoát nước.
1. Nghề điện dân dụng và công nghiệp
Học viên tốt nghiệp nghề này có khả năng tham gia thi công, thiết kế, lắp đặt, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các hệ thống điện dân dụng và công nghiệp trong các công trình điện, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất.
2. Nghề điện tự động hoá
Học viên tốt nghiệp nghề này có khả năng tham gia thi công, thiết kế, lắp đặt, vận hành và sửa chữa các hệ thống điện, điện tử dân dụng và công nghiệp, các dây chuyền sản xuất tự động có công suất vừa và nhỏ.
3. Nghề kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ
Học viên tốt nghiệp nghề này có khả năng đảm nhiệm công việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, thi công, lắp đặt các hạng mục công trình xây dựng, công trình hạ tầng đô thị, công trình cấp và thoát nước; lắp đặt hệ thống đường ống công nghiệp (dẫn dầu, dẫn khí,…).
4. Nghề xây dựng dân dụng và công nghiệp
Học viên tốt nghiệp nghề này có kiến thức về các nguyên lý tính toán, kỹ thuật và công nghệ chuyên ngành xây dựng bao gồm cả “công nghệ xây dựng xanh” (ứng dụng công nghệ xanh, sạch, thân thiện trong xây dựng); có năng lực vận dụng các kỹ năng, kỹ thuật cơ bản trong quản lý và tổ chức thi công, trực tiếp tham gia thi công các công trình xây dựng dân dụng và công nghiệp.
5. Nghề sư phạm kỹ thuật xây dựng
Học viên tốt nghiệp nghề này có năng lực chuyên môn tương đương nghề xây dựng dân dụng và công nghiệp trình độ cao đẳng và trung cấp, tự tin tham gia vào thị trường lao động với kiến thức, kỹ năng chuyên môn được đào tạo; ngoài ra, học viên có thêm một số tín chỉ, học phần về nghiệp vụ sư phạm dạy nghề bảo đảm khi tốt nghiệp có đủ năng lực làm nhà giáo giảng dạy nghề xây dựng dân dụng và công nghiệp tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
6. Nghề cấp thoát nước
Học viên tốt nghiệp nghề này có khả năng tham gia thi công, thiết kế, lắp đặt, vận hành, sửa chữa và bảo dưỡng các mạng lưới cấp, thoát nước trong các đô thị, công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Nghị Quyết Đại hội Đảng VIII đã chỉ rõ, từ nay đến năm 2020, ngành xây dựng dân dụng và công nghiệp ở nước ta cần đào tạo đội ngũ nhân lực lớn về số lượng, đảm bảo chất lượng để đáp ứng nhu cầu về thị trường lao động.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2016 nhu cầu lao động ngành xây dựng trong nước tăng 375.000 người và tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhu cầu lao động tại nước ngoài cũng rất cao, đặc biệt là ở Nhật Bản. Lao động ngành xây dựng tại Nhật không chỉ nhận được mức lương cao (từ 20-30 triệu/tháng) mà còn có nhiều chế độ đãi ngộ tốt. Để đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng cao trong ngành này, rất nhiều trung tâm, trường lớp đã tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy, giúp học viên phát triển và hoàn thiện tay nghề tốt nhất.
Tính tới năm 2020, nước ta sẽ có khoảng 4,2 triệu người lao động có nhu cầu về nhà ở tương đương với nhu cầu khoảng 33,6 triệu m2. Bên cạnh đó lượng vốn đầu tư vào ngành công nghiệp xây dựng luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu vốn FDI (40-50%), cùng với những cải thiện về hệ thống logistics (vận tải) và môi trường kinh doanh. Do đó, triển vọng của ngành xây dựng dân dụng, công nghiệp được đánh giá khả quan trong những năm tới.
Theo: (Giáo dục /VNN)