Văn hóa kiêu căng ngạo mạn là điều tối kỵ đối với một chủ doanh nghiệp cho dù anh ta có đầu óc sáng tạo như thế nào!
Tuy nghiệp vụ của các chủ doanh nghiệp và CEO chỉ cách nhau trong gang tấc, nhưng tầm nhìn và tư duy sáng tạo lại cách nhau “một trời, một vực”. Mặc dù phải quản lý và điều hành doanh nghiệp theo chương trình kế hoạch của Hội đồng quản trị, nhưng CEO còn phải có óc sáng tạo, năng động, không ngừng tìm cách đưa doanh nghiệp bứt lên, vươn xa hơn, luôn đi cùng (thậm chí đi trước) thời đại để cạnh tranh có hiệu quả với các đối thủ trên thương trường.
Tính cách của các CEO nhiều lúc như con ngựa bất kham, luôn xông xáo, bứt phá, thậm chíkhông tự kiềm chế. Họ cũng mắc nhiều sai lầm, nhưng mỗi lần vấp ngã họ lại lớn lên và đưa doanh nghiệp tiến xa hơn. – Steve Jobs là một người như vậy.
* Steve Jobs sinh năm 1955 ở Green Bay, bang Wisconsin. Cha ông là Abdulfattah Jandali, người Sirya. Ngay từ nhỏ, Steve Jobs đã có tính cách khác người, ương bướng, ngang ngạnh, hiếu động, nhưng thông minh và luôn nghĩ ra những trò chơi khác lạ. Tốt nghiệp cấp 2 loại giỏi, nhưng Steve lại không muốn học cấp 3, buộc cha mẹ phải chuyển nhà tới California mới chịu vào học. Năm 1972, Jobs tốt nghiệp cấp 3 ở Cupertino, California và thuyết phục cha mẹ cho mình vào học một tTrường đại học đóngphí rất cao, nhưng rồi chỉ học có một học kỳ là bỏ học và say sưa nghiên cứu về kỹ thuật máy tính. Bị cha mẹ mắng mỏ, trì triết, Steve Jobs quyết tâm tự tìm việc để sống.
Năm 1974, khi 19 tuổi, Steve Jobs tình cờ thấy trên báo đăng tải Công ty máy tính Atari cần tuyển người, Jobs tới xin phỏng vấn để vào làm việc. Kỹ sư trưởng Alcorn củaCông ty Atari nhớ lại: “Trưởng phòngnhân sự nói với tôi rằng một thằng oắt con 19 tuổi ăn mặc kỳ dị như thằng hề của rạp xiếc tới xin việc xưng danh là Steve Jobs. Sau khi phỏng vấn, hắn ta cứ khăng nói rằng sẽ không rời khỏi đây nếu như công ty không nhận hắn vào làm việc. Thằng này chỉ có ‘ăn no vác nặng’chứ biết gì về kỹ thuật máy tính. Thế nhưng có một cái gì đó mách bảo tôi về sự khác thường của thanh niên này, nên tôi nói hãy đưa anh ta vào đây. Quả nhiên sau cái vẻ kệch cỡm bề ngoài, con người này toát lên một sức sống mãnh liệt và bầu nhiệt huyết khác thường, đầy chất sáng tạo… Vì vậy, tôi đã nhận Steve Jobs vào làm việc.”
Steve Jobs được giao viết các chương trình về trò chơi điện tử và quả nhiên anh đã hoàn thành xuất sắc và chẳng bao lâu được giao chức Trưởng phòng thiết kế chương trình trò chơi.
Nolan Bushnell, người sáng lập hãng Atari, kể lại: “Mỗi khi có dự định mới về nâng cấp hoặc cải tiến chương trình, Steve Jobs thường làm kế hoạch đệ trình tôi theo thời gian biểu từng ngày hoặc từng tuần, chứ không phải là hàng tháng hoặc hàng năm. Tôi thích những mẫu người làm việc cụ thể chính xác như Steve. Điều tôi mến mộ Steve ở chỗ là cậu ta không bao giờ thỏa mãn với thành quả đạt được mà luôn luôn muốn tìm ra cái mới hơn, tốt hơn với giá thành hạ nhưng mang lại hiệu quả cao.”
Trong thời gian làm việc cho Atari, Steve Jobs đã làm quen với kỹ sư thiết kế Steve Wozniak, hai người rất ăn ý với nhau về thiết kế các chương trình. Sau đó Jobs sang Ấn Độ cùng người bạn học là Dan Kottke để nghiên cứu các chương trình phần mềm mới về các trò chơi điện tử ở cấp độ cao hơn, sinh động hơn. Sau khi về Mỹ, Jobs thuyết phục Steve Wozniak rời khỏi Hewlett Packard để cùng nhau nghiên cứu sản xuất máy tính cá nhân (PC).
