(Hiếu học). Tiền bạc, quyền lực, cuộc sống năng động… là thứ mà người ta thường gắn với hình ảnh của những tổng giám đốc điều hành (CEO) quốc tế. Nhưng nếu biết những áp lực họ đã phải chịu, nhiều người tham vọng trở thành CEO sẽ từ bỏ ước mơ…
Steve Tappin là tác giả của cuốn sách “The Secrets of CEOs”. Để hoàn thành tác phẩm này ông đã phỏng vấn 150 giám đốc điều hành quy mô toàn cầu về kinh doanh, hoạt động điều hành và những thực tế khắc nghiệt trong công việc. Những thứ mà Tappin phát hiện có thể khiến những người mơ ước trở thành CEO xem xét lại tham vọng của họ.
“Có lẽ khoảng hai phần ba CEO đang vật lộn với cuộc sống. Chẳng có nơi nào dạy con người cách trở thành CEO, vì thế mà họ luôn phải tự đào tạo bản thân”, Tappin phát biểu với CNN.
Tappin và một chuyên gia thần kinh đã tiến hành nhiều bài kiểm tra tâm lý và thần kinh đối với các CEO. Kết quả cho thấy phần lớn họ rơi vào tình trạng chịu nhiều áp lực, căng thẳng triền miên, làm việc quá sức và luôn mệt mỏi.
“Những cảm xúc chính mà các CEO thường trải qua là thất vọng, bực tức và phát cuồng”, Tappin nói.
Theo Tappin, những cảm xúc trên không có lợi cho sức khỏe, bởi chúng dẫn tới tình trạng căng thẳng và làm tăng nồng độ cortisol trong cơ thể. Cortisol – hoóc môn liên quan tới trạng thái căng thẳng – làm tăng tốc độ lão hóa, nguy cơ đau tim và ung thư.
Nhiều người đã thành công với cương vị CEO, nhưng vẫn buộc phải từ bỏ sớm do áp lự công việc và cả những tác động từ cuộc sống ngoài công việc. Đương nhiên, làm CEO đồng nghĩa với việc bạn sẽ không có nhiều thời gian dành cho gia đình, bạn bè, sở thích cá nhân, hoạt động thể thao và nhiều thứ khác.
“Trong nhiều trường hợp các CEO kiệt sức và căng thẳng. Hậu quả là sinh lực của họ giảm dần. Mọi người cứ nghĩ CEO là những siêu nhân, nhưng trên thực tế họ luôn phải gồng mình để làm việc”, Tappin tiết lộ.
Bản chất của công việc kinh doanh trên phạm vi toàn cầu khiến hoạt động điều hành một công ty ngày càng trở nên phức tạp. Các CEO quốc tế thường phải quyết định các vấn đề rất nhanh.
Điều hành trên phạm vi quốc tế buộc các CEO phải di chuyển nhiều từ nước này sang nước khác. Lệch múi giờ chỉ là một trong những phiền toái. Thay đổi chỗ ở liên tục cũng là một vấn đề. Cựu giám đốc điều hành của tập đoàn khai mỏ Rio Tinto cho biết, ông và vợ từng thay đổi chỗ ở 19 lần kể từ khi họ lấy nhau.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay khiến các CEO chịu nhiều áp lực hơn trước kia. Nhiều CEO vừa phải cắt giảm nhân công lại vừa phải tìm cách động viên tinh thần làm việc của những người không bị sa thải. Thực tế đó khiến sự cô đơn trở thành bạn đồng hành của CEO. Khoảng 50% số CEO trả lời phỏng vấn của Tappin thừa nhận họ cảm thấy đơn độc song không biết nên gặp ai để tìm kiếm lời khuyên. Mike Roney, giám đốc điều hành tập đoàn nhựa Bunzl, nói: “Công việc của giám đốc điều hành khá đơn độc. Nếu làm việc cho một công ty nhỏ bạn sẽ không có những đồng nghiệp ngang hàng giống như trong các công ty lớn”.
Tappin cho rằng đó có thể là thách thức thực sự với CEO. “Bạn sẽ tìm ai để chia sẻ ?”. Bạn có thể gặp chủ tịch hội đồng quản trị, nhưng sau đó chủ tịch sẽ sa thải bạn. Bạn cũng có thể tìm tới những nhà quản lý cấp dưới, song biết đâu sau đó một người trong số họ sẽ thay thế bạn”, CNN dẫn lời Tappin.
Khoảng 90% CEO không thể cân bằng cuộc sống riêng tư với công việc. Nhiều người nghĩ CEO có thể nói thẳng những khó khăn của họ với người thân, nhưng trên thực tế cuộc sống gia đình của họ cũng là một vấn đề.
Một CEO giấu tên trong cuốn sách của Tappin kể ông đã kết hôn hai lần.
“Tôi không thể nhớ những đứa con trai đã lớn lên thế nào. Tôi không thể nhớ bất kỳ điều gì khi chúng còn nhỏ. Mọi người thường hỏi liệu tôi có phải lựa chọn giữa gia đình và sự nghiệp không. Chắc chắn bạn phải chọn, bởi bạn chẳng thể làm tốt cả hai”, vị CEO tâm sự.
Những vẫn có nhiều CEO không coi công việc là ưu tiên hàng đầu. Philip Green, giám đốc điều hành tập đoàn United Utilities tại Anh là một ví dụ.
Green theo đạo Cơ đốc và ông sống theo công thức 5F: Faith (niềm tin), Family (gia đình), Fitness (sức khỏe), Fun (sự vui vẻ) và Firm (công ty).
“Hãy chú ý rằng ông ấy không đặt công ty ở vị trí đầu tiên. Vị trí đầu tiên ông dành cho những thứ giúp ông ấy hạnh phúc trong cuộc sống”, Tappin giải thích.
Tappin cho rằng các CEO cần tạo ra một cách thức làm việc mới để giảm bớt áp lực trong công việc và cuộc sống. Chẳng hạn, các công ty có thể đưa 4 hoặc 5 người vào vị trí điều hành. Mô hình quản lý này ngày càng trở nên phổ biến ở các nền kinh tế đang nổi như Ấn Độ và Trung Quốc.
Các CEO cũng nên xây dựng một đội ngũ có khả năng hỗ trợ họ trong công việc. Trong nhóm hỗ trợ ấy nên có chuyên gia tâm lý và chuyên gia về kỹ năng sống. Sự hiện diện của nhóm hỗ trợ sẽ giúp CEO đối đầu với áp lực và duy trì hiệu quả làm việc.
Tappin khuyên các CEO đặt ra ranh giới giữa công việc và cuộc sống riêng tư, đồng thời đảm bảo rằng họ có những mối quan tâm và giá trị bên ngoài công việc.
“Cần phải tâm niệm rằng không phải tất cả thời gian đều dành cho công việc! Bởi vì nếu công việc không suôn sẻ, bạn sẽ rơi vào trạng thái suy sụp”, Tappin bình luận.
Theo: “Bí mật khó nói của các tổng giám đốc”/(VnEpress).