Trái chanh: châu Âu. Chùm nho: Việt Nam. Tôi biết bạn đang nhăm nhe phản đối, gì mà kỳ thế, đọc tựa đề tưởng chùm nho là châu Âu chứ (dù sự so sánh này có vẻ hơi khập khiễng). Châu Âu, niềm mơ ước của bao người với thiên nhiên tươi đẹp, cuộc sống thanh bình, mọi thứ gần như hoàn hảo mà lại bị ví với một trái chanh chua ư, có nhầm lẫn không?
Thôi nào, bạn của tôi, bạn có thể kiên nhẫn hơn một chút được không. Tôi đâu nói châu Âu hiện tại không đáng yêu, không diễm lệ (tôi đồng ý với bạn vì tôi đã đi và nhìn ngắm rất nhiều). Trong bài này, tôi không định kể lại những gì đã thấy, tôi chỉ muốn cùng bạn ngược dòng thời gian về quá khứ, nơi châu Âu diễm lệ hôm nay là một trái chanh chua.
Tôi đang tự hỏi tại sao, khi ông trời trao cho người châu Âu một trái chanh chua như thế, họ lại biết pha nó thành một cốc nước chanh mát lạnh. Còn chúng ta, chúng ta được ưu ái trao cho chùm nho mơn mởn, nhưng rốt cuộc thì sao, chúng ta không những không biết ăn nho, mà tệ hơn, chùm nho của chúng ta đang bị hỏng dần, hình như nó đang bị nẫu. Vậy thì các bạn hãy làm một điều gì đó biến chùm nho thành rượu vang. Vì tôi nghe nói rượu vang, đặc biệt là rượu vang hảo hạng ngon và có giá hơn rất nhiều một chùm nho nguyên thủy, và đương nhiên, nó tuyệt hơn một cốc nước chanh, cả về mặt kinh tế và mỹ học.
Phải thú thực là cũng như bạn, tôi từng chỉ nhìn thấy châu Âu diễm lệ và thanh bình, châu Âu nên thơ và hoa mộng. Tôi từng nghĩ sao mà họ sướng thế, thậm chí những người làm nông nghiệp cũng rất nhàn, đất đai quá phì nhiêu. Tôi từng chỉ nhìn được có vậy, tôi quên mất rằng, để có ngày hôm nay, cha ông họ và chính họ nữa, đã phải xây đắp rất nhiều. Không có gì là may mắn cả, là mồ hôi và công sức cả đấy, vì nó được xây trên nền tảng của một trái chanh!
Vì sao tôi nói châu Âu xưa là trái chanh? Suy nghĩ này mới xuất hiện trong tôi từ năm 2008 khi tôi tham gia một chuyến hiking tour. Lúc đó mới tháng 10 nên tuyết chưa rơi, nhưng chuyến đi của tôi thì ngập tuyết, phải nói là sống trong tuyết mới đúng. Việc lang thang hết ngày này sang ngày khác trên những ngọn núi cao tuyết phủ trắng quả là một trải nghiệm thú vị. Thiên nhiên lúc đó trở nên quá hùng vĩ và con người, lác đác một vài cá thể tham gia hiking tour trở nên nhỏ nhoi hơn bao giờ hết. Lúc đó, nếu có chuyện xảy ra, thực cũng không biết phải làm sao, vì cứ leo núi mà tuyết phủ trắng như thế, ai dám chắc là không ngã (tôi ngã rồi, may mà không sao).
Lúc đó tôi liên tưởng đến những câu chuyện mình từng đọc, khi có tai nạn xảy ra, họ phải đi cả ngày trời, thậm chí vài ngày trong tuyết mới tìm được bác sĩ mà nếu không may lúc đó bác sĩ đi cứu người ở chỗ khác thì thôi rồi, nói thực là không dám tưởng tượng tiếp tâm trạng của họ và gia đình lúc đó. Đó là những thời khắc kinh khủng nhất trong đời, sự chờ đợi mỏi mòn đến tuyệt vọng. Thời nay thì quá đơn giản, một cuộc gọi và bạn cứ yên tâm, sẽ có người tới cứu. Trong suốt chuyến đi, tôi được kể cho nghe những tai nạn trong quá khứ của dân làng ở đó, có những lúc, tuyết lở rơi xuống, phá hủy toàn bộ các ngôi nhà nhỏ dưới chân núi. Hãy thử đặt mình vào hoàn cảnh của họ, bạn sẽ thế nào khi mênh mông là tuyết, giao thông bất tiện, cái thời sống chỉ dựa vào sức người chứ chưa có cơ khí hóa sẽ sao nhỉ? Và vì mênh mông là tuyết, nên nếu bạn có đói, thì phần lớn bạn cầm chắc cái chết trước khi lết được đến nơi có hơi ấm của con người để xin lòng hảo tâm.
