(Hiếu học). Tiền đem lại hạnh phúc khi đưa con người từ nghèo khó lên bậc trung lưu, còn tiếp theo nữa, tiền có mua được hạnh phúc hay không? Càng nhiều tiền, càng thỏa mãn là càng hạnh phúc hơn?
Tiền có mua được hạnh phúc?
Thuở trước lãng mạn: “Có tiền mua tiên cũng được”. Sau này sỗ sàng: “Tiền là tiên là phật”. Ấy thế, vẫn cứ vẩn vơ trong vòng thắc mắc muôn thuở: Thiệt không? – Bởi dân gian truyền tụng: “Ăn cơm thịt bò nằm lo ngay ngáy!”
Các nhà kinh tế triết lý: Khi bán một món hàng, ai mà chẳng muốn được giá cao nhất. Còn người mua, càng rẻ càng tốt chứ sao. Như vậy rõ ràng càng nhiều tiền, càng thỏa mãn, nếu không muốn nói càng hạnh phúc hơn! Đúng là “Có tiền mua tiên cũng được” rồi còn gì.
Thế nhưng, sao lại có siêu sao tiền vào như nước vẫn cứ bị trầm cảm phải chơi hàng trắng để quên nỗi phiền muộn, đau thương; sao lại có đại gia đang phát đạt như diều gặp gió cứ tự vẫn trốn nợ đời bất hạnh… Như thế đâu đã phải “Tiền là tiên là phật!”
Tới phiên tâm lý học lên tiếng. Trong cuốn Stumbling on Happiness – Lầm lỡ hạnh phúc, giáo sư Daniel Gilbert ở trường đại hoc Havard cặn kẽ cung bậc: Tiền đem lại hạnh phúc, khi đưa con người từ nghèo khó lên bậc trung lưu, chứ tiếp theo đấy, chẳng còn mấy tác động! Người Mỹ có thu nhập 50 nghìn đôla/năm đương nhiên phải hạnh phúc hơn đồng bào họ mỗi năm chỉ kiếm được 10 ngàn. Song, các triệu phú với lợi nhuận 5 triệu đô la mỗi năm chưa chắc đã hạnh phúc hơn người chịu thuế thu nhập 100 ngàn đô la/năm.
Căn cứ trên bảng chuẩn hành tinh hạnh phúc Happy Planet Index, New Economics Foundation đã chấm Băng Đảo Iceland là số 1 trong tốp các nuớc hạnh phúc nhất thế giới, dù không được liệt vào hàng quốc gia giàu có, kinh tế hùng hậu. Tạp chí Business Week đã bình Bhutan là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á, trên cơ sở “Tăng trưởng hạnh phúc quốc gia Gross National Happiness, do chính nhà vua Singye hoạch định chương trình phát triển đất nước theo bốn nguyên tắc tăng trưởng GNH – bảo vệ môi trường, bảo vệ bản sắc văn hóa- thuần phong mỹ tục… trên cơ sở kinh tế nông nghiệp cần cù đôi bò đi trước cái cày theo sau. Năm cuối thế kỷ XX Bhutan mới có truyền hình vô tuyến, đến nay ô tô vẫn là đồ xa xỉ, internet còn xa lạ…
Lý giải này cũng được chấp nhận từ góc độ kinh tế. Theo lý thuyết kinh tế gốc, cái quyền cơ bản khiến con người nỗ lực kiếm tiền là lựa chọn. Khi trong túi có triệu đồng, nghĩ ngay chuyện chọn nhà hàng. Nhưng khi trong túi còn có chục nghìn đồng hơn, chỉ còn độc một nước về nhà đong lon gạo, nhặt mớ rau, đãi mớ tép… tự nấu ăn cho cái bao tử lép kẹp. Khả năng tài chính đảm bảo một phổ lựa chọn thỏa mãn các nhu cầu, mong muốn càng rộng bao nhiêu, càng hạnh phúc bấy nhiêu. Nguời ta thực sự sung suớng, khi chỉ phải lựa chọn trong số sáu, bảy thương hiệu bầy trên kệ siêu thị. Nhưng lại vô cùng khó chịu – lo lắng, bất hạnh, khi phải lựa chọn một trong la liệt hàng chục mặt hàng, vì luôn sợ lựa chọn nhầm thiên hạ cười là ngu đần, bị bịp, mất tiền oan.
