(Hiêu học). Công nghiệp tàu thủy là ngành công nghiệp nặng, phát triển được tiềm năng ngành công nghiệp này đồng nghĩa với phát triển nhiều ngành công nghiệp phụ trợ khác như luyện kim, chế tạo máy, hóa chất, điện tử, vật liệu…
Đầu ra của ngành này lại có tác dụng thúc đẩy kinh tế biển trong nước như vận tải biển, thăm dò khai thác dầu khí, khai thác thủy sản, du lịch phát triển và mang lại hàng tỉ USD cho đất nước. Tuy nhiên, làm thế nào để phát triển tiềm năng ngành công nghiệp đóng tàu VN là bài toán không đơn giản.
Việt Nam có bờ biển chạy suốt chiều dài hình chữ S của Tổ quốc thân thương. Đó cũng là tiềm năng rất lớn cho ngành Hàng hải.
Có thể nói, công nghiệp đóng tàu của VN khởi động khá muộn, khi ngành công nghiệp đóng tàu thế giới đã phát triển mạnh mẽ và hiện đại. Vì thế, chỉ trong một thời gian ngắn, ngành đóng tàu của VN đã có bước nhảy ngoạn mục, việc đa dạng hóa các chủng loại như tàu công trình, tàu khách, tàu chở ô tô, tàu chở khí hóa lỏng… cũng đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành đóng tàu VN.
Với bước nhảy vọt trong một thời gian ngắn, hàng loạt hợp đồng đóng tàu từ nhiều nước trên thế giới đã đến với VN, thu về hàng tỉ USD cho đất nước. Đặc biệt, năm 2009, năm thế giới gặp khó khăn vì khủng hoảng kinh tế với hàng loạt công ty phá sản, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng… thì tổng giá trị đơn đặt hàng của ngành đóng tàu VN đã đạt trên 12 tỉ USD, tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn lao động cho ngành này trong vài năm tới. VN cũng được xếp thứ 6 trong các cường quốc đóng tàu của thế giới và đang phấn đấu lọt vào top 5 cường quốc đóng tàu của thế giới.
Tuy nhiên, theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trong số 128 cơ sở đóng tàu trên cả nước thì số cơ sở có thể sửa chữa tàu biển có trọng tải từ 6.500 tấn trở lên chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Còn lại hầu hết những tàu lớn đều phải ra sửa chữa ở nước ngoài, nhiều nhất là Singapore. Đây là điều rất đáng tiếc bởi sửa chữa tàu là một ngành thuđược tiền ngay lập tức và doanh thu khá lớn.
Nghịch lý là trong khi ngành đóng tàu phát triển quá nhanh thì ngành công nghiệp phụ trợ lại ì ạch, chậm rãi, không đồng bộ khiến cho VN đã và đang đối diện với nguy cơ trở thành “cường quốc gia công” cho thế giới. Một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM phân tích, ngành đóng tàu VN mới chỉ sản xuất được một số vật tư, thiết bị giản đơn như chất liệu hàn, sơn, cầu trục, cổng trục cỡ lớn, máy cắt kim loại, nội thất, bơm nước…, trên 80% nguyên vật liệu và thiết bị phục vụ đóng, sửa chữa tàu biển trong nước hiện vẫn còn phải nhập khẩu. Vì vậy, sự phát triển ngành đóng tàu VN trên thực chất vẫn còn nặng tính gia công lắp ráp, chưa tạo nên được giá trị gia tăng cao. Trong khi đó, chỉ chiếm một số ít sản lượng tàu đóng mới nhưng các nước Tây Âu chiếm đến hơn 30% lợi nhuận thu được. Lý do là họ chỉ chuyên đóng những con tàu chất lượng cao với tỷ suất lợi nhuận cao.
Nhiều người thấy các nhà máy đóng tàu Việt Nam hạ thủy các tàu lớn, 4-5 vạn tấn là mừng. Điều đó là đáng mừng thật nhưng với người trong nghề thì đóng tàu to bằng vài tòa nhà cao tầng có khi lại không khó và không “ăn” bằng đóng những tàu nhỏ hơn như du thuyền, tàu du lịch cao cấp. Nhiều tàu VN đóng có giá chỉ 40 – 50 triệu USD/chiếc (lúc được giá) nhưng có những du thuyền có giá vài trăm triệu USD, tàu du lịch cao cấp gần cả tỉ USD. Hiện nay trên thế giới, nhiều cường quốc hàng hải như Anh, Pháp, Nhật… đang chuyển dần từ đóng tàu vận tải cỡ lớn (vốn ô nhiễm cao và nặng nhọc, lợi nhuận thấp) sang đóng tàu cỡ nhỏ, du thuyền, tàu du lịch cao cấp với hàm lượng chất xám cao.
Theo thống kê của Tổ chức Clarkson PLs, tổng số đơn đặt hàng đóng mới tàu biển suy giảm 99,46% trong tháng 4. 2009 so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ năm 1996. Năm 2010 được dự báo là năm đầy thách thức với ngành đóng tàu thế giới khi đối mặt với tình trạng hủy đơn hàng, dư thừa công suất tại các nhà máy đóng tàu. Vì vậy, nếu ngành đóng tàu VN không đi vào “chất” thay vì phát triển về lượng như hiện nay thì việc trở thành “cường quốc gia công” là điều không thể tránh khỏi.
Lợi thế của VN trong việc phát triển ngành hàng hải.
