Các điều kiện để phát triển ngành thời trang dệt may, da giày đã được rất nhiều chuyên gia đề cập như vấn đề nguyên vật liệu, lao động, công nghệ, thương hiệu…Ở đây, chỉ xin giới thiệu các giai đoạn phát triển lớn cần vượt qua để ngành dệt may, da giày trở thành ngành thời trang
Nhiều năm qua, Việt Nam đã ra sức xây dựng những ngành kinh tế mũi nhọn như sinh học, điện tử, công nghệ thông tin, cơ khí… Thế nhưng, giờ đây nếu hỏi tên những sản phẩm nào nổi tiếng với người tiêu dùng trong nước, chắc cũng ít ai biết! Trong khi đó những ngành như dệt may, da giày lại bị bỏ quên. Việt Nam đang có những lợi thế cạnh tranh để phát triển ngành dệt may, da giày trở thành ngành thời trang. (Ảnh: Lê Toàn).
Ngành thời trang: “xương gà chiên bơ”?
Dệt may, da giày… là những ngành có sức sống và phát triển liên tục trong nhiều năm qua. Chỉ tiếc là các ngành này lại chưa mấy được các nhà quản lý xem trọng vì “thâm dụng lao động”, “có giá trị gia tăng thấp”, “chỉ thuần túy làm gia công”, hoặc có người dùng từ “xương gà chiên bơ” (rất thơm nhưng ăn không được)…
Trên thực tế, dù ít nhận được hỗ trợ từ Chính phủ, nhưng ngành dệt may, da giày đang là hai ngành kinh tế dẫn đầu về xuất khẩu – nếu không tính ngành dầu khí. Rõ ràng chúng ta đang bỏ qua một cơ hội rất lớn để có thể chọn cho mình những sản phẩm chủ lực vốn có lợi thế. Phải chăng các nhà quản lý vĩ mô cảm thấy xấu hổ khi thế giới gắn Việt Nam với dệt may, da giày (gọi chung là sản phẩm thời trang)?
Câu hỏi đặt ra là hiện nay chúng ta đang đứng ở đâu và đã thực sự khai thác hết chuỗi giá trị của các sản phẩm thời trang chưa? Câu trả lời là chưa và nếu phải nói rõ hơn bằng con số thì hiện chúng ta chỉ mới khai thác khoảng 10 – 20% trong toàn chuỗi giá trị của sản phẩm thời trang. Nói cách khác, chúng ta chỉ mới làm công việc gia công cho các thương hiệu nhưng cũng chưa thực sự thực hiện đầy đủ như nghĩa của từ OEM (Original Equipment Manufaturer). Theo đó, khách hàng chỉ cung cấp mẫu mã, còn nhà sản xuất tự lo hết tất cả vật tư, thiết bị…
Nếu nhìn xa và tích cực hơn, chính việc hưởng giá trị gia tăng thấp như hiện nay lại có một ý nghĩa lớn trong tương lai. Đó là chúng ta hãy còn một khoảng rất rộng và những cơ hội rất lớn để tăng thêm giá trị của sản phẩm này bằng cách khai thác các phần còn lại trong chuỗi giá trị sản phẩm thời trang. Do vậy, cơ hội để vươn xa là rất lớn, đặc biệt là khi các nước có chi phí lao động cao như châu Âu, Mỹ, Nhật đã từ bỏ sản xuất và chuyển sang nhập khẩu.
Đâu là lợi thế để Việt Nam phát triển ngành thời trang?
Trước hết và trên hết, đó là hầu hết các nước nhập khẩu lớn trên thế giới và các thương hiệu lớn đặt hàng bên ngoài đều đánh giá Việt Nam có năng lực tổ chức sản xuất tốt cả về chất lượng và giao hàng.
Thứ hai, dù giá nhân công của Việt Nam đang cao dần lên nhưng đơn giá tiền công vẫn còn khả năng cạnh tranh so với nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan, Philippines…và ngang ngửa với một số nước khác như Indonesia, Sri Lanka… Vấn đề còn lại là chúng ta phải giảm chi phí về nhân công bằng cách nâng cao kỹ năng quản lý, đổi mới công nghệ và xây dựng thương hiệu.
Thứ ba, cơ cấu dân số Việt Nam hiện nay là cơ cấu vàng với tỷ lệ lao động trẻ cao, mà trẻ thì gắn với thời trang, từ thiết kế cho đến sản xuất, kinh doanh… Nói chung, thời trang là ngành có tính cạnh tranh cao, thay đổi nhanh và chỉ những nước có cơ cấu lao động trẻ mới có thế mạnh. Bên cạnh đó, yêu cầu về trình độ lao động của ngành này phù hợp với hoàn cảnh một nước đang phát triển, việc đào tạo lao động không quá khó như trong các ngành công nghệ thông tin, sinh học…
Cuối cùng, thời trang là ngành có vốn đầu tư thấp và tốc độ thu hồi vốn nhanh hơn nhiều so với các ngành như cơ khí, chế tạo máy… Điều này sẽ tạo điều kiện tích tụ tư bản nhanh để chuyển dịch nền kinh tế về sau này.
