Tỉnh thức từ ly rượu

Bố mất khi còn nhỏ, John đã rất vất vả để có thể tiếp tục đi học. Tốt nghiệp trung học, gia đình khó khăn nên John phải từ bỏ con đường học vấn để đi làm. Sau nhiều lần bị từ chối, John cũng xin được chân rót rượu tại một quán bar khá nổi tiếng của thành phố nơi anh ở.

Công việc của Jonh không quá khó khăn với anh. Sau vài tháng được đào tạo, dần dần anh cũng biết cách rót rượu mời khách và làm một số công việc khác. Rồi một ngày sau khi đi làm về, Jonh ngập ngừng nói với mẹ mình: “Mai con sẽ không đi làm, con không muốn làm người rót rượu nữa”

“Làm cái nghề rót rượu này thì vinh quang ở đâu cơ chứ?”

Câu nói của Jonh làm mẹ anh hết sức bất ngờ. Bà liền hỏi kỹ nguyên nhân của quyết định vội vàng này và Jonh cay đắng nói:

– Hôm nay, khi rót rượu cho một quý ông, chẳng may con lỡ tay làm đổ cả chai rượu vào người ông ta. Mặc dù con không cố ý và cũng đã xin lỗi nhưng vị khách không những mắng một trận mà còn tát con một cái. Sau đó thì chủ cửa hàng cũng mắng con và bảo nếu còn phạm sai lầm như thế một lần nữa, chắc chắn con sẽ bị tống ra khỏi cửa hàng. Con sẽ không đến cửa hàng đó nữa, con không muốn họ nhục mạ con thêm nữa.

Mẹ John, sau khi nghe xong, đã nghiêm khắc nhìn con trai mình và nói:

– Con đáng ăn một cái tát nữa của mẹ.

Jonh không ngờ thái độ của mẹ anh lại như vậy. Uất ức, tủi thân khiến anh không cầm được nước mắt. Lúc này, người mẹ mới đến bên con trai, nhẹ nhàng nói: “Con chỉ đang nghĩ cho con mà không nghĩ cho người khách kia. Chiếc áo của họ đẹp là thế, sang trọng là thế mà bị con làm bẩn hết cả. Nếu là con, con có tức không? Nếu là một người rót rượu tốt thì sẽ không có việc gì xảy ra. Con đã không làm tròn trách nhiệm của mình vì con không hề yêu thích công việc này, đúng không?”.

Nước mắt John vẫn lã chã rơi. Nhìn bộ dạng đáng thương của con trai, người mẹ dịu giọng:

– Con trai à! Một người phục vụ tốt thì cần gửi gắm tình cảm của mình vào công việc. Khi con rót rượu cho khách hàng, không những họ được thưởng thức vị ngon của những loại rượu khác nhau mà còn thấy được tình cảm cũng như sự thân thiện của người phục vụ trong đó. “Vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi” thì khách hàng mới luôn nhớ tới con và con cũng sẽ thấy yêu quý, trân trọng công việc của mình hơn. Con phải biết trân trọng công việc của mình, đừng ghét bỏ hay khinh thường nó. Khi nào biết trân trọng công việc thì lúc đấy con mới dành được vinh quang trong công việc”.

Nghe lời khuyên của mẹ, hôm sau John tiếp tục đi làm nhưng trong lòng vẫn còn rất ấm ức. Làm việc với tâm trạng không thoải mái, vui vẻ khiến John cảm thấy ức chế. Nhiều lúc anh đau xót nghĩ: “Làm cái nghề rót rượu này thì vinh quang ở đâu cơ chứ?”

