(Hiếu học). Các chàng không bao giờ nỡ để các nàng phải hứng chịu những khoản “tình phí”. Thế nhưng nhiều nàng lại muốn cùng các chàng san sẻ một cách sòng phẳng. Không phải cặp nào cũng biết cách hài hòa vấn đề tế nhị này, một số cặp trở nên sứt mẻ vì những suy nghĩ “không thể nói ra”, nhìn đi, nhìn lại, nguyên nhân chính của nó là “tình phí”. Vậy nên hay không nên và những mối tình như thế nào sẽ bền lâu?
Sinh viên với buồn vui “tình phí”.
Sinh viên – những kẻ vốn nghèo rớt mồng tơi, nhưng lại dễ dàng trúng mũi tên của thần Cupid. Khi đó, ngoài chuyện cơm áo gạo tiền, các chàng (và cả các nàng), còn phải gồng mình gánh thêm một khoản chi “ngoài kế hoạch”, gọi nôm na là “tình phí”.
Khó mà liệt kê hết các khoản tình phí. Khi mới bắt đầu “cưa cẩm”, tình phí chỉ là ly cà phê cho chàng và ly cam vắt cho “đối tác”. Lúc này, các chàng muốn chứng tỏ mình nên cương quyết “gánh vác”. Nếu hết sức tiết kiệm, mỗi tuần chỉ đưa nàng đi cà phê một, hai lần, chắc chắn trong tháng đó sẽ có dăm ngày chàng phải “chiến đấu” với… mì tôm!
Đâu chỉ uống nước, tiến tới là phải “măm”. Dù chỉ là cơm bụi, mỗi tháng hãy để chàng “vinh hạnh” bao nàng dăm bữa chứ! Vậy là khi đi cùng nàng, mặt các chàng tươi hơn hớn, nhưng lúc còn lại “một mình”, đảm bảo khối chàng méo mặt.
Chàng nào chẳng may “vớ” phải cô nàng nhõng nhẽo, ưa vòi vĩnh thì càng gay go. Dũng, SV trường ĐH X, tán tỉnh được Hà – cô bé đồng hương mới nhập trường. Lạ nước, lạ cái, trăm sự Hà đều “nhờ anh Dũng”. Sau khi thuê nhà trọ, Hà nhăn nhó than thiếu đồ dùng sinh hoạt. “Tính chuyện lâu dài”, Dũng vui vẻ sắm cho nàng đủ thứ vật dụng, từ chiếu chăn gối nệm đến kệ sách, bàn học… mất đứt nửa tháng “trợ cấp”. Tiếp đó là những bữa điểm tâm, cơm bụi ban ngày hay ly nước chanh, que kem… lúc dạo phố đêm đêm. Hà vô tư đón nhận sự “săn sóc chu đáo” của đồng hương, như chuyện đương nhiên phải vậy mà không biết Dũng phải chạy đôn đáo hỏi vay bạn bè người dăm ba chục, kẻ một hai trăm… Tháng sau, nhận tiền từ nhà gửi, trả xong các khoản nợ, Dũng trắng tay. Đang đau đầu tìm kinh phí để “tồn tại”, nàng lại nhõng nhẽo réo điện thoại: “Chủ nhật này anh em mình đi Suối Tiên nhé!”. Chàng chợt thấy ớn lạnh, đành ậm ừ: “Anh phải đến trường có việc đột xuất”. Ngay sau đó, chàng quyết định… “biến”. “Chịu không thấu các khoản tình phí!” – chàng ngượng nghịu thú nhận với mấy thằng bạn thân lý do chia tay.
Trường hợp của Nam còn gay go hơn. Phòng trọ của Hạnh, bạn gái chàng, có đến năm cô. Để nhận được sự ủng hộ của các nàng, hôm nào đến thăm Hạnh, Nam cũng phải xách theo túi trái cây, dăm bịch chè… Đôi khi, cả năm nàng hứng chí đòi anh Nam đưa đi karaoke. Chẳng lẽ từ chối? Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi anh chàng luôn trong tình trạng “viêm màng túi”.