Ngay các nghiên cứu động thái xu thế ngày một thêm thỏa mãn vật chất của con người cũng giáng cho triết lý Tiền là tiên là phật một đòn chí tử. Các giáo sư R. Veenhoven ở Rotterdam cũng như E. Diver ở Illinois cùng M. Zeligman ở Pennsylvanie… đều băn khoăn: Của cải xã hội trong mấy chục năm qua nhiều lên vô kể, nhưng chất lượng cuộc sống nào có cải thiện mấy. Ngược lại, các chỉ số u sầu, mất lòng tin tương lai lại gia tăng mạnh mẽ là sao!? Dạo đầu, máy giặt được coi là đồ xa xỉ phẩm, nhưng nay đã là thứ gia dụng mau hỏng. Bây giờ mua nó đâu còn cảm giác hạnh phúc như hồi ông, bà nội ngoại hỉ hả sắm được để giải phóng khỏi khổ sai giặt tay chăn mền, màn cửa…!
Mua tiên bằng gì?
Thế vậy “ mua tiên” bằng gì? Từ trải nghiệm cuộc đời, ông bà ta bảo bằng sức khỏe, bằng công việc ưa thích, bằng mối giao hảo… chứ còn bằng gì nữa nào.
Báo Times đã có lần khuyên bạn đọc của mình muốn được hạnh phúc tốt nhất là làm công việc đúng sở vọng cá nhân. Quan điểm này được E. Diner và M. Zeligman nâng lên cấp độ lý luận: Một khi các nhu cầu cơ bản được thỏa mãn, cảm giác hạnh phúc tùy thuộc mối quan hệ với thế giới quanh ta. Riêng R. Veenhoven lại còn đưa ra kiến giải là nhà nước muốn dân hạnh phúc, không thể chỉ bằng các chính sách tăng trưởng kinh tế mà còn phải lo toan cả loạt các giải pháp chính trị – xã hội đảm bảo sự điều hành trơn tru, tự do, dân chủ, tin cậy lẫn nhau, an sinh xã hội…
Một nghiên cứu quốc tế lớn nhất mới đây còn kết luận hạnh phúc lớn lại là điều nguy hiểm đấy, và làm gì có hạnh phúc bền lâu kia chứ. Thực ra càng thành đạt bao nhiêu lại càng dễ dàng đau khổ bấy nhiêu… với thất bại. Một doanh nghiệp thường bay với vé hạng thương nhân sẽ cảm thấy nặng nề hơn, khổ ải hơn rất nhiều, so với hành khách ngồi khoang bình dân, nếu chẳng may chuyến bay cất cánh chậm hơn thời biểu khoảng 30 phút !. Đó là kết luận một điều tra nghiên cứu do các truờng đại học danh tiếng ở Mỹ, Nhật, Hàn quốc tiến hành. Suốt ba tuần liền, các sinh viên Mỹ, Nhật, Hàn quốc ghi nhật ký đầy đủ mức độ thỏa mãn cuộc sống cùng những tác động tích cực cũng như tiêu cực của các sự kiện liên quan trực tiếp cũng như gián tiếp đến cá nhân họ.
Thế ra hạnh phúc lại đậm nét chủng tộc ra phết. Nói chung, người Mỹ gốc Âu hạnh phúc hơn người châu Á – không chỉ người Nhật hay Hàn Quốc mà cả người Mỹ gốc hai dân tộc này. Ngược lại, nếu như xảy ra chuyện gì bất hạnh, người Mỹ gốc Âu lại thấy nặng nề, khốn khổ gấp bội, phải qua nhiều thời gian hơn, phải thành đạt nhiều mới thoát ra được.
Nghiên cứu ấy còn khuyên đừng có chạy theo hạnh phúc vĩnh hằng. Tiếp theo một loạt những thành đạt luôn là một thất bại có khả năng phá nát hạnh phúc truớc đó – Làm sao biết được thế nào là… sẽ hay? Vậy ra sự khôn ngoan, thông thái phương tây với đạo lý làm người phương đông lại có chung điểm cơ bản giản dị thế đó.
Theo: Khảo cứu vặt: Tiền có mua được hạnh phúc?(Lê Lành/Bee.net).
Chúc bạn có cuộc sống luôn hài lòng và hạnh phúc nhất!
(hieuhoc_hieuhoc.com).