Đúng vào “ngày nói dối” 1/4/1976, Steve Jobs (21 tuổi) và Wozniak (26 tuổi) đã hùn vốn thành lâp Công ty máy tính Apple (Apple Computer Co.) Chiếc PC đầu tiên của Apple được sản xuất và ra đời trong garage ôtô của gia đình Steve Jobs và bán được 666,66 USD.
Năm 1980, Apple cho ra đời phiên bản thứ PC 3 (version 3) đã được cải tiến và hoàn thiện, đồng thời Aplle lên sàn giao dịch chứng khoán và phát hành cổ phiếu với giá 22 USD/một cổ phiếu, bán rất chạy trên thị trường. Jobs và Wozniak trở thành triệu phú.
Nhưng “ngày vui ngắn chẳng tày gang”, mâu thuẫn giữa Jobs và Wozniak nảy sinh. Trong hồi ký của mình, Wozniak viết: “Sau đó Steve Jobs trở nên kỳ quặc, không nghiên cứu gì thêm và cũng không ngó ngàng gì tới việc quản lý công ty cũng như tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Mọi người chẳng biết Jobs làm gì ở trong phòng, thỉnh thoảng Steve Jobs xuất hiện trước mọi người, nhưng ăn nói kiêu ngạo. Chính vì vậy, mọi người đều xa lánh Steve và tất cả những phiên bản mới, cũng như phát minh mới đều không cho anh biết. Bởi vì, Steve Jobs giờ đây là người không đáng tin cậy của Apple, thậm chí có lúc anh tacòn lừa dối cả tôi, bao giờ cũng chỉ muốn mình được chia phần nhiều hơn”. Wozniak viết: “Nổi nóng, cáu bẳn, kiêu ngạo, cố chấp, buồn vui thất thường là đặc tính của Steve Jobs khi đó. Chính vì vậy mà anh ta đã gây sự với đa số nhân viên của Apple. Cuối cùng Hội đồng quản trị đã bãi chức và tước bỏ mọi chức quyền của Steve Jobs, khai trừ anh ta”.
Sau khi buộc phải rời khỏi Apple, Steve Jobs từng ân hận nói: “Tôi bắt đầu tỉnh ngộ và hối hận về tính kiêu căng ngạo mạn của mình. Sau khi làm cha, tôi mới thấy mình chững chạc hơn và khiêm tốn hơn. Văn hóa kiêu căng ngạo mạn là điều tối kỵ đối với một chủ doanh nghiệp cho dù anh ta có đầu óc sáng tạo như thế nào. Sau vấp ngã này, tôi quyết tâm trở lại Tiểu vương quốc máy tính của tôi và cải tạo lại thế giới máy tính”.
Steve Jobs cho biết thời gian ở Apple, anh đã ấp ủ một kế hoạch lớn hơn, sáng tạo hơn, có thể cải tạo và xoay chuyển được một doanh nghiệp đang lâm vào khó khăn phá sản. Bởi vì khi đó, Steve Jobs cho rằng Apple bắt đầu mắc nhiều sai lầm trong chiến lược kinh doanh, đã tới lúc phải thay đổi lại cơ cấu. Steve Jobs nói “Tôi tự cải tạo mình và cải tạo cả thế giới máy tính”.Anh bắt đầu nghiên cứu và cho ra đời các máy tính hiện đại hơn như NeXT Computer.
Năm 1986, Steve Jobs mua lại Công ty hoạt hình kỹ thuật số Pixar và cho ra đời hàng loạt chương trình bán rất chạy trên thị trường. Trong lúc này, Apple bắt đầu rơi vào khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản do sai lầm của Wozniak và Giám đốc điều hành Scott. Năm 1996, Apple đã mời Jobs trở về làm cố vấn sau khi Apple tiến hành cải cách ban lãnh đạo. Chưa đầy một năm làm việc, Jobs đã vực Apple từ bờ vực thẳm phá sản trở lại sức sống mãnh liệt. Tháng 9/1997 Jobs trở thành CEO của Apple và tới Quí 4/1998, chưa đầy một năm sau, Jobs đã làm cho Apple thu về lợi nhuận tới 109 triệu USD. Kể từ đó tới nay Jobs đã đưa ra 7 đột phá công nghệ lớn làm cho Apple trở thành công ty máy tính hàng đầu thế giới hiện nay.
Trong cuộc đời, con người đều mắc sai lầm, vấp ngã, nhưng điều quan trọng là sau khi vấp ngã họ đã lấy lại nghị lực như thế nào để tiếp tục đứng dậy và tiến lên. Steve Jobs là con người như vậy. Mắc nhiều lỗi lầm, vấp ngã, nhưng anh không hề nản chí, ngược lại còn quyết tâm hơn trước. Một chủ doanh nghiệp cần có tố chất như Steve Jobsthì mới có thể đưa doanh nghiệp tiến lên và đứng vững trước sóng gió cạnh tranh trên thương trường. Đó chính là văn hóa doanh nghiệp ngày nay.
Theo: (Kiến thức tài chính/Tầm nhìn)