Động đất lan truyền bởi sóng địa chấn. Sóng này lan truyền theo hình cầu và tắt nhanh theo khoảng cách. Động đất có thể xảy ra đồng thời ở nhiều nơi trên thế giới, chúng ta chỉ ghi nhận được tại những nơi có người ở và những nơi có trạm quan sát động đất. Vì vậy nếu ở nơi nào đó tại Việt Nam ghi nhận hoặc cảm thấy có động đất thì chấn tâm gây ra trận động đất ấy phải ở trong lòng đất khu vực đó và không cách xa nơi ghi nhận được quá vài chục km.
Nếu biết được vị trí các chấn tâm động đất đã và có thể xảy ra ở Việt Nam, nói riêng, trên quả đất nói chung, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc phòng, tránh động đất và hạn chế tác hại của nó. Mặt khác, không được xây dựng các công trình quan trọng như đập thuỷ điện, nhà máy điện nguyên tử lên các vùng giữa hoặc rất gần chấn tâm động đất.
Cơ sở khoa học của những ý kiến nêu trên như sau.
Thứ nhất, về địa chất: Dễ dàng công nhận rằng, động đất được gây ra do các hoạt động bên trong lòng đất của các khối đá macma xâm nhập nông á núi lửa trẻ. Các khối đá macma này tái hoạt động nhiều lần tại giao điểm của 4 đứt gãy sâu. Có thể nói: sự tái hoạt động của các khối đá macma trẻ và đứt gãy là nguyên nhân của nhau và nguyên nhân của các trận động đất. Vì vậy, chấn tâm động đất chính là giao điểm của 4 đứt gãy sâu có khối macma xâm nhập nông á núi lửa đang hoạt động. Các chấn tâm động đất được nối với nhau bởi các đứt gãy theo quy luật kiến tạo. Quả đất có rất nhiêu đứt gãy sâu, ở Việt Nam cũng như vậy. Do đó đã và sẽ có rất nhiều chấn tâm động đất.
Mặt khác, do sự phân dị kết tinh, các khối đá macma thành phần axit lớn đã kết tinh ổn định. Các khối đá macma hiện còn hoạt động chủ yếu có thành phần bazic hoặc bazơ-kiềm, ít nơi là các mạch, cột đá trung tính hoặc axit chứa nhiều quặng sắt – sulfua đa kim.
Thứ hai, về địa vật lý: các khối đá macma thành phần bazơ và bazơ-kiềm nêu trên có tỷ trọng cao (cỡ 3,1 – 3,2 kg/dm3) và từ tính rất mạnh. Vì vậy, các chấn tâm động đất sẽ có vị trí trùng với các điểm trùng nhau của trung tâm các dị thường dương trọng lực và dị thường trường từ toàn phần T. Quy mô của các dị thường từ và trọng lực càng lớn (về cường độ và diện tích) thì khối lượng của các khối macma càng lớn và động đất càng mạnh. Tuy vậy, cần đề phòng những dị thường địa vật lý (từ và trọng lực) nhỏ nhưng lại liên quan với các khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ còn đang hoạt động, hoặc sắp hoạt động trở lại.
Việc xác định các đứt gãy sâu cho quả đất và cho Việt Nam là khó chính xác và sẽ có nhiều tranh cãi. Nhưng giao điểm của các đứt gãy, nơi hoạt động của các xâm nhập nông á núi lửa trẻ thành phần bazơ-kiềm thì có thể dùng các phương pháp địa vật lý thăm dò từ và trọng lực để xác định và không ai có thể nghi ngờ được.
Xuất phát từ các quan điểm nêu trên và trên cơ sở phân tích các bản đồ từ hàng không tỷ lệ 1/1.000.000 của Việt Nam do Liên Xô giúp (ở miền Bắc) và hải quân Mỹ (ở miền Nam) tiến hành bay đo vào những năm 1960 đến 1970 của thiên niên kỷ trước, chúng tôi đưa ra một bản đồ dự báo các chấn tâm động đất ở Việt Nam (Hình trên).
Chúng tôi cho rằng, Việt Nam có rất nhiều nơi từng là chấn tâm động đất. Chúng phân bố nhiều nhất ở Tây Bắc, Nam Trung Bộ, Sài Gòn – Bà Rịa, dải Sóc Sơn – Mê Linh ( Hà Nội), Cao Bằng – Hà Giang, ít hơn ở vùng Đông Bắc và đồng bằng Bắc bộ. Ở ngoài khơi, nếu có bản đồ trường từ và trọng lực thì việc xác định các chấn tâm động đất cũng làm tương tự. Thông thường, (theo tác giả), tâm của các trận sóng thần phải trùng với chấn tâm động đất ở ngoài khơi.