Tôi tin rằng, việc đi cả một ngày trong mưa gió, dù mệt mỏi cũng không kinh khủng bằng việc bạn phải lết trong tuyết cả ngày dài. Đi trong tuyết, có lẽ thứ duy nhất bạn yên tâm không lo thiếu là nước, nhưng nước đó thì quá lạnh và tái tê. Rốt cuộc, bạn chẳng có gì ngoài tuyết cả. Và khi kiệt sức, ngã xuống thì sao? Ngã xuống tuyết, cơ hội bạn có thể tiếp tục cuộc hành trình quá mong manh, đa phần bạn sẽ ngủ, ngủ mãi mãi.
Ở quê ta, một người cùng đường vẫn có thể kiếm rau cỏ qua ngày, còn ở châu Âu, khi cùng kiệt nhất, bạn chỉ có tuyết, và tuyết sẽ ôm bạn mãi mãi. Đó là lý do vì sao tôi nói thượng đế trao cho người châu Âu một trái chanh chua, và người đã rất ưu ái trao cho chúng ta hẳn một chùm nho. Tiếc là trong gian khó, người châu Âu biết mỉm cười với những gì mình có để nghĩ cách pha chế thành một cốc nước chanh mát ngọt, trở thành những người hùng mạnh, thì chúng ta lại lãng phí những ưu ái của tự nhiên, tự chúng ta đã biến mình thành nhỏ bé. Buồn nhất là chúng ta có vẻ chấp nhận được thực tế đó.
Nếu bạn chỉ ở trong nước, bạn sẽ không thấy khác biệt mấy. Nhưng nếu đã một lần xuất ngoại, hẳn bạn hiểu cảm giác là dân của một nước nhỏ nước nghèo. Tôi thường bị nhầm là người Nhật, người Hàn, họ không nghĩ tôi là người Việt Nam, điều đó làm tôi buồn. Khái niệm Việt Nam với họ thật xa mờ, nếu tôi nói tôi đến từ Việt Nam, thì họ cũng chỉ nhớ được nó nhờ các cuộc chiến, chấm hết, Việt Nam của hiện tại là cái gì đó quá xa mờ với họ.
Trên đường trở về sau hiking tour, vượt khoảng 500km bằng ô tô, tôi nhìn ngắm xung quanh kỹ hơn, tôi thấy không chỉ chỗ chúng tôi nghỉ mới là núi đồi, mà gần như chỗ nào cũng núi cũng đồi cả. Không hẳn quá cao nhưng nó vẫn gây ra những bất tiện khi đi lại và sinh sống. Khái niệm đồng bằng thẳng cánh cò bay như ở quê mình thật khó tìm ở đây. Cuộc sống của họ, chỉ duy nhất một mùa cây cối đâm chồi, còn một mùa tuyết phủ, vậy mà họ sống được nếu không muốn nói là họ đã sống rất tốt.
Cây cối ở đây sau vài tháng ngủ đông, xuân đến, đâm chồi, bung xòe, sự thay đổi đến chóng mặt. Thậm chí mới tuần trước là mầm non, thì tuần sau đã thấy lá xanh phủ kín. Đến mức nhiều khi chúng tôi trêu nhau là đến cây cối ở đây cũng biết sống gấp. Là nói trêu vậy thôi, chứ tôi ý thức rất rõ sự mong chờ và đón nhận ở nơi đây. Có cảm giác như tất cả luôn sẵn sàng, chỉ chờ thời cơ đến là bùng khởi vậy, ngay cả cây cối cũng thế. Còn ở ta, có vẻ thiên nhiên ưu đãi hơn, không phải chịu tâm lý ngóng chờ mòn mỏi nên khi xuân đến xuân đi cũng không quá ngỡ ngàng chăng?
