Thuở xưa, mấy ông đồ nho gõ đầu trẻ bắt học thuộc mấy câu tiết đầu Tam Tự Kinh: “Nhân chi sơ, tính bản thiện. Tính tương cận, tập tương viễn”. Nghĩa là người ta sinh ra vốn có tính thiện, sau này khác nhau là do môi trường tạo nên.
Ấy là chuyện ngày xưa. Bây giờ dư luận xã hội choáng váng vì những hành vi “bất thường” của lớp trẻ. Nó đã đi quá xa “tính bản thiện” với những suy nghĩ, việc làm manh động, chai lì nhân tính. Người ta đưa ra đủ nguyên nhân khách quan để giải thích hiện tượng này, trong đó nguyên nhân chủ yếu do “văn hóa độc hại” từ phim ảnh, sách đen, Internet…
Bạn tôi là giáo viên chủ nhiệm một lớp 11. Những lúc buồn cô thường kể về lớp học 48 học sinh của mình. Điều day dứt trong cô là sự đấu tranh vật vã giữa lương tâm nhà giáo và tính cầu toàn của một con người bình thường. Lớp học của cô có tới mười mấy học sinh cá biệt. Có những trò sẵn sàng hành hung thầy cô giáo chỉ vì bị điểm thấp, bị phê bình trước toàn trường. Những trò gái cũng hung dữ chẳng kém gì các bạn nam. Các nàng luôn muốn thể hiện mình bằng cách ăn bận càng “không giống ai” càng tốt. Có những trò nữ khi nhà trường bắt buộc mặc áo dài cũng tìm cách khác người bằng việc cởi bớt mấy nút áo trên vai cho hở ra chút da thịt bên ngực.
Nhiều lần thấy trò nữ của mình mặc quần đằng trước hở rốn, đằng sau hở mông, áo thì cũn cỡn, khoét ngực, đồ lót chơi toàn màu nóng, cô bạn tôi gọi điện mời cha mẹ các em tới để bàn biện pháp giáo dục các em. Tới hồi thấy mấy “mẹ học sinh” chị nào cũng quần bó tới gối, mặc áo “con nhà nghèo” đến trường gặp cô giáo, cô bạn tôi oải quá không biết bắt đầu cuộc gặp mặt từ đâu. Khi đã nghe rõ lời cô giáo phàn nàn về việc các em nữ ăn mặc quá lộ liễu, mấy chị cười rần: “Cô ơi! Tưởng chuyện gì. Ba vụ đó cứ để tụi nhỏ tùy thích đi. Con gái cũng phải biết làm đẹp chút chớ”. Còn chuyện lũ trò trai nhuộm tóc vàng, đỏ, bạch kim loạn xà ngầu cũng vậy. Khi cô giáo gọi phụ huynh đến thì bất ngờ vì nhìn thấy mấy bà mẹ cũng môđen tóc vàng, nâu, đỏ… thật ấn tượng. Lại buồn nữa vì: “Tưởng cô giáo gọi lên nhắc đóng tiền học thêm. Chuyện tóc tai gọi tụi tui tới trường làm chi?”.
Lại lôi mấy câu trong Tam Tự Kinh ra để than thở: “Cẩu bất giáo, tính nãi thiên”. Hiểu nôm na rằng con người không được giáo dục đến nơi đến chốn thì tính thiện sẽ mất đi. Môi trường giáo dục chung bây giờ, gia đình khoán trắng việc giáo dục con trẻ cho nhà trường. Giáo viên số đông ngại “va chạm” với học sinh, thiếu tâm huyết với nghề, cốt làm xong trách nhiệm chuyển tải kiến thức, thiếu (không thể) kèm cặp các em về đạo đức, nhân cách.
Cạnh nhà tôi là nhà một ông thợ hồ, vợ buôn bán rau cỏ lặt vặt ở chợ. Hai ông bà có bốn người con thì hai người tốt nghiệp đại học, một người học trung cấp, một người là thợ may. Tuy chỉ đủ sức nuôi con học hết phổ thông nhưng hai ông bà rất nghiêm ngặt về cách giáo dục con từ nhỏ. Mấy cậu cử, cô tú nhà ông bà dù phải bươn chải công việc xã hội để học tập thành người nhưng luôn giữ nền nếp con nhà nông dân. Mấy lần ngồi chung bữa cơm nhà ông thợ hồ, thấy có cô cậu lỡ làm rớt hạt cơm xuống chiếu liền lượm lên bỏ vô miệng. Quần áo mặc đến cũ mới may đồ mới. Hai cậu con trai ra đường lỡ có bị bạn đồng lứa gây gổ, cãi lộn cũng đều mỉm cười làm thân mà đi về. Ông thợ hồ nói với con không phải mình sợ đánh nhau, nhưng phải biết quý trọng thân mình, đừng vì những chuyện không đâu mà mang thương tích. Còn khi bị hạ nhục quá hay tính mạng bị đe dọa thì phải biết tìm cách chống đỡ. Ông dạy con tìm cách chống đỡ chứ không cố mạng, tức là phải biết dựa vào cộng đồng, vào lẽ phải.
Xem ra trong xã hội cũng còn không ít gia đình biết dạy dỗ con cháu như ông thợ hồ hàng xóm nhà tôi. Chứ không như anh X chủ tiệm vàng bên kia đường, khi con trai bị bạn xô ngã, anh nổi khùng đá cậu quý tử một phát: “Đồ ngu! Nó uýnh thì uýnh lại chớ. Lấy gậy đập chết mẹ nó đi. Lần sau mang đầu máu về kêu nữa là chết với tao nghen”.
Lại muốn nói đến mấy câu trong Tam Tự Kinh, sợ mọi người bảo tôi là kẻ ít chữ mà hay khoe, chớ câu này chí lý quá: “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá. Giáo bất nghiêm, sư chi đọa”. Nghĩa là sinh con mà không dạy dỗ là lỗi tại người cha, dạy trò không nghiêm là lỗi ở thầy giáo. Không lẽ chúng ta chỉ đổ lỗi cho khách quan, cho xã hội?!
Theo: (PHÙNG PHƯƠNG QUÝ/TTCT)