Chúng tôi chưa và không thể phân biệt được vùng nào có các khối xâm nhập nông á núi lửa trẻ còn hoạt động, vùng nào sẽ không hoạt động nữa để biết ở đâu sẽ có động đất. Tuy vậy, nếu có động đất xảy ra ở Việt Nam, thì chấn tâm của nó sẽ ở trên đất Việt Nam, tại một số nơi trong những điểm mà chúng tôi đã đánh dấu, với sai số không nhiều. Theo: TS LÊ HUY Y (Liên hiệp Khoa học địa chất và Du lịch)
Động đất ở Nhật Bản có thể đã kích thích các trận động đất khác
GS.TS Nguyễn Đình Xuyên, nguyên viện trưởng viện Vật lý Địa cầu cho hay, trận động đất ngày 24.3 (ở biên giới Lào, Thái Lan, Myanmar) được hình thành dưới tác động của mảng Ấn Độ xô vào mảng Âu – Á. Trong khi đó, động đất ngày 11.3 ở Nhật Bản nằm ở đới hút chìm do mảng Thái Bình Dương xô vào mảng Bắc Mỹ. Hai trận động đất xảy ra ở hai đới đứt gãy khác nhau nên động đất ở Nhật Bản không tác động vào trận động đất ngày 24.3. Tuy nhiên, trận động đất ở Nhật Bản ngày 11.3 đã làm dịch chuyển cả trục Trái Đất, làm thay đổi trạng thái trong lòng đất, vì thế ít nhiều nó sẽ tác động gián tiếp đến những trận động đất khác khiến chúng xảy ra nhanh hơn.
Việt Nam có thể có động đất, sóng thần lớn
Vỏ trái đất ở khu vực Việt Nam không hoàn toàn bình ổn. Tại Hà Nội, đới đứt gãy sông Hồng dịch chuyển khoảng 2mm/năm, về lâu dài các đứt gãy tích lũy năng lượng thì khi xảy ra động đất sẽ rất lớn.
Theo chu kỳ, Việt Nam có thể sẽ hứng chịu nhiều động đất, dư chấn và sóng thần lớn trong thời gian tới. TS Lê Huy Minh, giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (viện Vật lý địa cầu – viện KHCN Việt Nam) cho biết ngày 25.3.
Theo số liệu thống kê cho thấy, cứ 20 – 30 năm lại xuất hiện động đất trên 6 độ richter. Cụ thể, năm 1923 động đất mạnh 6,1 độ richter ở ngoài khơi Vũng Tàu – Phan Thiết, năm 1935 động đất mạnh 6,5 độ richter ở đới đứt gãy sông Mã và năm 1983 động đất mạnh 6,8 độ richter ở Tuần Giáo, Điện Biên. Như vậy, không loại trừ khả năng trong tương lai, Việt Nam cũng sẽ xuất hiện động đất mạnh.
Viện Vật lý địa cầu cũng đã có những khuyến cáo về việc kiểm tra các công trình xât dựng. Hiện nay tại Hà Nội và TP.HCM, mới chỉ có một số công trình lớn có đầu tư nước ngoài yêu cầu viện nghiên cứu kháng chấn tại khu vực xây dựng. Còn lại hầu hết các chủ đầu tư đều tránh vấn đề này bởi nếu làm đúng theo dự báo kháng chấn thì đầu tư sẽ tốn kém.
Bên cạnh những lo lắng về những tình hình địa chấn thế giới, TS. Minh cho biết, hiện các trạm địa chấn tại Việt Nam còn chưa đồng bộ, kinh phí duy trì hoạt động còn hạn chế. Hiện ông đã có báo cáo với viện Vật lý địa cầu về mạng lưới trạm động đất tại Việt Nam. Đây là các trạm đo xa lắp đặt từ 1994 hợp tác với Pháp, hoạt động kém; các trạm độc lập chủ yếu lắp đặt các thiết bị của Đài Loan.
Cũng trong ngày 25.3, ông cũng đã trình đề án “Tăng cường mạng lưới trạm quan sát động đất phục vụ báo tin động đất và cảnh báo sóng thần VN 2009 – 2013”. Trong đó, sẽ có 30 trạm phân bố khắp cả nước và 8 trạm đặt cả máy ghi địa chấn và GPS liên tục. Đề án này nhằm xây dựng hệ thống trạm địa chấn quốc gia theo tiêu chuẩn quốc tế và trung tâm xử lý số liệu có khả năng ghi nhận đầy đủ và nhanh chóng xác định các thông số của các trận động đất trên 3,5 độ richter xảy ra trên đất liền và vùng biển Đông gần bờ, các trận động đất trên 6,5 độ richter trên toàn vùng biển Đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, hiện vẫn con người vẫn chưa thể dự báo chính xác các trận động đất sẽ diễn ra khi nào.
Theo: (Khoa giáo/SGTT-VN)