Châu Âu, tôi từng qua rất nhiều thành phố cổ, những ngôi nhà hàng trăm năm tuổi, vững như bàn thạch, các công trình kiến trúc của họ kế thừa từ đời này sang đời khác. Còn ở ta thì sao, các công trình kiến trúc của cha ông còn lại cho đến giờ chẳng là bao. Sau mỗi một giai đoạn lịch sử, sau mỗi một biến cố, thì cái câu “phá cũ xây mới” luôn là câu nằm lòng. Trải qua bao nhiêu đời vua chúa, bao nhiêu triều đại, ai cũng muốn xây mới, phải là cái của riêng mình, không ai muốn dùng lại. Thôi thì không dùng thì người khác dùng, nhưng không, phải là phá bỏ. Thậm chí đến đình chùa miếu mạo là những thứ linh thiêng và trung lập nhất cũng bị phá bỏ. Một sự lãng phí ghê gớm.
Không biết khi phá đi, người ta có thấy tiếc công sức bao người đã đổ xuống để xây lên không, bao nước mắt bao mồ hôi, là sức dân cả đấy. Mà dân thì thời nào, vua nào chẳng thế, có khác gì đâu, vậy sao lại phân biệt thế, bình mới thôi rượu vẫn cũ mà. Không biết có phải cái tôi của chúng ta lớn quá không, nhưng đa phần chúng ta thích cái gì mình cũng phải là đầu tiên, mà ai cũng đầu tiên thế thì bao giờ mới đi đến đích.
Bạn tưởng tượng nhé, giả sử trong một cuộc đua đường trường, thì chơi trò tiếp sức sẽ nhanh hơn đúng không. Bạn làm một chút, tôi làm một chút, cùng nhau làm chúng ta sẽ đến đích. Nhưng nếu cái tôi quá lớn thì chúng ta không muốn chia sẻ, mọi cái phải thuộc về riêng ta thôi, vậy thì bạn ơi, bạn hãy tự làm đi, bạn có chắc là sẽ đến đích không?
Rất có thể, bạn sẽ ngã quỵ vì kiệt sức khi cách đích có một cái với tay, tất cả lại trở về con số không tròn trĩnh, một ai đó lại tiếp tục từ đầu, và ai dám chắc rằng sẽ có người cán đích? Mà kể cả nếu có ai đó may mắn cán đích thì vẫn là quá muộn, vì xung quanh ta các đối thủ (nước khác) đã cán đích lâu rồi, họ thậm chí còn đang tập trung cho các kế hoạch khác rồi. Vậy đó, một sự lãng phí kinh khủng, vì nó không có tính kế thừa. Châu Âu thì khác, họ quá chuyên nghiệp trong việc kế thừa và phát triển, họ không bị lãng phí. Nếu họ cũng có thói quen như ta, không thích dùng lại, thì chắc là cho đến bây giờ cuộc sống của họ phải tệ hơn nhiều, vì thiên nhiên của họ khắc nghiệt hơn ta nhiều, cứ bám vào mẹ đất mà sống, thì chắc giờ không có ruộng đất phì nhiêu đâu, thay vào đó, sợ là cỏ chẳng mọc nổi vì đất cằn (ăn mãi thì hết thôi có gì đâu phải ngạc nhiên, mẹ đất đâu thể tái sinh nhanh thế nếu ta không tự vun trồng).
Tôi thực cảm thấy yêu quê hương mình, ở đó, dù trong lúc mệt mỏi nhất, dù đôi khi tôi phải tham gia những cuộc hành trình dài chỉ có một mình, tôi vẫn không bị cảm giác đơn độc xâm chiếm như khi đứng giữa trời đất bao la tuyết phủ tràn một màu tang tóc. Lúc đó phải dùng một từ là trắng phớ như tuyết, cảm giác lãng mạn của những câu chuyện cổ tích với bầu trời tuyết trắng chẳng thể ngự trị. Ở quê mình, khi một mình lang thang, khi không một bóng người, ta có cảm giác mình đang hòa vào thiên nhiên, cây cối xanh tươi vẫy gọi xung quanh, cảm giác thanh thảnh nhẹ nhàng chứ không hề cô độc hay lo lắng gì cả. Ta cũng không phải lo sẽ chết đói trong cuộc hành trình, xung quanh ta, có nhiều cây trái ăn tạm trong lúc đói lòng. Ta không thể chết.
