Từng bán sách báo, đồng hồ, mắt kính dạo khi còn là sinh viên, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải trở thành tấm gương được tôn vinh với nhiều sáng chế có giá trị cho người dân.
Người đầu tiên có bài tham luận tại Đại hộithi đua yêu nước toàn quốc sáng 7-12 là của Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải (Giảng viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM).
Những tâm sự của vị tiến sĩ trẻ tuổi khiến nhiều đại biểu tham dự Đại hội thi đua xúc động: “Tôi từng cô đơn trong nhiều cái Tết Nguyên đán không được về Việt Nam chỉ vì dành trọn thời gian nghiên cứu, học tập nơi đất khách quê người. Tôi từng trăn trở suy nghĩ vì mỗi ngày đi học phải tốn 200 đồng gửi xe đạp vì kinh tế quá khó khăn”.
“Tôi từng bán sách báo, đồng hồ, mắt kính dạo khi còn là sinh viên, thậm chí còn bị kẻ xấu đe doạ đâm kim tiêm dính máu hay trấn lột… Nhưng những khó khăn ấy hay thất bại không làm tôi nản lòng” – Tiến sĩ trẻ tuổi tâm sự.
Nhờ quá trình học tập, rèn rũa, Tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cùng cộng sự đã gặt hái được nhiều thành tích, đóng góp nhiều cho xã hội.
Đến nay, thông qua Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và tổ chức Đoàn các tỉnh thành cùng những mạnh thường quân, tiến sĩ này đã triển khai dự án “Mắt thần” trao tặngngười khiếm thị gần 1.000 thiết bị dẫn đường ở hơn 10 tỉnh, thành tại Việt Nam và một số nước khác, giúp những người khiếm thị nghèo di chuyển an toàn hơn. Đáng chú ý, gần đây dự án “Mắt thần” nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án gia tăng giá trị nông sản hạt cà phê nhờphát triển công nghệ pha chế độc quyền Nhật- Việt- Ý để tạo ra ly cà phê thuần Việt, sau 2 năm đã phát triển 10 điểm bán cà phê sạch giá chỉ 10.000 đồng, tạo thêm 15 việc làm thu nhập cho thanh niên khó khăn.
Dự án Robot đã được hoàn thành phiên bản mẫu và kêu gọi đầu tư mạo hiểm được 500 triệu đồng hỗ trợ cho nghiên cứu. “Đổi lại tôi đã phải bán đi chiếc ô tô Matiz cũ của mình để đầu tư mua linh kiện cho Robot”-Tiến sĩ Hải cho biết.
Dự án Khoá học 1 đô la về sáng tạo kỹ thuật được thành lập từ năm 2010 đã giúp khoảng 3.000 thanh niên và người dân yêu khoa học nhận thức rõ đam mê đích thực của bản thân là gì.
Đúc kết lại các thành tựu của bản thân và đồng sự, Tiến sĩ Hải nói: “Tất cả những việc chúng tôi làm tuy còn rất nhỏ và kết quả còn khiêm tốn nhưng đó là tất cả tấm lòng mà chúng tôi mong muốn gửi vào cuộc sống này. Dù còn nhiều khó khăn vất vả nhưng chúng tôi vẫn làm việc bằng tất cả tình yêu khoa học và khát vọng cháy bỏng của những người trẻ Việt Nam”.
Theo: (NLĐO/N.Quyết-V.Duẩn)