Làm gì để ngành dệt may, da giày trở thành ngành thời trang?
Nếu chúng ta phát triển ngành công nghiệp thời trang mà không có những định hướng, giải pháp rõ ràng thì cuối cùng nó sẽ trở thành một ngành công nghiệp èo uột, thiếu sức sống. Các điều kiện để phát triển ngành thời trang dệt may, da giày đã được rất nhiều chuyên gia đề cập như vấn đề nguyên vật liệu, lao động, công nghệ, thương hiệu… Ở đây, chỉ xin giới thiệu các giai đoạn phát triển lớn mà ngành cần vượt qua:
– Giai đoạn OEM (Original Equipment Manufacturer): Các khách hàng có thương hiệu chỉ cung cấp mẫu mã, còn việc tổ chức sản xuất bằng thiết bị gì, nguyên liệu từ đâu, công nghệ thế nào là do chúng ta chủ động. Trên thực tế, ngoài việc tiếp nhận mẫu mã, nhiều nhà sản xuất tại Việt Nam còn yêu cầu khách hàng cung cấp toàn bộ nguyên phụ liệu, thậm chí cả thiết bị, chuyên gia chất lượng… Điều này cần khắc phục càng sớm càng tốt, đặc biệt là với nguyên phụ liệu.
Tuy mục tiêu đề ra không cần phải sản xuất được tất cả các loại nguyên phụ liệu, nhưng ít ra cũng phải tự cung cấp ít nhất là 50% số lượng cần thiết. Theo một báo cáo gần đây của Vinatex, ngành dệt may đã đạt được tỷ lệ nội địa hóa 47% trong các sản phẩm xuất khẩu. Do vậy, nhiều khả năng giai đoạn này sẽ hoàn tất từ năm 2015 – 2020, nếu chậm hơn, cơ hội để có thể chuyển sang giai đoạn sau và ước mơ về một ngành thời trang sẽ rất xa vời.
– Giai đoạn ODM (Original Design Manufacturer): Dù vẫn sản xuất và bán hàng dưới thương hiệu của nhà nhập khẩu, nhưng các nhà máy sản xuất tại Việt Nam có khả năng chủ động về thiết kế và chào bán sản phẩm do chính mình thiết kế. Một số doanh nghiệp thời trang Việt Nam đã tham gia vào giai đoạn này nhưng số lượng vẫn còn rất ít. Giai đoạn này có thể bắt đầu từ cuối thập kỷ 2010 đến đầu thập kỷ 2020 và sẽ kéo dài đến 30 năm hoặc lâu hơn.
– Giai đoạn OBM (Own Brand Manufacturer): Các nhà sản xuất hàng thời trang sẽ tự sản xuất dưới thương hiệu của chính mình. Điều này đồng nghĩa với việc phải chủ động toàn bộ chuỗi giá trị của sản phẩm, kể cả khâu phân phối. Đây là đỉnh cao của ngành thời trang và trên thực tế, một số doanh nghiệp như Việt Tiến, Nhà Bè, An Phước, Thái Tuấn, Biti’s, T&T… đã chuyển một phần sang giai đoạn OBM nhưng tiếc là cơ cấu còn khá nhỏ so với năng lực sản xuất của doanh nghiệp và chủ yếu là phát triển tại thị trường nội địa.
Tóm lại, ngành thời trang Việt Nam hãy còn quá non trẻ và để đưa ngành này chuyển sang giai đoạn OBM sẽ tốn rất nhiều thời gian, công sức. Do vậy, nếu chỉ với nỗ lực của vài doanh nghiệp thì sẽ không thực hiện được mà đòi hỏi sự phát triển đồng bộ trong cả ngành, từ cơ sở hạ tầng cho đến việc phát triển các ngành hỗ trợ như sản xuất nguyên liệu, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng các kênh thương mại chuyên nghiệp, hình thành các trung tâm trình diễn thời trang.
Rõ ràng phát triển ngành thời trang không phải chỉ là công việc của các nhà thiết kế, nhà sản xuất, kinh doanh mà vai trò của Nhà nước là rất quan trọng. Việc quảng bá của từng doanh nghiệp, thậm chí của cả ngành cũng chưa đủ mà cần cả sự quảng bá ở tầm quốc gia.
Theo: Dệt may, da giày trở thành ngành thời trang Diệp Thành Kiệt (Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM)/(TBKTSG)