Vậy đó, người châu Âu được ban cho một trái chanh, họ đã sống tốt. Phải chăng chính những khó khăn đã hun đúc trong họ ý chí vươn lên không ngừng để thoát khỏi nghịch cảnh trớ trêu. Và nay, những nghịch cảnh của tạo hóa, của thiên nhiên khắc nghiệt đâu còn làm gì được họ nữa, thậm chí nó còn trở thành nét duyên riêng. Tuyết phủ trắng trời ư, đồi núi khó đi ư, cơ khí hóa rồi, còn lo gì tuyết trắng. Tuyết cứ rơi đi, châu Âu càng lãng mạn, nếu không muốn nói quá lên rằng tuyết là thứ nhan sắc không thể thiếu trang hoàng lên châu Âu một màu cố tích diệu kỳ. Không có tuyết, châu Âu hôm nay mất đi một nửa sự diễm lệ, và sức hút với khách du lịch hẳn sẽ bớt đi nhiều. Tôi tin thế.
Mỗi khi đi ra đường, tôi thật mong ai đó sẽ hỏi tôi: “Are you from Vietnam?” nhưng thật tiếc đó chỉ là mong ước mà thôi. Dù vậy tôi vẫn không nguôi hy vọng, sau này một tương lai không xa tôi sẽ được nghe câu đó từ những người xa lạ. Tôi muốn khi nhìn thấy người châu Á thì Việt Nam là một trong những cái tên họ phải cân nhắc bên cạnh Nhật, Hàn, Trung Quốc hay Sing như hiện nay. Mặc dù nước ta là một nước nhỏ, nhưng chẳng có định luật nào nói nước nhỏ thì không thể hùng cường. Tất cả do chính con người ở nước đó quyết định mà thôi. Hãy nhìn Sing mà xem, nước họ quá nhỏ so với ta, nhưng trên thế giới này, hỏi có mấy ai không biết Sing là thiên đường mua sắm?
Tôi càng đi thì càng thấy một điều, người Việt mình thông minh lắm, học nhanh lắm. Nhưng tôi cũng đành phải thừa nhận một điều đã được rất nhiều người rút ra, đó là chúng ta có cái tôi to quá, ai cũng muốn làm thủ lĩnh, nên khó có một khối thống nhất. Trong cuộc họp chúng ta khá hòa nhã như thể chúng ta thống nhất lắm rồi, đồng lòng lắm rồi, vậy mà làm thì mạnh ai lấy làm, mỗi người một hướng cứ ý ta ta làm, kết quả cuối cùng chẳng ra sao và luôn có cái khâu sửa chữa khuyết điểm đi theo.
Tây thì khác, họ có thể tranh luận gay gắt trong cuộc họp, nhưng nếu sau đó thống nhất đưa ra kết luận cuối thì cứ thế mà làm, hiệu quả công việc được đặt lên hàng đầu. Có lẽ chúng ta nên triệt để học tập họ, hãy cứ thảo luận, hãy cứ tranh luận sôi nổi nếu cần, nhưng khi đã làm việc, làm ơn chuyên nghiệp một chút, đừng để tình cảm, cái tôi lấn át mọi thứ. Nếu chúng ta đồng lòng, tôi tin tương lai không xa chúng ta sẽ có rượu vang, chắc chắn là thứ vang ngon ai cũng muốn thử.
Tôi biết những điều tôi nói có vẻ giáo điều, mà tôi thì còn quá trẻ để nói lên thế này hay lên thế khác. Thôi thì bạn nói gì tôi cũng nhận hết, tôi chỉ mong bạn hiểu cho lòng tôi thực muốn nhìn thấy đất nước mình vươn dậy mạnh mẽ, chúng ta có thể sống tốt bằng chính sức mình thay vì hy vọng vào sự giúp đỡ từ các nước khác. Tôi thực không thích đọc các tin đại loại kiểu nước này nước kia vừa quyết định cho Việt Nam vay bần này bần kia. Chúng ta có thể tự sống tốt nếu chúng ta thay đổi chính mình, vậy sao phải ngửa tay xin?
Các bạn chính là những người sẽ biến nho thành rượu vang. Tôi thực lòng mong chờ ngày đó. Hãy để thế giới được thưởng thức thứ rượu vang hảo hạng mang tên Việt Nam.
Nguồn: “Trái chanh và chùm nho” (Kim liên/Blog).
Vài nét về blogger:
“Chỉ là gió thoảng mây trôi, ghé thăm đời vào ngày gió nổi, chút dừng chân chỉ đủ khắc tên mình lên cát, sóng cuốn rồi, hỏi ai biết ta đau…” – Kim Liên.
(Bạn Kim Liên hiện sống và học tập tại châu Âu).