Cũng có những cặp biết cách hài hòa vấn đề tế nhị này…
Các chàng không bao giờ nỡ để các nàng phải hứng chịu những khoản “tình phí”. Thế nhưng nhiều nàng lại muốn cùng các chàng san sẻ một cách sòng phẳng. Thật ra, không phải cô gái nào cũng “vô tư” như Hà hay Hạnh. Cũng là dân tỉnh lẻ vào thành phố, chi thừa biết số tiền cố định hàng tháng ở nhà gửi cho Hùng nên ngay từ những ngày đầu quen biết, Chi đã thẳng thắn tuyên bố: Em muốn chúng mình “hợp tác xã”. Hùng ngơ ngác: “Là sao?”. “Là không ai phải gánh khoản tình phí. Hai đứa sẽ thay phiên nhau trả”. Lúc đầu, Hùng không chịu, nhưng thấy Chi cương quyết nên đành… đầu hàng. Cách giải quyết khá đơn giản: Nếu hôm nay Hùng trả tiền cơm bụi thì mai đến lượt Chi “mời”. Hai bên còn thỏa thuận, phải cố gắng tiết kiệm nhất khi có thể. Vì vậy, cả hai nhất trí chọn quán cơm nào ngon và rẻ, món giải khát bất di bất dịch là trà đá. Thỉnh thoảng đi picnic, Hùng lo xăng xe, Chi chuẩn bị thức ăn và nước uống. “Vậy mà vui ra phết!”, Chi hồ hởi.
“Tình” ai cũng thích, nhưng “phí” thì ai cũng kinh.
Ra trường, Tiến được nhận làm kế toán trưởng một công ty TNHH, và càng sung sướng hơn khi gạt được khối cây si để lọt vào mắt xanh của Thanh, hoa khôi Kinh tế năm ba. Ngược lại, Thanh cũng tự hào không kém mỗi khi Tiến đợi nàng trên chiếc SH trước cổng trường. Để chứng tỏ với bạn bè về người yêu “đẳng cấp” của mình, nàng thường nỉ non rủ chàng đi dạo phố, nhân tiện rẽ vào các shop thời trang hay trung tâm thương mại để hôm sau đến lớp, nàng hớn hở khoe những món quà đắt tiền. Tối nào về đến nhà trọ, nàng cũng bô bô liệt kê các món ăn vừa được thưởng thức trong khách sạn X hay nhà hàng Y. Tối thứ bảy, chủ nhật, chàng khoác tay nàng vào các bar hay vũ trường… Chưa hết, mới rồi, nàng vênh mặt chỉ cho đám bạn cái xe Attila mới toanh: “Tớ vòi mãi ảnh mới chịu xì ra đấy! Lý do đơn giản thôi: Để anh đỡ phải đưa đón em!”.
Chỉ nửa năm sau khi có người yêu, Tiến nhận ra số tiền mình ky cóp để dành mua nhà, đón mẹ từ quê vào đã vơi mất quá nửa. Trong khi đó, Thanh vừa lên những kế hoạch mới như chuyến nghỉ mát Vũng Tàu chủ nhật tuần sau hay “dịp lễ tới chúng mình đi Nha Trang anh nhé!”. Có người yêu kiểu này oải quá! Suy đi tính lại, Tiến quyết định “chuồn”…
Có lẽ rồi Thanh sẽ hiểu ra lý do của cuộc “chia tay hoàng hôn” này. Đó là khoản tình phí quá lớn mà Tiến không gánh nổi.
Lời khuyên cho các cặp.
Tất nhiên, không nên quá sòng phẳng trong chuyện tình yêu. Vì như người ta nói, nếu yêu mà cứ đem ra “cân-đo-đong-đếm” thì đâu phải là yêu nữa.
Vì vậy, trong những lúc vui vẻ, các cặp nên nói chuyện và trao đổi thêm để hiểu nhau và san sẻ với nhau nhiều hơn những khó khăn. Không nên quá sòng phẳng, nhưng cũng không nên dồn hết mọi gánh nặng và trách nhiệm “tình phí” cho người kia. Như vậy, tình cảm mới luôn phát triển bền vững được.
Theo: Phụ nữ online.