Bờ biển Việt Nam dài trên 3.260 km, diện tích biển gấp 3 lần đất liền với 50% dân số sống ven biển. Biển nước ta nằm trên tuyến hàng hải quan trọng và nhộn nhịp vào bậc nhất thế giới. Với những lợi thế trời cho, điều nghịch lý là Việt Nam chưa từng được gọi là “quốc gia hàng hải”. Làm thế nào để đạt được điều này và xa hơn, trở thành một cường quốc biển?
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong và ngoài nước: Việt Nam có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển ngành hàng hải, kinh tế biển, có thể trở thành trung tâm hậu cần cho khu vực và thế giới.
Đường hàng hải chiến lược
VN nằm trên bờ phía tây của biển Đông, một biển lớn của Thái Bình Dương được đánh giá là giàu tài nguyên sinh vật biển, có nhiều khoáng sản quý hiếm, đặc biệt là dầu khí. Điều quan trọng nhất, biển VN nằm trên con đường vận tải huyết mạnh của thế giới nối giữa Đông Á – Thái Bình Dương với châu Âu, châu Phi, Trung Cận Đông cũng như nhiều nước và vùng lãnh thổ ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore. Nền kinh tế của các nước và vùng lãnh thổ này đều phụ thuộc sống còn vào đường hàng hải quốc tế đi qua biển Đông của nước ta.
VN có đường bờ biển dài, có nhiều vũng, vịnh và cửa sông nối liền với Thái Bình Dương. Vị trí địa lý này rất thuận lợi cho chúng ta phát triển kinh tế biển, nhất là kinh tế hàng hải. Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30.5.2007 của Chính phủ xác định đến năm 2020, kinh tế hàng hải đứng thứ hai và sau năm 2020 thì đứng thứ nhất trong các ngành kinh tế biển. Theo thống kê của Cục Hàng hải, khối lượng vận tải biển tăng trưởng bình quân gần 12%/năm trong mấy năm gần đây, cao hơn tốc độ của các loại hình phương tiện vận tải khác.
Việt Nam có thể được coi là một nước vừa lục địa vừa hải dương. Nhờ địa hình địa thế đó mà hàng hóa VN, dù để tiêu thụ trong nước hay để xuất khẩu, không cần phải quá cảnh những nước láng giềng. Ngược lại, hàng hóa của vùng đông bắc Thái Lan, Lào, Campuchia và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) xuất khẩu sang những nước khác có thể phải quá cảnh và tạm thời lưu kho trên lãnh thổ VN, Thái Lan, Myanmar và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Một số tàu cỡ nhỏ và cỡ trung chỉ có thể dừng chân ở những cảng VN để chất, dỡ hàng của VN và của những nước láng giềng; mua thêm thực phẩm tươi, cho thủy thủ đoàn nghỉ ngơi, bảo quản định kỳ hay sửa chữa bất thường… Đây là một lợi thế của VN vì Malaysia quá gần Singapore còn Philippines và Indonesia là những quần đảo không có hậu phương. Gần đây, hãng thông tấn Bernama (Malaysia) dẫn nhận định của các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới cũng cho rằng, ngành công nghiệp hậu cần của VN có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành trung tâm hậu cần của khu vực và thế giới. Nhưng nếu VN không nhanh chân, cơ hội rất có thể vuột khỏi tầm tay.
Dự báo năm 2010, cảng trung chuyển của Singapore sẽ rơi vào tình trạng “ứ” hàng và đây là cơ hội lớn cho VN trong việc tiếp nhận lượng hàng hóa lớn trên thế giới. Có chớp được cơ hội này hay không, bài toán vẫn chưa có câu trả lời dù đã cận đích.
Trong tương lai, khi cảng Vân Phong hình thành, một lượng hàng xuất nhập khẩu khổng lồ của VN và các nước trong khu vực vận hành trên các tuyến xuyên đại dương đi châu Âu, Bắc Mỹ sẽ trung chuyển qua đây, thay vì đi qua các đầu mối trung chuyển hiện có như Hồng Kông, Singapore… Ngoài ra, một nguồn container dồi dào của Khu kinh tế Vân Phong và lân cận vận hành trên các tuyến biển gần cũng sẽ quá cảnh qua đây. Đối với nguồn hàng trong nước, vai trò của cảng Vân Phong chủ yếu là hỗ trợ cho các cảng cửa ngõ, đầu mối; đảm nhận tiếp chuyển hàng container xuất nhập khẩu vận hành trên các tuyến biển xa bằng cỡ tàu lớn mà các cảng cửa ngõ và đầu mối không có khả năng tiếp nhận hoặc năng lực thông qua không đáp ứng nổi.
Các chuyên gia ngành hàng hải cho rằng, để tăng tính cạnh tranh, yếu tố hấp dẫn là chi phí vận tải tiếp chuyển thu gom đi hoặc đến Vân Phong phải thấp hơn so với các cảng khác. Kết quả phân tích, tính toán theo từng tuyến vận tải và so sánh chi phí vận tải cho thấy, khả năng hấp dẫn của Vân Phong là hàng container đi biển xa của Campuchia (qua cảng Sihanoukvile), Bruney (qua cảng Muara) và một phần của Philippines (qua cảng Manila). Đây cũng là điểm cần phải chú ý để khai thác.
Các bạn có thể học ngành Hàng Hải tai các trường ĐH từTrung cấp, Cao đẳng, Đại Học và trên ĐH với các chuyên khoa: Bảo vệ môi trường thuỷ, phát triển công nghệ đóng tàu, công nghệ dùng cho động cơ tàu thuỷ, vận tải đa phương thức và Logistic, thiết kế công nghệ hàng hải, kinh tế vận tải biển v.v…
Tuấn Phong tổng hợp/(hieuhoc_hieuhoc.com).