Một ngày, khi đang bận rót rựợu cho khách, ngẩng lên Jonh thấy mẹ đứng trước mặt mình. Bà mỉm cười và giơ tay ra hiệu cho anh giữ bí mật, coi bà như những khách hàng bình thường khác. Mẹ Jonh từ từ ngồi xuống một chiếc bàn và gọi anh lại phục vụ rượu với vẻ mặt rất tự nhiên. Được phục vụ rượu mẹ mình, Jonh bắt đầu cảm thấy hoang mang và lo lắng: “Không hiểu mẹ đến đây để làm gì?”. Lúng túng, anh làm đổ cả chai rượu ra bàn. Lúc này mẹ Jonh trừng mắt nhìn con trai và nói khẽ: “Làm nghề này con cảm thấy xấu hổ lắm phải không? Nhìn lại dáng vẻ con đi, có khác gì kẻ ăn trộm ẩn ẩn núp núp không? Lúc như thế này con mới phải cảm thấy xấu hổ chứ, có biết không hả?” Nói xong, bà cầm cốc rượu từ trên bàn lên và hất thẳng vào mặt anh. Jonh đứng đó, bất ngờ, đờ đẫn và nước mắt bắt đầu túa ra.

Buổi tối khi trở về nhà, mẹ ôm John vào lòng và nói: “Con trai, mẹ xin lỗi, sáng nay mẹ hơi quá đáng với con, mẹ xin lỗi”. Một lúc sau, bà nói tiếp với Jonh:

– Con trai, con nên yêu quý và trân trọng công việc của mình. Con không được coi công việc và bản thân con là thấp hèn. Con hãy luôn ghi nhớ trong lòng: ta là một ông vua…”

Nghe lời nói này của mẹ, Jonh bật cười:

– Nhưng con chỉ là một chân rót rượu thôi.

– Đúng, con chỉ là một người rót rượu, nhưng con đã làm rất tốt công việc của mình. Con chính là ông vua rót rượu mà. Con trai, ngày mai con thử thay đổi thái độ đối với công việc của con đi. Hãy thử một lần con nhé”. Mẹ Jonh nhìn con trai với vẻ cầu khiến.

Nhìn thấy ánh mắt của mẹ, Jonh gật đầu đồng ý và nói: “Con sẽ cố, mẹ ạ!”.

Từ hôm đó trở đi, Jonh đã dần thay đổi thái độ trong công việc của mình. Anh luôn tươi cười phục vụ khách hàng và không quên gửi tới họ những lời chúc khi có dịp lễ đặc biệt, hoặc những lời tư vấn quý báu khi họ muốn thưởng thức các loại rượu khác nhau trong nhà hàng. Dần dần, khách hàng bắt đầu cảm thấy quý mến chàng trai phục vụ nhiệt tình và chu đáo này. Có một số lần khi đi trên đường, Jonh còn được những người xa lạ nhận ra và chào hỏi như những người bạn lâu ngày gặp nhau. Họ đều là những khách hàng đã được anh phục vụ rượu trong nhà hàng. Lúc này, Jonh mới cảm thấy thế nào là niềm vinh quang trong công việc.

Rồi một ngày, khi Jonh đang bận rộn phục vụ rượu cho khách hàng thì mẹ anh lại đến. Lần này trên tay bà ôm một bó hoa rất to, đưa cho Jonh và mỉm cười nói:

– Con trai, chúc con tròn 20 tuổi. Con của ngày hôm nay chính là ông vua rót rượu rồi đấy.

Sau này, với số vốn và kinh nghiệm làm việc lâu năm của mình, Jonh đã tự mở một cửa hàng rượu của riêng anh. Cũng không lâu sau đó, anh được mệnh danh là “Ông vua rượu của vùng”.

Vào ngày lễ khai trương cửa hàng rượu của riêng mình, Jonh quay sang một người phụ nữ tóc bạc phơ đứng bên cạnh mình và âu yếm nói: “Tôi có một câu chuyện muốn kể cho các bạn nghe: Có một người mẹ, vì muốn thức tỉnh sự tự tin và phấn đấu của con trai mình mà đã làm một việc hết sức ‘quá đáng’. Bà đã hắt vào mặt người con trai mình cả một ly rượu. Dù lượng rượu trong đó rất ít, nhưng nó cũng đủ để người con của bà tỉnh táo đến ngày hôm nay…”.

Theo (Tzstudent)

Cùng chuyên mục